Tại sao Chúa nói đến ngày tận thế, một bí ẩn đối với chúng ta? Vả lại chúng ta phải quan tâm đến thời buổi chúng ta đang sống, chúng ta có bổn phận hoàn thiện xã hội bây giờ, phải làm sao cho trên địa cầu có thêm công bằng, tình thương, bình đẳng trong sự phân phối an lạc hạnh phúc, thêm tự do về phương diện vật chất và tinh thần. Nói cho đúng, bài giảng của Đức Giêsu về ngày tận thế đặt vấn đề mục tiêu và cứu cánh mọi nền văn minh. Chúng ta có tưởng tượng được không một nền văn minh sản xuất những công trình tuyệt tác, kể cả những công trình hiến dâng Thiên Chúa như Đền Thờ Giêrusalem, những công trình có thể tồn tại mãi mãi, không có gì phá huỷ được? Chừng nào sẽ xuất hiện một nền văn minh không có chiến tranh? Không có nạn đói? Không chống đối thù nghịch Thiên Chúa và Đức Kitô của Người? Chúa Giêsu trả lời ngay: không. Vậy thì Kitô hữu mọi thời đại phải mang niềm hy vọng đích thật, phải tin tưởng vào tác động Thiên Chúa trong tâm hồn mình để có sức mạnh mang hy vọng vào xã hội đương thời. Chúa phán:
1) “Hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt”.
Ai ai cũng thấy lòng mình se thắt lại vì khao khát hy vọng. Rất nhiều sứ giả tìm đến đề nghị những giải đáp lừa gạt hy vọng. Thậm chí, một số đội danh nghĩa Đức Kitô. Chúa bảo chúng ta hãy coi chừng bọn lái buôn hy vọng hão huyền. Đừng để bị lừa gạt, nghĩa là hãy an tâm vững chí trong sự thật. Hoạt động để “Danh Thánh” được nhìn nhận trong hy vọng, trong nền văn minh là đem chất men sự thật vào hy vọng con người, vào văn minh nhân loại. “Danh Thánh” là tên Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc thế gian. Chúng ta đóng góp vào công cuộc cứu vớt một nền văn minh tuỳ theo chúng ta nhiều hay ít dùng thực tại đời sống, lời nói, hoạt động Tông đồ, làm chứng rằng con người chỉ thành toàn trong quan hệ với Đức Giêsu. Người thờ phụng Thiên Chúa và hy sinh mạng sống cho nhân loại anh em Người.
2) “Người ta sẽ bách hại các ngươi”.
Đem niềm hy vọng Kitô giáo vào thế gian tất nhiên gặp những phản ứng thù nghịch của thế gian. Chúa bảo, đó là điều không tránh được. Môn đệ không trọng hơn Thày. Kitô hữu có thể khiếp sợ, có thể áy náy dễ gặp những giây phút yếu đuối. Chúa bảo, một sự hiện diện siêu phàm ngự trị trong tâm hồn Kitô hữu. Chính Đức Giêsu ban cho môn đệ cách ăn nói và sự khôn ngoan, nhưng thế gian đáp lại bằng ác tâm ác ý. Tuy nhiên có những tâm hồn ngay thẳng đáp ứng bằng một thái độ bắt đầu tìm hiểu. Đức Giêsu bảo môn đệ chớ có chuẩn bị tự bào chữa, nghĩa là Kitô hữu không được thấy vậy mà sinh ra âu lo áy náy, nhưng phải đặt ra cho mình nghĩa vụ trở nên tài giỏi, có khả năng tuỳ sức mình tỏ ra cho thế gian thấy mình đã suy nghĩ nhiều về đức tin của mình, sống đức tin cách ý thức, lấy đức tin làm giá trị đời mình. Kitô hữu phải làm chứng rằng đức tin tăng giá trị đời sống con người mình. Kitô hữu có thể trông cậy vào Đức Kitô, xin Người trợ giúp mình trong nỗ lực nói trên để đối phó với những chống đối.
Lm. Đaminh Xuân Trường, GP.Bắc Ninh