Các Kitô hữu khác, đặc biệt là Chính Thống giáo Đông phương, một số tín đồ Anh giáo và Tin Lành Lutherô, họ cũng tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Thánh Thể, tức là họ tin như người Công giáo tin rằng bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, chỉ có Giáo hội Công giáo phát triển việc chầu Thánh Thể. Các nhà thờ Công giáo đều có Nhà Tạm để giữ Thánh Thể Chúa, các tín hữu được khuyến khích đến thờ lạy và cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể.
Việc chầu Thánh Thể không chỉ đem lại ân sủng cho chúng ta mà còn chuẩn bị cho chúng ta sự sống trên Nước Trời, như ĐGH Piô XII đã viết trong thông điệp Mediator Dei (*): “Việc chầu Thánh Thể làm tăng đức tin và sự sống siêu nhiên cho Giáo hội chiến đấu trên thế gian và họ được Giáo hội khải hoàn trên trời không ngừng ca tụng Thiên Chúa và Con-Chiên-hiến-tế”.
Khi đến nhà thờ tham dự phụng vụ, hãy cố gắng đi sớm để có thời gian cầu nguyện trước Thánh Thể, và hãy tận dụng những thời gian im lặng khác để tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tâm sự và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ là chúng ta xin ơn, mà là ca tụng và tạ ơn Ngài. Hãy đơn giản bằng cách làm Dấu Thánh Giá và thể hiện đức tin bằng cách nói: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con! Con thờ lạy và kính tin Ngài!”. Một vài phút ngắn ngủi trước Thánh Thể nhưng rất quý giá, hãy cố gắng tập trung vào Chúa Giêsu Thánh Thể mọi nơi và mọi lúc.
Bí tích Thánh Thể là Bí tích thứ ba trong các bí tích khai tâm. Mặc dù chúng ta “phải” rước lễ mỗi năm ít nhất một lần (nhiệm vụ trong mùa Phục Sinh), và Giáo hội thúc giục chúng ta rước lễ thường xuyên, càng tốt nếu rước lễ hằng ngày. Cũng như Bí tích Thánh tẩy và Bí tích Thêm sức, Bí tích Thánh Thể được gọi là Bí tích khai tâm vì đem lại cho chúng ta sự sống viên mãn trong Đức Kitô.
Khi rước lễ, chúng ta lãnh nhận chính Mình và Máu thật của Chúa Giêsu, nếu không lãnh nhận Mình Máu Chúa thì chúng ta sẽ không có sự sống (Ga 6:53).
Bí tích Thánh Thể liên kết mật thiết với sự sống nơi Đức Kitô, vì thế chúng ta phải không mắc tội trọng mới có thể rước lễ, như Thánh Phaolô giải thích: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27-29).
Nếu mắc tội trọng, chúng ta phải đến với Bí tích Hòa giải trước. Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể có liên kết với nhau, Giáo hội tha thiết mời gọi chúng ta thường xuyên xưng tội và rước lễ.
Nếu không thể rước lễ thật – vì lý do chính đáng nào đó (mắc tội trọng, không thể tham dự Thánh Lễ, hoặc đã rước lễ rồi), chúng ta vẫn có thể rước lễ thiêng liêng. Hãy thành tâm sám hối và xin Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào lòng mình. Mỗi ngày nên thường xuyên rước lễ thiêng liêng càng nhiều càng tốt. Thánh Thomas Aquinas Tiến sĩ nói: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước ơn Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không”.
Rước lễ đem lại cho chúng ta nhiều ân sủng về cả tâm linh và thể lý.
Về tâm linh, linh hồn được kết hợp với Đức Kitô và được tan biến trong Ngài, nhờ các ân sủng chúng ta lãnh nhận, chúng ta sẽ thay đổi cách sống. Thường xuyên rước lễ làm chúng ta tăng lòng mến Chúa và yêu người, làm chúng ta ngày càng nên giống Đức Kitô.
