Bạn thân mến,
Chúng ta đã cùng suy tư và thấy rằng việc “LÀ NGƯỜI NHƯ CON NGƯỜI LÀ”, không do chúng ta muốn hay không muốn, nhưng là một bổn phận và là một tư cách được ân ban để đi vào hiện hữu.
Có thể nói, chúng ta sinh ra đã là người, cách thể lý, trong một thân xác giới hạn, nhưng đổi thay từng giây phút; để dần với thời gian, các tiềm năng trong ta sẽ đư
ợc định hình và biểu lộ ra trong nhịp sống thường ngày của ta.
Bạn biết đấy, khởi điểm hay khởi đầu cho cuộc hiện hữu của mỗi chúng ta là con số không tròn trĩnh: không nói năng, không hiểu biết, không chọn lựa và cũng chẳng ý thức rõ ràng… Tri thức về thế giới quanh ta là zéro. Bởi chưa biết gì nên chúng ta cũng không thể ước muốn; vì không thể ước muốn, chúng ta cũng chẳng chút nỗ lực… Trong tất cả mọi sự, chúng ta phải lệ thuộc vào sự trợ giúp của người khác. Nhưng dẫu yếu đuối, và không tự lập như một con vật được sinh ra trong tự nhiên, chúng ta lại có tất cả những năng lực và thiên hướng để làm hiện lộ tất cả những gì là lý trí, là hiểu biết, là ý chí, là yêu thương – những thứ mà con vật chẳng thể nào có được.
Bạn biết không, so với muôn loài đã được xác định, con người thuộc loại đang trở thành, chứ chưa phải là một con người đã đạt tới sự hoàn chỉnh hay hoàn thiện như con vật. Con người, với trọn cả xác hồn của mình, phải thay đổi hằng ngày và thay đổi trong từng giây phút. Nghĩa là nó phải làm cho mình trở nên một người NHƯ CON NGƯỜI PHẢI LÀ, trong cuộc hiện hữu cùng với muôn loài thọ sinh khác. Đích đến hay cái PHẢI LÀ NGƯỜI ấy, không theo ý muốn của nó, ngược lại, mỗi người phải làm cho mình ngày càng nên giống, hay trùng khớp với ý định của Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên con người. Đó là: phải nên hoàn thiện ngang qua tình yêu, để trở nên TÌNH YÊU như Thượng Đế. Chúng ta sinh ra để làm người nhưng vẫn chưa phải là người trong ý nghĩa hoàn hảo là vậy đó, bạn ạ!
Việc NÊN NHƯ TÌNH YÊU làm cho con người được kính trọng và yêu mến. Đó chính là PHẨM GIÁ của con người. Phẩm giá ấy không đến từ chính nó, bởi không ai có thể tự làm cho mình được kính trọng và yêu mến theo định chuẩn của mình. Cũng không ai có đủ tư cách để bắt người khác phải yêu thương và kính trọng mình như mình muốn. Phẩm giá mà con người có được, đến từ Thượng Đế. Đó là ân ban của Thượng Đế. Mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế và như nhau nhờ ân ban này, chứ không vì một ai hay vì một điều gì khác. Thượng Đế công bằng là thế!
Bạn ạ! PHẨM GIÁ mà Thượng Đế ban thì khác với sự may mắn của cậu ấm cô chiêu. Gia cảnh tốt chỉ là một cơ hội để chủ nhân của nó dễ dàng làm điều mình muốn chứ không là điều làm nên phẩm giá của chủ sở hữu. Thế nên, bất kể là ai, một khi được sinh ra, cũng đều đáng được kính trọng. Từ người bần cùng đói rách cho đến những kẻ thuộc danh gia vọng tộc, từ người bình thường cho đến kẻ dị tật bẩm sinh, tất cả đều đáng được trân quý – vì ân ban làm người với phẩm giá của một con người. Phẩm giá, hay nhân phẩm, chính là điều làm cho mỗi người đáng được kính trọng và yêu mến.
Bởi thế, một người được kính trọng không phải vì họ có được của cải, tiếng tăm hay quyền lực nhưng vì họ giữ được sự kính trọng mà Thượng Đế ban cho họ ngay từ khi mới chào đời: đó là cái zéro vô tội của thuở nằm nôi; đó là tính bản thiện mà họ duy trì được trong đời sống… Một người được yêu mến không phải vì nét duyên dáng bên ngoài hay sự thu hút của tài ăn nói, nhưng vì vẻ thiện hảo đáng yêu của ngày chào đời họ đang thể hiện; vì sự bình an, thiện lành trong ngày sinh ra, vẫn toát lên trong cuộc sống họ.
Hãy nhìn con trẻ! Chúng đáng yêu đến độ, khi vừa thấy, ta như muốn nựng nịu, ẵm bồng. Chúng được trân quý đến độ, khi đối mặt với rủi ro, ta đều thấy mình có bổn phận phải bảo vệ chúng… Được như thế không phải vì chúng đã làm nên công trạng gì, song đơn giản vì tự nơi chúng toát lên vẻ đơn sơ, vô hại, chân thật, hồn nhiên và an bình… Con trẻ được yêu mến, trân quý chỉ vì chúng luôn biểu lộ vẻ thánh thiện nguyên thủy và tình yêu của buổi đầu tạo dựng – điều thường khó thấy khi chúng lớn khôn!
Vì thế, một con người sẽ không được kính trọng, yêu mến, khi tự dấn mình vào lối sống của kẻ xa hoa, hợm hĩnh, ích kỷ, vô tâm… coi khoái cảm của cái miệng với ánh vàng của miếng thịt (nhục) hơn cuộc sống khó khăn của bao người. Một con người sẽ mất đi sự ngưỡng mộ, tôn quý, khi tự nâng mình lên vị thế của kẻ ban ơn, muốn thay đổi hiện trạng theo ý riêng mình bằng việc ném tiền qua cửa sổ – kiểu chơi ngông như đua tiếng với công tử Bạc Liêu, hơn là đóng góp cho sự đi lên của dân tộc mình… Vô cảm, ngông cuồng, ích kỷ, nhẫn tâm và đầy thủ đoạn, dường như là chút cặn bã còn lại, khi mất đi CHẤT NGƯỜI NGUYÊN BẢN.
Chỉ khi giữ được phẩm giá con người NHƯ CON NGƯỜI LÀ, chúng ta mới được kính trọng và yêu mến. Và chỉ khi ấy, chúng ta mới CÔNG BẰNG THỰC SỰ để bước vào sân khấu của hiện hữu với muôn loài trong hoàn vũ. Bằng không, chúng ta sẽ thua kém ngay cả con vật, vì chúng luôn công bằng khi luôn là chúng như ngày đầu của tạo dựng…
Bạn thân mến,
Dù thế giới đổi thay, dù lòng người bạc bẽo, chúng mình sẽ mãi LÀ NGƯỜI NHƯ CON NGƯỜI LÀ, bạn nhé!
Cần Giờ, SDB