LẶNG

119

              “Chẳng một lời một lẽ,

                Chẳng nghe thấy âm thanh,

              Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu

              Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển”.

                                                (Tv 19,4-5).

Mỗi khi cất lên những lời ca này, lòng con lại liên tưởng ngay đến Cha, lạy Cha thánh Giuse. Cha chẳng để lại cho thế trần chúng con một lời phát biểu lừng danh nào cả, các tác giả Thánh Kinh đã chẳng ghi lại được câu nói nào của Cha. Dầu vậy, danh của Cha vẫn được loan truyền trên khắp thế giới, những nhân đức của Cha vẫn được người người mến mộ. Tác giả Jean Lafrance viết: “Một vị thánh không cần nói nhiều, vậy mà người ta vẫn hiểu được điều ngài muốn nói”. Vâng, Cha lặng thinh mà vẫn dạy cho con bao bài học, Cha âm thầm nhưng vẫn đủ để con tin tưởng nhận là “Cha Thiêng Liêng” bảo trợ ơn gọi cho con.

Trước khi bước vào Dòng, con không hề có một chút hiểu biết hay lòng mến mộ gì về Cha, dù con thuộc nằm lòng lời kinh cầu khẩn Cha mà họ đạo con vẫn đọc hằng ngày. Nhưng khi đi tu, càng ngày con càng gắn bó với Cha. Còn nhớ những tháng ngày đầu đời tu, con lạ với nếp sống tu viện và những người chị em không thân thuôc, con e ngại và rất ít nói. Một cách tự nhiên, con đến gần Cha vì con thấy Cha cũng trầm lặng và ít nói như con vậy. Và rồi, mối tình phụ tử thiêng liêng giữa con với Cha bắt đầu nảy nở và sâu đậm dần. Nhưng với con lúc ấy, con không có chủ ý giữ thinh lặng bên ngoài để sống đời nội tâm sâu sắc, đó chỉ là do bản tính e sợ của con thôi. Một thời gian sau, con quen và thích nghi được nếp sống sinh hoạt và mọi chị em trong cộng đoàn, con lại nói nhiều, nói hay nói tốt cũng có mà nói dở nói xấu cũng không thiếu. Nhìn lại bản thân con, con hối hận nhiều về những lần đã không làm chủ được cái miệng. Con đã chịu ảnh hưởng không ít bởi một xã hội “ưa chuộng phát thanh” hôm nay. Con đã nói để chứng tỏ sự hiểu biết của mình, con đã nói để mong được người ta chú ý, con đã nói vì sợ mình bị lãng quên, con đã nói để bao che cho những giới hạn và lầm lỗi của mình chỉ vì không đủ khiêm tốn để đón nhận bản thân. Lắm lúc, con đã nói, trong sự tức giận, về người khác để mong tìm được sự cảm thông… Con đã nói, nói cho hả lòng hả dạ, nói cho thiên hạ phải nâng mình lên, nhưng rồi lòng con được gì? Lắm lúc hiện diện trước Chúa, lòng con hoàn toàn trống rỗng, con chẳng nghe được gì cũng bởi con ham nói nhiều. Nhưng tệ nhất là con đã không biết con hời hợt như vậy, con đã không nhận ra con chỉ như “ thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (x.1Cr 13,1), con vẫn cứ nghĩ mình là người sống nội tâm.

Ngày hôm nay, khi đang sống trong bầu khí trầm lặng của Tập viện, con mới nhận ra được những điều ấy. Chúa đã ban cho con một hồng ân lớn lao được sống những giây phút quý giá nơi ngọn đồi Damb’ri thanh vắng này. Chính nơi đây, con có được nhiều cơ hội để cảm nhận những giá trị vàng của sự thinh lặng mà trước đó con dường như chỉ đọc qua sách hay nghe nói. Giáo hội đang trong những ngày của mùa Chay thánh, cũng là tháng mừng kính Cha, chắc chắn Mẹ Giáo Hội cũng muốn mọi Kitô hữu chúng con học gương sống tuyệt vời của Cha. Riêng con, con muốn được đi sâu vào sự thinh lặng của Cha, muốn được Cha dạy cho con học biết thinh lặng giống như Cha, một sự thinh lặng thánh. Nhờ thinh lặng, Cha đã có một đời sống nội tâm phong phú và sâu sắc để có thể luôn nhạy bén trước những tác động của Thánh Thần mà nhận ra thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhờ thinh lặng, nội lực của Cha mạnh đủ để dám từ bỏ những toan tính, dự định riêng hầu mau mắn thực thi thánh ý Chúa (x.Mt 1,2). Nhờ thinh lặng, Cha giữ được Lời của Thiên Chúa trong lòng luôn, giữ được thái độ khiêm nhường để tận tình phục vụ Chúa Con và Mẹ Người. Thinh lặng đã là một tố chất làm cho Gia Thất Nadareth trở nên Thánh, tràn đầy Tình Chúa và tình người. Giữa thế giới ồn ào, huyên náo này, trong những phút giây thinh lặng, con đã hiểu, đã cảm và con ao ước được Lặng để Nghe và Sống giống như Cha. Con mong và cố gắng tập luyện để có được sự thinh lặng nội tâm: lặng để con biết Chúa mà thờ phượng, yêu mến và thực thi ý Ngài cho trọn; lặng để con biết mình mà sửa mình cho nên. Để được như vậy, trước hết con cần thinh lặng ở bên ngoài, bớt nói, bớt ồn ào để dù không cần nói ra mà vẫn trở thành ngôn sứ. Lắng nghe thì tốt cho con hơn là nói nhiều, như lời Paul Xardel đã nói: “Người ta tin bạn không phải vì bạn biết nói nhiều, nhưng vì bạn biết lắng nghe”.

Lạy Cha thánh Giuse, mẫu gương đời sống thinh lặng và lắng nghe, xin giúp con sống đời nội tâm như Người, để con được dễ dàng gặp Chúa, gặp anh chị em và gặp chính con hơn.

Maria Nguyễn Phúc, Tập sinh MTG.Thủ Đức