Lãng mạn hay thực tế

147

Chúng ta biết rằng vào khoảng thế kỷ XIX, xuất hiện một trường phái trong văn học là chủ nghĩa lãng mạn. Chúng bao gồm một trào lưu tư tưởng được coi là tự do phóng túng nhằm thể hiện khát vọng của con người muốn vượt khỏi cảnh sống khổ cực hiện tại. Từ đó, mọi người chấp nhận lãng mạn đối lập với hiện thực. Điều này có thể hiểu và chấp nhận trong phạm vi văn học nghệ thuật. Ở đây, chúng ta bàn đến tính chất lãng mạn trong tình yêu, nghĩa là trong đời sống hiện thực của con người. Phải chăng, nhờ đời sống hiện thực mà đối cực lãng mạn và thực tế xích lại gần nhau ?  

Vào một ngày nọ, tình cờ cặp thanh niên trai gái cùng trú mưa dưới một hiên nhà. Do mái hiên không được rộng để có thể che chắn những làn gió tạt ngang, chàng đã ga-lăng đứng mũi chịu sào hầu cản bớt những làn mưa vô tình bay qua. Thế rồi, cuộc tình trong họ từ đấy phát sinh. Có thể, xem hành động của chàng trai là lãng mạn. Thế mà, có người quan niệm lãng mạn là yếu đuối, đánh mất chất “manly”; chẳng phải vì lãng mạn mà đánh mất vẻ thần thái của bậc nam nhi, trái lại, thiết tưởng, trong tình huống này, lãng mạn lại là cách biểu hiện chất đàn ông hơn cả. Và lãng mạn ở đây không kém phần thực tế vì chàng đã biết giúp đỡ một người yếu thế hơn. Lãng mạn nhưng cũng rất thực tế !

Có một chàng thanh niên khác đang bị cảm lạnh, trong lúc cầm hoa đứng chờ nàng, bỗng có một cơn mưa bất chợt kéo đến khiến chàng rét run. Chàng quyết định chờ người yêu trong mưa. Khi nàng đến cũng là lúc nàng phải dìu chàng về nhà. Chàng ốm liệt giường một tuần. Đây không phải là lãng mạn mà là lãng xẹt. Vì khi người ta không ý thức tình trạng của mình rằng mình đang đứng đâu và làm gì, họ trở nên một người phi thực tế. Lãng xẹt thì xa rời thực tế !

Cũng tùy quan điểm của mỗi người về lãng mạn mà có cách hành xử và hình thành một phong cách sống. Có thể một người phát triển mạnh về phần bán cầu não phải, họ sẽ thiên về tình yêu và lãng mạn hơn nhưng họ có thể lãng mạn một cách rất thực tế. Nàng biết rằng chàng rất thích mùi nước hoa mình xức, thế nên, trong một dịp đặc biệt nào đó, nàng đã tự tay viết một lời chúc mộc mạc và kèm chút mùi nước hoa ấy khiến chàng ngửi và nhớ đến nàng luôn. Nàng không mua sẵn những cánh thiệp với những lời chúc đẹp đẽ và chuẩn mực được bày bán ngoài chợ nhưng tự tay viết bằng những lời phát ra từ cõi lòng chân thành, đồng thời, hết sức tâm lý khi kèm thêm mùi nước hoa như mùi hương độc đáo nhắc nhớ sự hiện diện của mình. Nàng lãng mạn một cách rất thực tế.

Đối lại, có người phát triển mạnh về phần bán cầu trái, họ thiên về lý trí và khoa học. Họ sống rất thực tế nhưng không vì thế họ không thể sống thực tế một cách hết sức lãng mạn. Chẳng hạn, vợ biết chồng rất thích đá banh, vào một dịp thi đấu giao hữu chàng đã có công sút vào lưới một bàn thắng đẹp, nàng đã mua tặng chàng một đôi giày mới. Thật ra, chàng dư tiền để tự mua cho mình nhiều đôi giày khác đúng ý mình hơn, nhưng đó là cách nàng tỏ dấu quan tâm đến chàng và như một lời khen và chúc mừng nhằm kích thích lòng tự tin nơi chàng trước mặt người khác. Quả thật nàng rất thực tế một cách khá lãng mạn.

