Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23-9-2012

46

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 23-9-2012 




CASTEL GANDOLFO. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu hành hương trưa chúa nhật 23-9-2012 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức 16 đã kêu gọi các tín hữu luôn chống lại sự kiêu ngạo và thanh tẩy, trở về cùng Thiên Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 25 thường niên năm B và đặt đoạn này trong bối cảnh các đoạn Tin Mừng theo thánh Marco qua đó, trong cuộc hành trình cuối cùng lên thành Jerusalem, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của ngài, và nhắn nhủ các môn đệ hãy có thái độ khiêm tốn, loại bỏ thái độ kiêu ngạo lo tìm chỗ nhất.. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,
Trong hành trình của chúng ta với Tin Mừng theo thánh Marco, chúa nhật tuần trước chúng ta đã đi vào phần hai, tức là hành trình cuối cùng của Chúa Giêsu hướng về thành Jerusalem và tiến đến tột đỉnh sứ mạng của Ngài. Sau khi thánh Phêrô, nhân danh các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin nơi Chúa, nhìn nhận Ngài là Đức Kitô (Xc Mc 8,29), Chúa Giêsu bắt đầu nói công khai về những gì sau cùng sẽ xảy ra cho Ngài. Thánh sử Tin Mừng lần lượt thuật lại 3 lời tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa ở chương 8,9 và 10: qua những lời đó, Chúa Giêsu loan báo ngày càng rõ ràng vận mệnh đang chờ đợi Ngài và sự cần thiết nội tại của những điều ấy. Đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay chứa đựng lời loan báo thứ hai. Chúa Giêsu nói: ”Con Người – một kiểu nói Ngài dùng để chỉ chính Ngài – sẽ bị giao nộp trong tay loài người và họ sẽ giết Người; nhưng một khi bị giết, Người sẽ sống lại sau 3 ngày” (Mc 9,31). Nhưng các môn đệ ”không hiểu những lời ấy và họ sợ không dám hỏi Ngài” (v.32).

Thực vậy, khi đọc phần trình thuật này của thánh Marco, người ta thấy rõ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ có một sự cách biệt nội tâm sâu xa; có thể nói là cả hai ở những tần số khác nhau, vì thế các bài diễn văn của Thầy không được các môn đệ hiểu hoặc chỉ được hiểu một cách hời hợt. Thánh Phêrô Tông Đồ, ngay sau khi biểu lộ niềm tin nơi Chúa Giêsu, đã dám trách cứ Chúa vì Người đã loan báo sẽ bị phủ nhận và giết chết. Sau lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn, các môn đệ bắt đầu thảo luận xem ai là người lớn nhất trong số họ (Xc Mc 9,34) và sau lần loan báo thứ ba, Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả và bên hữu Ngài, khi Ngài ở trong vinh quang (Xc Mc 10,35-40). Nhưng cũng có những dấu hiệu khác cho thấy sự xa cách này: chẳng hạn, các môn đệ không chữa lành được một cậu bé bị bệnh động kinh, sau đó Chúa chữa cậu bé bằng sức mạnh của lời cầu nguyện (Xc Mc 9,14-29); hoặc khi các trẻ em được giới thiệu với Chúa Giêsu, các môn đệ đã khiển trách các em, trái lại Chúa Giêsu thịnh nộ, cho các em được ở lại, và khẳng định rằng chỉ có ai giống như các trẻ em, thì mới được vào Nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,13-16).

ĐTC đặt câu hỏi: ”Tất cả những điều ấy nói gì với chúng ta? Những sự kiện ấy nhắc nhớ cho chúng ta rằng tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa luôn khác với tiêu chuẩn của chúng ta, như chính Thiên Chúa đã biểu lộ qua miệng ngôn sứ Isaia: ”Tư tưởng của Ta không phải như tư tưởng của các ngươi, con đường của các ngươi không phải là con đường của Ta” (Is 55,8). Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, một sự thay đổi lối suy nghĩ và sống, đòi phải mở rộng con tim lắng nghe để được soi sáng và biến đổi trong nội tâm. Một điểm then chốt trong đó Thiên Chúa và con người khác biệt nhau, chính là sự kiêu ngạo: nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, vì Ngài là sự sung mãn trọn vẹn và tất cả đều hướng và sự yêu thương và ban sự sống; trái lại nơi con người chúng ta, kiêu ngạo ăn rễ sâu và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và thanh tẩy. Tuy là bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy tín thác cầu khẩn Mẹ Maria, Mẹ là Đấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin Mẹ dạy chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm tốn.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson tại thành phố Troyes bên Pháp hôm thứ bẩy 22-9 vừa qua. Ngài nói: ”Cha Brisson sống vào thế kỷ 19, sáng lập hai dòng các nữ tu và nam tu Hiến sinh thánh Phanxicô đệ Salê. Tôi vui mừng hiệp ý cảm tạ Chúa với cộng đoàn giáo phận Troyes và tất cả các con cái thiêng liêng, nam và nữ, của vị Tân Chân Phước”.

Và như thường lệ ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng và đưa ra những lời nhắn nhủ ngắn. Bằng tiếng Pháp, ngài nói: ”Các tín hữu hành hương nói tiếng Pháp quí mến, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã tháp tùng bằng lời cầu nguyện sự thành công tốt đẹp của Tông du của tôi tại Liban, và mở rộng đến toàn vùng Trung Đông. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu Kitô ở Trung Đông, cho hòa bình và cuộc đối thoại thanh thản giữa các tôn giáo. Hôm qua, tôi đã hiệp ý trong tinh thần với niềm vui của các tín hữu giáo phận Troyes, tập họp để tham dự lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson, vị sáng lập dòng các hiến sinh, nam và nữ, của thánh Phanxicô đệ Salê. Ước gì tấm gương của vị chân phước mới soi sáng cuộc sống của anh chị em! Người đã nói: ”Tôi cần Thiên Chúa, đó là một sự đói khát dày vò tôi”. Giống như cha Brisson, anh chị em hãy học đói khát Thiên Chúa và không ngừng chạy đến cùng Chúa với niềm tín thác”.

ĐTC vui mừng chào đón các nữ tu từ nhiều quốc gia đến Học viện thừa sai Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Castel Gandolfo để theo học, trong đó có một số nữ tu Việt Nam. Ngài cầu chúc cho các chị được một năm huấn luyện và đời sống cộng đoàn trong thanh thản và được nhiều thành quả.

ĐTC cũng thân ái chào thăm các thành viên Liên đoàn toàn quốc các nông dân trực canh ở Italia, gọi là Coldiretti. Ngài nói: ”Các bạn thân mến, tôi đánh giá cao sự dấn thân của các bạn trong việc bảo tồn thiên nhiên và cám ơn anh chị em vì các món quà.”
Các nông dân này đã mang tặng ĐTC một số nông phẩm được sản xuất hợp với môi sinh, như khoai tím, cà tím, táo xám, cà chua, nho, v.v.

G. Trần Đức Anh OP

RadioVatican