Mở đầu, Đức Thánh Cha nói rằng con số rất đông các tham dự viên tham dự Hội nghị này chứng tỏ “lòng quảng đại của các thừa tác viên đích thực của các toà án Giáo hội đã đáp lại sứ vụ quan trọng này vì lợi ích của các linh hồn”.
Điều đó cũng cho thấy “tầm quan trọng của Huấn thị Dignitas connubii, vốn không dành cho các chuyên gia về luật, nhưng nhằm hướng dẫn những người làm việc tại các toà án địa phương. Thật vậy, Huấn thị này là một cẩm nang (vademecum) ngắn gọn nhưng hữu ích mà các thừa tác viên của các toà án luôn có trong tay để giúp cho việc thi hành các vụ xét xử vừa chắc chắn vừa nhanh chóng”.
“Chắc chắn, bởi vì Huấn thị nêu lên và giải thích rõ ràng mục tiêu của chính vụ án, đó là tính chắc chắn về luân lý: điều này đòi hỏi phải hoàn toàn loại bỏ mọi hồ nghi cách thận trọng rằng rõ ràng có sai lầm, ngay cả nếu chỉ là có thể có điều ngược lại cũng không được loại trừ”, Đức Thánh Cha trích dẫn Điều 247, mục 2 của Huấn thị.
“Nhanh chóng vì –như kinh nghiệm chung thường dạy chúng ta– ai biết rõ đường đi thì sẽ đi nhanh hơn. Sự hiểu biết –tôi muốn nói việc sử dụng hướng dẫn này, cả trong tương lai nữa– có thể giúp các thừa tác viên toà án rút ngắn tiến trình vụ án mà các đôi vợ chồng thường cho rằng nó kéo dài và gây mệt mỏi”.
“Cho đến nay, không phải tất cả các biện pháp mà Huấn thị này đề ra để giúp tiến hành nhanh chóng các vụ án, tránh được mọi chủ nghĩa hình thức, đã được xem xét; và chúng ta cũng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có thêm các văn bản luật khác nhắm đến cùng mục tiêu ấy”.
“Trong các mối quan tâm mà Huấn thị Dignitas connubii thể hiện, tôi đã nhắc đến mối quan tâm về sự đóng góp thật sự và độc đáo của người bảo hệ trong các vụ án hôn nhân. Sự tham gia và thực hiện nhiệm vụ cách trung thành của người bảo hệ không “chi phối” thẩm phán, nhưng giúp cho phán đoán của vị thẩm phán được vô tư, nhờ việc trình bày các lập luận ủng hộ và chống lại tuyên bố hôn nhân vô hiệu”.
Hội nghị Dignitas Connubii diễn ra trong ba ngày, do phân khoa giáo luật của Đại học Giáo hoàng Gregorianô tổ chức, với sự cộng tác của Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý và Hiệp hội quốc tế cổ võ nghiên cứu giáo luật.
Huấn thị Dignitas Connubii, được ban hành ngày 25-01-2005, do Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý soạn thảo, với sự cộng tác của các Bộ Giáo lý Ðức tin, Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Toà Ân giải Tối cao và Toà Thượng thẩm.
Trước đó, hôm thứ Sáu 23-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thẩm phán và luật sư của Toà Thượng Thẩm Rôma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp 2015 của Toà Thượng Thẩm. Toà Thượng Thẩm là toà án phúc thẩm thông thường cao nhất trong hệ thống tư pháp của Giáo hội. Phần lớn công việc của Toà án này là phán quyết những vụ án về tính vô hiệu của hôn nhân hay “tiêu hôn”, theo cách nói thông thường.
Ngỏ lời với các thẩm phán và luật sư, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng luật tối thượng là “salus animarum – phần rỗi các linh hồn”. Giáo hội cần có những cơ cấu pháp lý để phục vụ các tín hữu và sứ mạng rộng lớn hơn của Giáo hội, đó là giúp cả thế giới lắng nghe và sống ơn gọi nên thánh phổ quát. Đức Thánh Cha nói: “Vì thế, tôi muốn khuyến khích anh em hãy hăng say và tận tâm hơn nữa trong sứ vụ, để bảo vệ sự hiệp nhất trong án lệ của Giáo hội.
Nhắc đến một số lớn tín hữu đang sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp lệ, Đức Thánh Cha kêu gọi các viên chức của Toà Thượng thẩm phải hết sức lưu tâm và bén nhạy với tầm quan trọng của lương tâm đã được huấn luyện – hoặc chưa – về bản chất và mục đích của hôn nhân, và những phương cách mà trong đó lương tâm có thể ảnh hưởng đến chính tính thành sự của các đôi hôn phối. Điều này thật sự là một khó khăn lớn cho sứ mạng của anh em, cũng như với các thẩm phán ở các giáo phận nhưng “đừng để ơn cứu rỗi của con người bị giam hãm trong sự hẹp hòi của chủ nghĩa duy luật pháp”.
Kết luận, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng mọi tín hữu đều có quyền tiếp cận những cơ cấu pháp lý và các người đại diện luật pháp có chuyên môn và có thẩm quyền, và Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ mà không cần để ý đến họ có khả năng trả các chi phí hay không. Đức Thánh Cha nói: “Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh: Bí tích thì miễn phí. Bí tích ban ân sủng cho chúng ta – nhưng các thủ tục tư pháp lại làm cho Bí tích Hôn phối bị tổn thương. Tôi rất muốn tất cả các vụ án hôn phối đều được miễn phí”.
Hồi cuối tháng Tám 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thành lập một Uỷ ban đặc biệt để nghiên cứu việc cải tổ các vụ án hôn nhân theo giáo luật, nhằm mục tiêu đơn giản hoá thủ tục pháp lý, làm cho thủ tục được hợp lý hơn, và vẫn bảo vệ nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Uỷ ban do Đức ông Pio Vito Pinto, Chánh án Toà Thượng Thẩm Rota, làm chủ tịch.
An Phú Sĩ