Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (4): Dâng mình cho Chúa

84

4. Thánh Giuse và Đức Mẹ dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ

Lời Chúa theo thánh Luca

Women Reading the Bible
Women Reading the Bible

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa,  như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa… Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.” (Lc 2,22-28.34-35)

 Suy niệm:

 Maria và Giuse là những người ngoan đạo nên luôn sẵn sàng chu toàn tất cả những gì mà Luật đã đề ra. Đến ngày theo Luật định, họ mang con trai đầu lòng của mình lên Đền Thờ để dâng tiến cho Thiên Chúa. Với họ, đây là người con bình thường và cũng chịu sự chi phối của lề luật, chứ không có gì được miễn chuẩn. Vì nhà nghèo nên họ chỉ có thể dâng của lễ lên Thiên Chúa đôi chim gáy hay cặp bồ câu non. Việc dâng con trong Đền Thờ như vậy, tưởng chừng chỉ là chuyện chu toàn lề luật như biết bao gia đình khác, nhưng hóa ra lại là một biến cố mà đôi vợ chồng trẻ có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên trong suốt cuộc đời.

Tại đây, họ gặp hai vị cao niên đắc đạo, có một đời sống công chính và luôn thờ phượng Thiên Chúa. Hai vị này được Thánh Thần soi sáng cho biết về căn tính và sứ mệnh cao quý của Hài Nhi bé bỏng vừa mới sinh. Niềm hạnh phúc như muốn vỡ òa, vì đây chính là điều mà họ đã trông đợi biết bao ngày tháng qua. Được nhìn thấy Đấng Cứu Thế, được ẵm bồng Ngài trên tay, là điều mà họ dùng cả một đời để đánh đổi. Không còn niềm vui nào lớn hơn thế, không còn một phần thưởng nào cao cả hơn thế. Giờ đây, khi được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan Hài Nhi, họ đã có thể mãn nguyện mà an bình ra đi, không chút buồn phiền hay hối tiếc. Cả một đời phụng sự Thiên Chúa, giờ đây, họ đã được thưởng công và họ thấy cuộc sống của mình đã được đong đầy mỹ mãn.

Hẳn là Maria và Giuse cũng bất ngờ và hạnh phúc lắm. Bất ngờ vì hóa ra cũng có những người khác nhận biết địa vị cao quý của con mình. Còn hạnh phúc là vì được Thiên Chúa cho làm bố mẹ của một con người vĩ đại như thế. Con mình mang đến niềm vui cho người khác, đó là niềm hãnh diện của bất cứ người cha người mẹ nào. Nhưng niềm vui ấy chưa dứt, họ đã phải nghe một lời tiên báo chẳng mấy êm tai. Dâng Con cho Thiên Chúa là một ngày vui, nhưng trong cái vui, bao giờ cũng có một thập giá. Niềm hạnh phúc vì được làm bố mẹ còn bừng cháy trong lòng, họ đã phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận một mũi giáo đâm vào tim. Lời cụ Simeon đúng là khiến cho người ta phải suy nghĩ. Lời ấy như chặn đứng hết mọi nguồn vui, làm người ta chẳng mấy khi thích thú.

Sau khi nghe được lời mời gọi của Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Ngài và sẵn sàng bỏ đi mọi sự để trở nên nghèo mà theo Ngài, người tu sĩ thường hừng hực trong lòng ngọn lửa mến. Họ hiến dâng mọi sự cho Chúa. Họ trao về Chúa mọi sự, từ cái phong phú nhất, đến cái nghèo nhất của mình. Trong mắt họ lúc ấy chỉ có niềm vui, sự hân hoan, vì thấy mình ở gần Chúa, thân thưa cùng Chúa những lời kinh thắm nồng và cùng Ngài chia sẻ những tâm tình thiết tha. Nhưng chính ngay tại thời điểm dâng hiến này, họ được cảnh báo về một vết thương, một dòng máu sẽ chảy ra từ trái tim của mình, chứ không phải hứa hẹn về một cuộc sống sung túc, an nhàn và vinh quang. Hình ảnh mũi gươm sắc nhọn đâm thâu vào tim gợi lên nỗi đau đớn đến tột cùng, không sao tả xiết. Đâm, chứ không phải là chỉ xước nhẹ. Vào tim – trung tâm của sự sống, của mọi nguồn suy nghĩ và cảm xúc – chứ không phải chỉ vào da hay một chút thịt.

Người nào nói rằng đi tu là sướng, được ăn sang mặc đẹp, ở cửa rộng nhà cao, để rồi nhắm mắt đưa chân lao đầu vào, người ấy đã phạm sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Nếu có một tu sĩ nào hưởng thụ đời tu theo cách ấy, người đó hẳn đã không đi theo đường chân tu đích thực. Cái sướng của đời tu không hệ ở những điều ấy, nhưng hệ ở sự kết hiệp thâm sâu với Chúa. Mà để có thể kết hiệp trọn vẹn với Ngài, người tu sĩ phải trải qua không biết bao nhiêu mất mát, đau đớn, thiệt thòi, những lần “con tim chảy máu.” Khi đã chọn đời tu, người tu sĩ đã ý thức là từ nay, mình không còn là chủ nhân của chính mình nữa rồi. Từ của cải vật chất, cho đến các mối tương quan rồi cả ước muốn, sở thích, tư tưởng, tất cả đều phải khuôn theo kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này khiến họ phải chịu đau, cái đau sâu sắc đến tận hữu thể, cái đau vì mình dường như không còn là chính mình nữa.

