KINH NGHIỆM NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG
Những cuộc hành trình chỉ có ý nghĩa khi đến được nơi đến. Vì có một Giêsu vẫn cứ mãi tiếp tục cuộc hành trình của “Người Tôi Tớ Đau Khổ”, vượt không gian và thời gian, nên việc rao giảng Nước Thiên Chúa của Người thường âm vang kinh nghiệm của người đi đường. Việc đi lại, nếu được thực hiện trong tinh thần mạo hiểm, không chỉ cung cấp cho con người một kinh nghiệm mới về thế giới bên ngoài, mà còn dẫn họ tới chỗ có thể đánh giá cách đầy đủ hơn, về những yếu tố bị che khuất nơi thế giới bên trong của họ. Có lẽ vì thế mà chuyên đề “Truyền giáo cho lương dân” nhân buổi họp mặt lần III của Học viện, ngày 2/3/2013, đã gợi lên trong tôi nhiều thao thức!
Từ thực tế trải ngiệm của “nhà truyền giáo” tại các giáo điểm miền Tây, cùng với những thăng trầm và biến động của đời người tông đồ, Dì đã cuốn hút sự chú ý của người trẻ chúng tôi bằng một ngọn lửa chứng nhân đầy mãnh liệt! Giống như Chúa Giêsu, một khi đã được sai đi, không khi nào Người dừng lại, Dì cũng vậy. Những năm tháng “rong ruổi” dưới nắng mưa đã trở nên như “lương thực hàng ngày” của Dì. Suốt mười mấy năm trời, Dì đi đến những vùng xa, thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau, và điều chỉnh sứ điệp Tin Mừng sao cho phù hợp với nhận thức của người dân ở đó. Dì đã học theo gương Thầy Chí Thánh, Người đã không nghĩ ra một nền linh đạo Tin Mừng cách logic trong một hoàn cảnh tĩnh, nhưng biến đổi chúng nhờ việc tiếp xúc với những con người và hoàn cảnh khác nhau. Và tôi đã cảm nhận được cũng một phương thức hoạt động tông đồ như thế, qua những chia sẻ sống động của Dì. Tôi thiết nghĩ, đời sống nội tâm của người tông đồ sẽ trở nên “kiên vững” hơn nhờ những “bụi bặm” và những “xáo trộn” trên đường đi truyền giáo.
Ai đã từng lên đường đều nhanh chóng nhận ra rằng, các kế hoạch được lên hầu như bị “đóng băng” hết. Thay vào đó, mỗi người bị đẩy vào trong một thế giới của sự bất ngờ, nơi những chuyện họ không muốn nhưng lại rất thường xảy ra. Và rồi cơn cám dỗ nản chí xảy đến. Đôi khi, bản thân lại tự cho phép mình đánh mất trọng tâm của người môn đệ, thả mình trôi theo những lầm lạc đang hấp dẫn vào thời điểm ấy! Có thể nói, hành trình là một gánh nặng, nhưng cuộc hành trình ấy sẽ nhẹ nhàng hơn khi có những người khác cùng đi, mà lại là “những người lữ hành trên đường hi vọng”!
Bởi vì, có hi vọng con người sẽ tìm được đích đến! Mặc dù, sự ổn định của nơi chốn có thể dễ dàng đưa tới chỗ không muốn thay đổi bất cứ cái gì. Nhưng việc ở trên đường và sống “kinh nghiệm của người đi đường” có thể là một phương thế để ý thức hơn về mình. Một nhà thơ cổ đã diễn tả cảm thức về sự hiện diện của Chúa cách rất gần gũi, khi ông gặp bất kỳ một người nào trên đường đi, ông xem họ như trung gian giữa ông và Thiên Chúa:
“Đức Kitô ở trong lòng của mọi người nghĩ về tôi
Đức Kitô ở trong miệng của mọi người nói với tôi
Đức Kitô ở trong mọi ánh mắt đang nhìn tôi
Đức Kitô ở trong mọi lỗ tai đang lắng nghe tôi”.
(x. Con người trọn vẹn, Thiên Chúa trọn vẹn – Michael Casey ; dịch giả: Lm. Nguyễn Đức Thông CSsR).
Con Thiên Chúa đã gieo mình vào giữa nhân loại, mặc lấy sự “bất an”và “chia rẽ” của loài người với tất cả những hậu quả của chúng, để sống thân phận “lữ hành” như con người! Là một Khấn sinh trẻ, tôi luôn thao thức được ra đi, được đặt chân lên những “vùng sâu” của Giáo hội một ngày không xa. Và những hình ảnh sống động về các vùng truyền giáo miền Tây được “Hồn tông đồ” của Dì đặt vào với cả bầu nhiệt huyết, vẫn còn mãi đọng lại trong tâm thức tôi cho đến lúc này. Tôi cũng cảm nghiệm được rằng, vùng sâu ấy không chỉ là những miền đất xa xôi như các “bậc tiền bối” đã ra đi, mà còn là chính những hoang địa trong tâm hồn con người ngày nay. Vì thế, sống ơn gọi Truyền giáo của người nữ tu Mến Thánh Giá còn có nghĩa là tập trung vào thế giới chung quanh mình và vào tất cả những người có thể gặp gỡ trên đường đời, để bản thân được thường xuyên tái tạo nên giống như Đức Kitô, nhờ lời cầu nguyện hằng ngày và qua đời sống chứng tá của chính mình, ngay tại môi trường mình phục vụ.
Têrêsa Âu Thị Phương Anh
Học viện năm I
Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức