Lá thư Giáng Sinh
Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” được viết ở âm thể thứ nhưng không buồn lê thê, mà chỉ thoáng nỗi buồn xa vắng. Ca khúc này được viết ở cấu trúc quen thuộc của thập niên 1960-1970 là A – Á – B – A’’, nhưng vẫn không gây nhàm chán.
Trong ca khúc “Lá Thư Trần Thế”, NS Hoài Linh dùng những từ khiến tôi nghĩ ông là người Công giáo: “Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống”, vì người ngoại đạo không hiểu thế nào là Ngôi Hai.
Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” là một tập hợp những lời cầu nguyện của các thành viên gia đình ngay trong đêm Giáng Sinh. Như vậy, chúng ta cũng có thể coi đây là Lá Thư Giáng Sinh.
Mới đầu là lời cầu nguyện của người chồng và người cha: “Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên, vì xa thành phố xa quá nên quên, đêm nay Ngôi Hai Trời xuống, ánh sao lung linh muôn màu, con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu”.
Chiến tranh khiến người ta quên mất thời gian, quên cả đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, quên mất lễ Giáng Sinh. Chợt nhận thấy bầu trời nhiều sao sáng, người ta mới biết là đêm Giáng Sinh, nhưng những ánh sao sáng kia lại khiến người ta liên tưởng tới những ánh hỏa châu trong những đêm hành quân hoặc trận mạc.
Đêm Giáng Sinh là đêm bình an, đêm giao hòa trời đất, đêm vui mừng chan hòa, thế mà người ta lại cảm thấy lo sợ và sầu não. Buồn thật!
Tiếp theo là lời cầu nguyện của người vợ và người mẹ: “Lạy Chúa, con là thiếu phụ miền quê, chồng con vì nước nên đã ra đi, hai ba năm chưa thỏa chí, hết Thu qua Xuân sang Hè, còn đợi tàn Đông mới tin về”.
Thiếu phụ trẻ ở miền quê vẫn ngày đêm chờ mong tin chồng. Chồng đi mấy năm rồi, hết mùa Thu rồi qua mùa Xuân, lại qua mùa Hè, vẫn bặt vô âm tín. Cũng may là người vợ trẻ được biết tin chồng vào mùa Đông, mùa Giáng Sinh. Có còn hơn không!
Đoạn B là cao trào, cho biết lý do gia đình chia cách: “Đạn xé không trung, đêm từng đêm vẫn nghe, từng lớp trai đi, trong ngày mai vẫn đi”. Tiếp theo là một lời cầu nguyện ngắn gọn mà đầy ý nghĩa: “Đêm nay Người xuống đời, xin đem nguồn vui tới những đôi môi cằn cỗi lâu không cười”.
Lời cầu nguyện đầy tính nhân bản và bác ái Kitô giáo, tức là không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn cầu nguyện cho những người đang sống trong cảnh khổ của trần gian, những người đã lâu không biết cười, đến nỗi đôi môi hóa cằn cỗi. Thương làm sao!
Cuối cùng là lời cầu nguyện của người con: “Lạy Chúa, con còn lứa tuổi học sinh, vì cha là lính con thiết tha xin: An vui cho người đầu tuyến, trẻ thơ yên tâm sách đèn, để mẹ hiền con hết ưu phiền”.
Lời cầu nguyện đơn sơ của một thiếu niên xin ơn bình an cho mọi tầng lớp trong một gia đình: Cha, Mẹ, và Con cái. Chắc hẳn Chúa Giêsu Hài Đồng rất vui và ban ơn cho những tấm lòng thành như vậy.
Noel – Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
TRẦM THIÊN THU
Giáng Sinh 2012
(*) Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, người gốc miền Bắc, sinh khoảng năm 1925, thuộc nhóm nhạc sĩ nhạc Vàng. Trước 1975, ông hoạt động trong đoàn văn nghệ Vì Dân (thuộc Nha Cảnh sát Quốc gia) với cấp bậc Trung úy dưới quyền của NS Nguyễn Văn Đông (tác giả ca khúc “Mùa Sao Sáng”).
Cũng giống như các nhạc sĩ giai đoạn cuối những năm 1950, NS Hoài Linh cũng sáng tác những bài hát có nét nhạc cổ điển ảnh hưởng bởi giai đoạn trước đó, lời ca các bài hát giai đoạn này lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh. Ca khúc nổi tiếng nhất của NS Hoài Linh ở giai đoạn này là “Nếu Đừng Dang Dở” (với tiếng hát Lệ Thu). Đầu thập niên 1960, ông chuyển sang dòng nhạc Vàng và nhanh chóng nổi tiếng với nhạc phẩm “Sầu Tím Thiệp Hồng” (với tiếng hát Hà Thanh).
Từ đó, ông liên tục cho ra đời những tác phẩm được thính giả khắp nơi yêu thích. Nhạc của ông mang nhiều chủ đề: Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Giọt Lệ Vu Quy, Căn Nhà Màu Tím, Hai Đứa Giận Nhau, Nhịp Cầu Tri Âm, Tám Nẻo Đường Thành, Khách Lạ Đò Xưa, Xuân Muộn, Tâm Sự Nàng Xuân,…
Không chỉ nổi tiếng bởi những bài hát với giai điệu dễ nghe, ông còn có biệt tài đặt lời hát. Theo lời kể của NS Văn Giảng, hồi đó hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn Hoài Linh đặt lời cho ca khúc của mình, vì bài nào có bút của ông đặt vào là rất ăn khách. Ca từ của NS Hoài Linh bay bướm, văn hoa, có vần, có điệu, và súc tích.
Ông là người giản dị, ăn mặc xuề xòa, thường chỉ thấy ông có một kiểu ăn diện là áo sơ-mi bỏ ngoài quần. Thế nhưng khi ôm đàn, cầm bút viết lời ca cho các sáng tác của mình hoặc của các nhạc sĩ bạn, Hoài Linh đã trở thành một con người khác hẳn.