Là một con người bình thường, người tu sĩ cũng thích ăn những món ăn ngon, thích mặc những bộ đồ đẹp, muốn được người ta khen, nể trọng và dành cho những điều tốt. Cứ sự thường, nếu không có ngăn trở gì, họ có quyền thụ hưởng những điều đó. Nhưng để nêu gương sáng hơn, để phục vụ cho sứ mạng hơn, họ phải trở nên giản dị, bình dân, hòa đồng và chọn phần thấp để dành phần hơn cho người ta. Họ không được tích trữ vào kho bạc tiền, không được thu vén để chỉ chăm lo cho lợi ích bản thân. Có đôi khi, cả quà tặng mà người ta dành cho, họ cũng không được cho rằng nó thuộc về mình cách tuyệt đối. Họ từ bỏ quyền sở hữu những tài sản vật chất, từ bỏ cái làm cho họ thoải mái an vui, từ bỏ những gì mang đến cho họ nhiều hứa hẹn.

Các tu sĩ cũng có những cảm xúc của một con người. Họ cũng biết yêu, biết thương, biết nhớ. Lời khấn hay chiếc áo dòng không mặc nhiên cắt đứt khỏi họ những lôi kéo này. Chúng không biến người tu sĩ trở nên khô cứng lạnh lùng, miễn nhiễm với mọi loại tình cảm nhân gian. Là một người nam hay một người nữ, họ có quyền tạo lập cho mình một tổ ấm, dưới một mái nhà nhỏ xinh, bên người bạn đời và tiếng cười của con trẻ. Nhưng, vì một lý tưởng cao hơn, bao quát hơn, họ đành quên đi tất cả những điều đó, thăng hoa nó lên một cảnh vực thiêng liêng. Mọi tâm tư, tình cảm, họ gói ghém tất cả trong lòng, rồi dùng nó làm của lễ để dâng lên Thiên Chúa. Nỗi cô đơn, nỗi trống trải… nào có ai hiểu thấu! Cộng đoàn dòng tu mà họ đang sống có khi là một sự nâng đỡ, nhưng cũng có lúc là nỗi ám ảnh đến khôn cùng. Khi bị hiểu lầm, khi bị ghét bỏ… họ chẳng có một ai kề bên để sẻ chia nâng đỡ. Một mình lủi thủi gặm nhấm cái chua chát của cuộc đời. Đó chẳng là một mũi giáo cắm sâu vào tim sao.

Ngay cả những chính kiến hay những ước mơ chính đáng của mình, có đôi khi người tu sĩ cũng tạm gác sang một bên. Nhu cầu sứ mạng tại biên cương này, xứ sở nọ đang cần họ. Biết bao con người đang chờ họ đến và giúp mình. Họ chỉ có thể lên đường ngay, chứ không được chần chừ và tìm cách thoái lui. Nơi họ được sai đến, có khi chẳng phải là nơi họ muốn đến, thậm chí có khi ngược lại. Sứ mạng mà họ được mời gọi để thực thi, nhiều khi không phải là chuyên môn của họ, hay thậm chí có khi đó là điều mà họ ghét làm nhất. Họ phải khuôn mình theo quyết định của bề trên. Đưa ra ý kiến là quyền của họ, nhưng không phải lúc nào ý kiến ấy cũng được tiếp thu. Phải làm điều trái với ý mình, ấy là điều làm người ta bức bối và khó chịu nhất. Nó như muốn xé toạc mình ra, làm ta mất đi mọi nguồn hứng và nguồn vui. Trái tim của người tu sĩ có thể cũng bị đâm vào bởi những điều như thế.

Nhưng như thập giá cắm vào trái đất để treo thân mình Đấng Cứu Thế lên cao mà ban phát ơn cứu độ cho con người, trái tim người tu sĩ tình nguyện bị đâm vào để Thiên Chúa tiếp tục thực thi công cuộc cứu thế. Người được chọn là người có phúc, nhưng cũng là người phải hy sinh nhiều điều. Cái phúc và cái hy sinh đi song đôi với nhau để rồi nhờ được tình yêu và niềm tin thánh hóa, cái hy sinh bỗng trở thành cái phúc: được hy sinh lại là một hồng phúc. Người tu sĩ không hy sinh chỉ để chơi chơi vậy. Họ hy sinh để chính mình và muôn loài khác được sống. Họ chấp nhận làm hạt giống thối nát đi để làm nảy sinh những bông hạt là ân phúc Thiên Đàng.

Có thể nói như thế này: người nào đi tu mà chẳng thấy mình phải hy sinh cái gì, người ấy đang tự lừa dối mình. Chính sự hy sinh mới làm cho đời tu nên đáng giá và cao quý. Chính con tim bị đâm vào chảy máu ra mới làm cho người tu sĩ nên giống người Mẹ yêu dấu của mình là Đức Maria và nên đồng hình đồng dạng với vị Thầy cao cả của mình là Đức Kitô, Đấng đã để tim mình bị đâm đến rách nát.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