Trẻ trong lứa tuổi 7 – 12 thường rất chú trọng đến kinh nghiệm của riêng mình. Các em tin vào những gì mình nhận thức và khó để lắng nghe ý kiến của người khác, nhất là của các bạn. Phụ huynh và những nhà giáo dục nên quan tâm đến việc giúp các em biết lắng nghe lẫn nhau.

 Những điều giúp cho trẻ biết lắng nghe :

Thinh lặng. Thinh lặng đi trước lời nói sẽ chuẩn bị cho việc lắng nghe và thấu hiểu. Do vậy, biết thinh lặng là điều kiện cần thiết để có sự lắng nghe lẫn nhau. Có nhiều con đường để dẫn đến sự thinh lặng, nhưng con đường tốt nhất là do chính các trẻ chọn lựa hơn là do người lớn áp đặt.

Đối thoại. Trẻ từ 7-12 tuổi thích nói chuyện hàng giờ đối với bạn bè, vì đây là cơ hội để chúng so sánh mình với người khác và khẳng định mình. Như thế, đây là cơ hội để trẻ biết lắng nghe nhau.

Tình bạn. Ở tuổi này, những người bạn không thể thiếu trong việc giúp bạn trẻ biết mở ra những tương quan. Với tình bạn, đứa trẻ tạo nên một tương quan ưu biệt đối với những người khác, dễ dàng tin tưởng và cảm thấy được bạn bè lắng nghe. Một nhóm bạn với con số đông một chút thường có sức khích lệ cho sự lắng nghe lúc đầu, rồi sau đó, đến sự diễn tả bản thân của các trẻ.

Những kỹ thuật động viên sự lắng nghe :

Sửa soạn không gian. Cách bố trí cho các trẻ là điều không thể coi nhẹ, bởi vì đây là điều kiện để giúp trẻ dễ dàng thông tin cho nhau. Hãy cho trẻ ngồi thành vòng tròn, chúng sẽ dễ dàng để nói chuyện với nhau. Nếu xếp trẻ ngồi tất cả trước nhà giáo dục, chúng sẽ chỉ nói với một mình nhà giáo dục thôi.

Ấn định một vài luật lệ. Ngay từ đầu năm học, trong buổi gặp đầu tiên của nhóm, lớp, nhà giáo dục phải đưa ra ngay tất cả những qui định nền tảng để giúp cho có cuộc thảo luận tốt đẹp trong nhóm, ví dụ, không ai được chế diễu bạn, không ai được nhục mạ người khác, mỗi người nói khi đến lượt mình và chỉ nói khi người khác đã kết thúc…

Hãy nghe trẻ nói về cuộc sống của chúng. Làm sao có thể đòi hỏi một đứa trẻ không bao giờ được nghe phải lắng nghe người khác nói ? Trẻ chẳng bao giờ học được lắng nghe nếu không một ai nói với em: Em có khoẻ không ? Kể cho thầy nghe hôm nay em đã làm gì nào ?

Hãy để từng em diễn tả mình và tránh nói chuyện riêng. Nhà giáo dục khích lệ mỗi em nói một điều gì đó mà em thích. Điều này sẽ khơi lên niềm hứng thú để các trẻ cũng biết khích lệ người khác như thế. Nhà giáo dục hãy dạy trẻ biết tôn trọng lời nói của người khác. Đừng ngại để xin một em nói lại điều mà nó vừa mới nói với bạn bè. Nhà giáo dục cũng có thể nhắc lại câu hỏi mà một trẻ vừa nói ra và đề nghị các bạn khác viết xuống câu trả lời, hay điều muốn nói. Sau đó cho các em đi vòng quanh và mỗi em sẽ phải chọn một trong các câu đã được viết xuống, đọc lên và diễn tả cho các bạn hiểu về chọn lựa ấy. Cách này cho phép tất cả các em học lắng nghe và biết diễn tả mình.

