Kinh Sáng Danh

309

bangoiChúng ta là kiếp phàm nhân, phận tro bụi, là kẻ xấu (Lc 11:13), tội lỗi ngập đầu, hoàn toàn bất xứng, nhưng chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương và nhận là con cái. Thật hạnh phúc biết bao! Và rồi hàng ngày, chúng ta được diễm phúc nhiều lần dâng lời tán tụng: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng”. (1)

Kinh Sáng Danh nhắc chúng ta nhớ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (Tam Vị Nhất Thể), mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo. Một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ có MỘT Thiên Chúa. Đây là do công thức của Bí tích Thánh Tẩy. Thật ra, bản kinh nguyên thủy là “Sáng danh Đức Chúa Cha NHỜ Đức Chúa Con TRONG Đức Chúa Thánh Thần”. Nhưng về sau, do ảnh hưởng việc Giáo Hội chống lại bè rối Ariô (2), một bè rối từ chối Thần Tính của Chúa Giêsu, nên bản kinh được đổi lại như ngày nay.

Từ “sáng danh” được dùng để thể hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa theo truyền thống Kitô giáo. Vinh danh Chúa là chủ đề xuyên suốt thần học Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng vinh quang nhất, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và có thể chia sẻ hoặc tham dự vào vinh quang Thiên Chúa.

“Sáng danh” là từ ngữ phổ biến nhất trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, từ ngữ được dùng để dịch vài từ ngữ Do Thái là Hod (הוד) và kabod; còn trong Tân Ước dùng từ ngữ Hy Lạp là doxa (δόξα). Từ ngữ Do Thái “kabod” (K-B-D) có nghĩa là “trọng lượng” hoặc “sự nặng nề”. The same word is then used to express importance, honor, and majesty. Bản dịch Hy Lạp của Kinh Thánh Do Thái dịch khái niệm này bằng từ ngữ “doxa”, và được dùng nhiều trong Tân Ước. Chữ “doxa” có nghĩa là “xét xử, ý kiến”, và hiểu nghĩa rộng là “tiếng tốt, tôn trọng”.

Ông Môsê được cho biết rằng loài người không thể thấy vinh quang (tiếng Do Thái là כָּבוֹד‎ kabod) của Đức Gia-vê vì không thể chịu nổi, không thể sống sót:

Ông Môsê nói: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài”. Người phán: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót”. Người phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Đức Chúa còn phán: “Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33:19-23).

Ngôn sứ Êdêkien cho biết về thị kiến: “Từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai đó, ở trên cao. Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung quanh. Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào thì ánh sáng chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa. Vừa thấy thế, tôi liền sấp mặt xuống, và tôi nghe có tiếng đang nói” (Ed 1:26-28).

Trong Tân Ước, từ ngữ tương đương trong Hy ngữ là “doxa”, đôi khi được dịch là “sự sáng ngời”. Chẳng hạn sự giáng sinh của Đức Kitô: Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2:8-10).

Khi Chúa Giêsu biến hình, Mô-sê và Ê-li-a cùng xuất hiện trong vinh quang với Chúa Giêsu, các tông đồ chứng kiến sự mặc khải này là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13:31-32).

Giáo lý Công giáo nói rằng thế giới được tạo dựng theo ý muốn của Thiên Chúa vì vinh quang của Ngài. Tuy nhiên, giáo lý Công giáo dạy rằng Thiên Chúa không tìm kiếm vinh quang cho riêng Ngài, mà cho cả những người nhận biết Ngài.

Trong bài “The Weight of Glory” (Tác Dụng của Vinh Quang), thần học gia C. S. Lewis viết: “Vinh quang gợi lên hai ý tưởng đối với tôi, một ý có vẻ tồi tệ và một ý tức cười. Mỗi vinh quang đều có nghĩa là danh tiếng đối với tôi, hoặc có nghĩa là độ sáng”. Ông kết luận rằng vinh quang nên được hiểu theo nghĩa trước, nhưng người ta không nên ước muốn danh tiếng trước mặt loài người (vinh quang trần thế), nhưng hãy ước muốn danh tiếng trước mặt Thiên Chúa (vinh quang trên trời).