Về thể lý, thường xuyên rước lễ làm chúng ta giảm bớt tội lỗi, nhất là tội đam mê nhục dục. Nhờ rước Mình Máu Chúa, thân xác chúng ta được thánh hóa để nên giống Đức Kitô. Tác giả Lm John Hardon viết trong cuốn Modern Catholic Dictionary (Tự điển Công giáo Hiện đại):“Giáo hội dạy rằng hiệu quả của việc rước lễ là loại bỏ các tội nhẹ, đồng thời tha các hình phạt tạm thời [trên thế gian và trong Luyện Ngục] vì tội lỗi đã được tha, dù là tội nhẹ hoặc tội trọng”.
Thánh Thomas Aquinas Tiến sĩ nổi tiếng về các tác phẩm thần học của ngài, nhưng ngài cũng viết các bài suy niệm rất sâu sắc về Kinh Thánh, Thánh Ca (hymns) và Kinh Nguyện. Dưới đây là lời kinh đẹp về Chúa Giêsu Thánh Thể mà thánh nhân đã soạn, lời kinh tạ ơn Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ban Mình Máu Ngài để giúp chúng ta sống đời sống Kitô hữu càng ngày càng xứng đáng hơn.
KINH TẠ ƠN SAU RƯỚC LỄ
Lạy Thiên Chúa Cha chí thánh, toàn năng và hằng hữu, con cảm tạ Ngài đã thương nhìn tới con, dù con chẳng có công trạng gì, chỉ là một tội nhân và một tôi tớ bất xứng, nhưng nhờ Lòng Thương Xót của Ngài đã làm thỏa mãn lòng con bằng Mình Máu Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của con. Nguyện xin đừng để việc rước lễ này nên án phạt cho con, nhưng nên lời xin lỗi và ơn tha thứ ích lợi cho con. Xin nên khiên thuẫn đức tin và thiện ý che chở con, xin tiêu diệt điều xấu nơi con, xin đánh bật gốc rễ nhục dục trong con, xin làm tăng đức ái, đức kiên nhẫn, đức khiêm nhường và đức vâng lời trong con. Xin nên sức mạnh giúp con chống lại các loại rắn độc hận thù hữu hình và vô hình, nên sự bình an cho con, cả thể lý và tinh thần, xin cho con được kết hợp mật thiết với Ngài, Thiên Chúa của con, và nên sự hoàn hảo trong phút cuối đời con. Nguyện xin Ngài thương nhìn tội nhân con, mà đưa con tới Bàn Tiệc Đời Đời, nơi có Ngài với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng với các thánh và ánh sáng thật, niềm vui đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.
Viễn Đông chuyển ngữ từ Catholicism.about.com
(*) Thông điệp “Đấng Trung Gian của Thiên Chúa” của ĐGH Piô XII về Phụng vụ, được ban hành ngày 30-11-1947. Đây là một văn kiện lịch sử, tóm tắt sự phát triển phụng vụ trong Giáo hội cho đến ngày nay, và đặt nền móng cho các cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II. Văn kiện định nghĩa rõ ràng ý nghĩa phụng vụ là sự thờ phượng công khai chính thức của Giáo hội; nhấn mạnh đến tính ưu tiên của sự thờ phượng ở nội tâm, nhấn mạnh đến nhu cầu cho phụng vụ phải thuộc về phẩm trật trong Giáo hội, kể lại sự phát triển của phụng vụ kể từ Công đồng chung Trentô, nhưng nhấn mạnh rằng để có hiệu lực sự phát triển này không thể giao cho sự phán đoán riêng tư; văn kiện tuyên bố rằng Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao và trung tâm của Kitô giáo; thúc giục tín hữu tham gia tích cực và mạnh mẽ vào việc phượng tự, nhất là trong Thánh lễ; giải thích cách thức hoa quả của việc Rước lễ được gia tăng bằng sự chuẩn bị tốt hơn và việc cảm ơn Chúa sốt sắng; khen ngợi những ai sùng kính Sự Hiện Diện Thật của Chúa và cổ vũ mọi người sùng kính Thánh Thể; việc đặt Kinh Thần Tụng bên cạnh Thánh Thể như một phần trong đời sống phụng vụ của Giáo hội; nêu ra rằng niên lịch phụng vụ nên xoay chung quanh các mầu nhiệm cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô; và khuyến khích các việc đạo đức ngòai phụng vụ để gia tăng lòng đạo đức của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.