Khích lệ trẻ nhút nhát và đơn độc không bao giờ nói một lời, để em có thể phát biểu, tương tự một cách tế nhị hãy khích lệ trẻ huyênh hoang, hay cướp lời, biết lắng nghe các bạn. Hãy cho trẻ thấy rằng chúng cần duy trì sự chú ý của người khác cả khi không còn là nhân vật chính.

Hãy uyển chuyển. đôi lúc trẻ cần ngó ngoáy một chút, hoặc vò nắn một thứ gì đó để tập trung. Đừng nghĩ rằng chúng không lắng nghe, vì sự thật là tâm lý chúng cần một chút thoải mái.

3 CÂU HỎI

1.  Đâu là vị trí của lắng nghe trong sư phạm giáo dục người trẻ của Don Bosco ?

Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, việc lắng nghe giữ một vị trí quan trọng. Theo Don Bosco, sự lắng nghe trước hết phải được thể hiện nơi những nhà giáo dục. Ngài đã từng nhắc nhớ : “Hãy để cho các học sinh người tự nhiên phát biểu tư tưởng của mình. Hãy nhường chỗ và hãy lắng nghe cho các em được dịp nói, được nói thật nhiều”. Chính nhờ nghệ thuật lắng nghe này mà Don Bosco có khả năng thấu hiểu người trẻ từ thâm sâu. Và người trẻ, nhờ được trân trọng lắng nghe, chúng cũng học biết lắng nghe người khác.

Với Don Bosco, lắng nghe là con đường ưu tiên cho tương quan giáo dục. Có lắng nghe mới thấu hiểu. Có lắng nghe mới không rơi vào thái độ chủ quan, những phản ứng vội vàng và tránh được những sai lầm đáng tiếc và nhất là có thể để giáo dục được người trẻ nhờ sự tín nhiệm tạo nên từ việc lắng nghe.

2. Làm thế nào để giáo dục sự lắng nghe cho trẻ ?

Ngoài việc lắng nghe trẻ, nhà giáo dục rèn luyện kỹ năng lắng nghe, bằng việc cho những bài tập thinh lặng với nhiều con đường khác nhau, chẳng hạn :

– Tổ chức dã ngoại và cho học sinh lắng nghe tiếng của thiên nhiên. Chia sẻ những cảm nhận lắng nghe ấy. Hoặc có những khoảnh khắc tập thinh lặng khoảng 2 phút.

– Tạo nhóm sinh hoạt và đưa ra những đề tài dễ chia sẻ như “Em sẽ làm gì nếu có tiền lì xì?”. Sau đó cùng một vật biểu tượng cho chiếc Micro và trao cho từng em khi phát biểu về ý kiến của mình. Nhà giáo dục đưa ra những qui luật như: “khi bạn phát biểu, mọi người phải chăm chú lắng nghe, mỗi phát biểu dài 1 phút, mỗi trẻ sẽ phát biểu luân phiên. Trong khi đó, đặt một em làm thư ký để tập tóm tắt những gì đã nghe các bạn phát biểu và lấy nốt để đọc lên khi kết thúc.

– Thường xuyên hỏi trẻ về những cảm nhận trong cuộc sống và những điều các em đang có, đang băn khoăn, đang mơ ước…

3. Những lợi ích nào đem lại từ sự học biết lắng nghe ?

Mục đích huấn luyện này giúp các trẻ đắc thủ được khả năng tự chủ. Từ 8 tuổi là đứa trẻ có thể lắng nghe chăm chú phát biểu của các thành viên trong nhóm. Dần dần với những bài luyện  kỹ năng lắng nghe, đứa trẻ sẽ học biết tôn trọng người khác và cũng biết đưa ra ý kiến của mình. Em sẽ hiểu biết các bạn trong chiều sâu hơn, liên kết với các bạn cùng trong nhóm hơn và không phản bội lại các bạn. Rồi trong tương lai khi ở tuổi thiếu niên, tuổi người lớn, các trẻ biết lắng nghe người khác để tự rèn luyện về lối suy tư, cách đưa ra ý kiến riêng và tham gia vào những công ích của xã hội.

Nhật Tâm (Chuyên đề Don Bosco số 23)