Người công chính sẽ được tôn vinh khi Chúa Giêsu tái lâm: “Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được. Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15:50-53). Thân xác vinh quang trở nên giống Chúa Giêsu phục sinh (Ga 20:19-20).

Có hai điều xảy ra trong sự tôn vinh, đó là “sự tuyển chọn nhờ sự hoàn hảo trước khi vào Nước Trời” và “sự phục sinh của thân xác nhờ được tuyển chọn”.

Sự vinh quang là giai đoạn thứ ba trong quá trình cuộc sống Kitô hữu. Trước tiên là được bào chữa, rồi được thánh hóa, và cuối cùng là được hưởng vinh quang: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:28-30). Giải án tuyên công là được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn.

Giáo lý về Tam Vị Nhất Thể – Chúa Ba Ngôi – thế nào?

Bạn và tôi cùng sống trong thế giời ba chiều. Mọi vật đều có chiều cao, chiều rộng, và chiều sâu. Người này có thể nhìn giống như người khác, hoặc cư xử như người khác, hoặc có vẻ giống như người khác. Nhưng người này không thể hành động như người khác. Họ là những cá nhân riêng biệt.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bị giới hạn trong vũ trụ ba chiều. Ngài là thần linh. Ngài phức tạp hơn chúng ta. Đó là lý do Chúa Giêsu có thể khác Chúa Cha nhưng vẩn giống Chúa Cha.

Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con, và Thiên Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng vẫn chỉ là MỘT Thiên Chúa. Nếu dùng toán học, chúng ta có: 1+1+1=3 và 1x1x1=1. Thiên Chúa là Đấng Tam Vị Nhất Thể, Một Chúa Ba Ngôi.

Thuật ngữ Tam Vị Nhất Thể là Trinity, ghép bởi chữ “Tri” (ba) và “Unity” (duy nhất), Tri+Unity = Trinity. Đó là cách hiểu những gì Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, Đấng có Ba Ngôi nhưng đồng bản thể và thần tính. Một số người muốn “minh họa” Chúa Ba Ngôi bằng cách so sánh nước, nước đá và hơi nước – khác nhau về hình dạng nhưng vẫn là H2O. Một minh họa khác là quả trứng. Trứng có vỏ trứng, lòng đỏ và lòng trắng, ba phần rạch ròi nhung vẫn chỉ là quả trứng. Dĩ nhiên là hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi còn phức tạp hơn nhiều.

Chúa Cha hoàn toàn là Thiên Chúa. Chúa Con (Chúa Giêsu) hoàn toàn là Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng lại chỉ MỘT Thiên Chúa. Chúng ta là phàm nhân, trí tuệ hữu hạn, khó hiểu thấu về Chúa Ba Ngôi. Kinh Thánh cho biết ý muốn tốt lành của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1:26-27).

Đây là một số câu Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa Ba Ngôi – Tam Vị Nhất Thể:

– “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6:4).

– “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45:5).

– “Chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất” (1 Cr 8:4).

– Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:16-17).

– “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

– “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30).

– “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).

– “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12:44-45).

– “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9).

– “Này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20).

– Sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35)

– “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:16-17, 23)

Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa ” (Ga 17:20-26).

Trầm Thiên Thu tổng hợp và chuyển ngữ

_________________________

(1) La ngữ: Gloria Patri, et Filio, et Spiritui Sancto, Sicut erat in principio, et nunc, et semper, et in saecula saeculorum. Amen. Anh ngữ: Glory to the Father, and to the Son, and to the Holy Spirit; as it was in the beginning, is now and ever shall be, and world without end. Amen. Pháp ngữ: Gloire au Père et au Fils et au Saint-Esprit, comme il était au commencement, maintenant et toujours, pour un monde sans fin. Amen.
(2) Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thần tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Ariô được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Ariô. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah’s Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.