Nói cách khác, tính chất lãng mạn là sự quan tâm tinh tế của người yêu. Chính khi hiểu biết tâm lý của đối tượng mà hai người có thể sống thực tế một cách lãng mạn và cũng lãng mạn một cách hiện thực.

Có cả ngàn lẻ một cách biểu hiện tính lãng mạn trong tình yêu nhưng những thứ ấy có thể không phù hợp với khung cảnh gia đình của mọi người. Bởi vậy, bạn cần sống theo phong cách của bạn. Chính sự tự do sáng tạo làm nên tính độc đáo của một cuộc tình. Đôi khi bạn chẳng phải mất một số tiền lớn để sống lãng mạn và thực tế. Đâu phải bạn dắt nàng đến nhà hàng sang trọng với những sơn hào hải vị mới chứng tỏ sự lãng mạn đâu. Nhưng chỉ cần đến một quán chè năm xưa cũng đủ gợi nhớ bao kỷ niệm khó quên.

Những lời khen và lời cảm ơn chân thành cũng là cách biểu lộ tính lãng mạn. Thật vậy, thay vì đến tháng vợ nhận tiền từ tay chồng như một bổn phận của người trụ cột trong gia đình, nàng có thể nói lời cảm ơn và: “anh ơi, tháng trước còn dư chút đỉnh”. Chắc hẳn, chàng sẽ đáp lại rằng vợ anh thật là khéo lo. Để có thể nói được những lời này, cả hai cần phải ra khỏi mình để sống cho niềm vui của người kia. Lãng mạn có thể không mất tiền mua nhưng phải trả bằng tâm từ bi hỷ xả.

Và trong thời công nghệ thông tin này, chúng ta có thể kết nối với mọi người; hãy dành một không gian riêng cho người vợ và con của bạn. Vào một hôm trực ca đêm, chàng quyết định gởi cho nàng một tin nhắn: “Đêm nay anh ngủ một mình, không gian như giá lạnh, hơi khó ngủ, chúc em và con ngủ ngon nhé !”. Câu nói ấy thật lãng mạn nhưng không kém phần chân thành; nó không dừng lại như một lời chúc ngủ ngon mà còn nói lên tính trách nhiệm và tình liên đới với nhau.

Hay như một dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, cô dâu và chú rể già đã cùng nhảy một điệu vũ khá bắt mắt. Nhảy xong, nàng hỏi: “Hôm nay, anh thấy em nhảy có đẹp không ?”. Chàng tươi cười trả lời: “Hơn cả tuyệt vời !”. 50 năm tình yêu lãng mạn là thế ! Chưa hết, tàn tiệc về đến nhà, hai người còn ngồi lại với nhau, ông trêu bà: “Lúc vừa rồi, em nhảy đạp phải chân anh đấy nhé !”. Sau đó, cả hai nhìn nhau và cười khoái chí.

Như thế, lãng mạn không có nghĩa xa rời thực tế; trái lại, lãng mạn và thực tế bổ túc cho nhau như một cặp đôi hoàn hảo tung ra những bước tuyệt chiêu đem lại hương vị cho tình yêu. Cho dù, đôi lúc lạc điệu khiến giẫm chân nhau nhưng rồi tình yêu lại được sưởi ấm bằng những sự quan tâm tinh tế nhất. Suy cho cùng, lãng mạn cũng chỉ là cách biểu lộ lòng tôn trọng và sự thương yêu. Và nếu hiểu lãng mạn là chất kết dính trong tình yêu, thì hai khối đá cũng cần chất xi măng giữ cho bền chặt. Lãng mạn là hương vị, chất xúc tác và kết dính trong tình yêu.

EYMARD An Mai Đỗ O.cist.