Làm gì trong chờ đợi ?

48

“Làm gì trong khi CHỜ ĐỢI ?” Câu hỏi ấy chợt ùa về trong tôi khi lời kinh chiều I, thứ 7 tuần XXXIV thường niên vang lên. Đánh dấu sự giao thoa của mùa thường niên năm cũ và Mùa Vọng bắt đầu một năm phụng vụ mới.

Hẳn ai cũng có đôi lần phải chờ đợi một ai đó, chờ đợi một điều gì đó. Tôi còn nhớ cái háo hức mong mỏi ở tuổi thơ khi chờ mẹ đi chợ về với chiếc bánh đa nướng thơm giòn. Tôi cũng không quên cảm giác khi đứng nhấp nhổm chờ bạn bên cổng trường, dưới chiều mưa nặng hạt… Những kinh nghiệm chờ đợi ấy giúp tôi mập mờ hiểu ra rằng : Chờ đợi là một cái gì đó vô hình nhưng dai dẳng, mong manh nhưng có sức cuốn hút kỳ lạ, có lúc buồn mong da diết nhưng không bao giờ tắt niềm hy vọng .

Có lắm người rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản và căng thẳng vì phải chờ đợi. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì sự giới hạn, sức kiên nhẫn và niềm tin chưa được đong đầy trong tim người chờ đợi. Là người Kitô hữu, cuộc lữ hành trong đức tin của chúng ta cũng tựa như cuộc hành trình đi trong đợi chờ. Là “đi” chứ không phải “đứng im”. Là “chủ động” chứ không phải là “thụ động”. Thời gian chỉ có một chiều trôi đi mải miết, ở mỗi khoảnh khắc của thời gian, tương lai đến rồi lại qua đi thật nhanh và trở thành quá khứ. Một Mùa Vọng nữa lại về, trong giây phút hiện tại, dường như Chúa muốn chúng ta sửa sang lại “căn phòng tâm hồn” mình cho tươi tắn hơn. Hãy tự nhủ: Trong khi chờ đợi mình vẫn có thể trao ban một ánh mắt ấm áp, một giọng nói trìu mến và đưa tay ra nâng đỡ một bà cụ muốn qua đường mà không thể… Chờ đợi nhưng đừng dửng dưng với nỗi đau của những người xung quanh. Chờ đợi ta vẫn có thể gột rửa và xóa nhòa những nét nguệch ngoạc mà cuộc sống đã vẽ lên trong cuộc đời chúng ta. Với một điều kiện duy nhất là chúng ta cần “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Chúng ta phải biết ơn Chúa vì Người vẫn cho ta thời gian để chờ đợi. Chờ đợi cho chúng ta hy vọng, dạy chúng ta bình tâm để chuẩn bị đón nhận mọi điều sẽ đến theo Thánh Ý. Chúng ta chờ đợi vì chúng ta biết mình “được yêu”. Chúng ta chờ đợi vì tin chắc rằng nhờ đó chúng ta khám phá ra được chính “Người yêu mình”. Việc chúng ta có thể làm trong trong tầm tay khi chờ đợi Chúa đến là chuyển thông cho người khác thông điệp của Hy Vọng bằng ngôn ngữ của tình yêu.

Bạn ơi ! Hãy làm gì đó khi ta có thêm một cơ hội nữa sống trong niềm chờ đợi giữa Mùa Vọng này, với đầy ắp niềm tin và hy vọng mà Chúa đã đặt để trong tâm hồn chúng ta. Vì bông dã quỳ còn biết thức đợi mặt trời để được hồi sinh, tươi mới và duyên dáng hơn huống chi chúng ta là những đứa con được sinh ra trong Đức Tin bởi Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa Nhân Hiền.

                                                                                                Anna Bích Hạt

                                                                                      Tập sinh MTG Thủ Đức