GÓC SUY TƯ ĐỨC MARIA Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (2):...

Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (2): Niềm vui từ lời mời gọi

2. Đức Maria viếng thăm người chị họ Êlisabet

Tin Mừng theo Thánh Luca

Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần,  liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bấy giờ bà Maria nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-56)

 Suy niệm:

Biết được người chị họ của mình được Chúa thương ban cho một mụn con dù tuổi đã cao, Maria tức tốc lên đường viếng thăm chị. Hai chị em gặp nhau, chào nhau, hỏi thăm nhau bằng những lời lẽ thật dễ thương. Cả hai đều chan chứa niềm vui trong lòng. Cả hai đều cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa dành cho mình. Cả hai cùng nhau thốt lên lời tri ân và ca khen Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này giữa họ đích thực là cuộc gặp gỡ trong niềm vui, niềm hạnh phúc đến ngập tràn con tim.

Bài ca mà Mẹ Maria cất lên là một bản trường ca thật hùng tráng nhưng cũng rất dạt dào. Mẹ đã mượn những lời ấy để diễn tả sự hân hoan mà Mẹ đang có trong lòng, về tất cả những gì Chúa làm cho con người nói chung và cho chính Mẹ nói riêng. Những lời ấy không phải do Mẹ “bịa” ra nhưng nó đích thực là những gì Mẹ cảm nghiệm được trong cuộc sống. Sứ Thần Gaprien đã gọi Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”. Một con người đầy ơn phúc thì lúc nào cũng chan chứa niềm vui. Niềm vui ấy không chỉ hời hợt bên ngoài, nhưng xuất phát từ thẳm sâu của “linh hồn” và “thần trí”. Niềm vui ấy cũng không đến từ bất cứ ai hay bất cứ sự gì dưới thế này, nhưng bắt nguồn từ chính “Thiên Chúa, Đấng cứu độ”. Mẹ vui niềm vui trong Thiên Chúa, vì bản thân Mẹ ý thức rằng Thiên Chúa chính là Đấng cứu độ của Mẹ, một cách rất cá vị, chứ không phải một Đấng cứu độ chung chung, trên lý thuyết hay của ai đó một cách mông lung.

Mẹ cảm thấy mình thật hạnh phúc vì mình được một Thiên Chúa cao cả như thế “thương nhìn đến”, dù Mẹ chỉ là một tớ nữ mọn hèn. Đó là niềm vui của một người nhỏ bé được chủ của mình lưu tâm đến, ưu ái cách đặc biệt cho mình. Mà đây không phải là một ông chủ bình thường. Chủ của Mẹ là Chúa Tể vạn vật, là Đấng Toàn Năng đã không biết bao nhiêu lần thực thi nơi Mẹ biết bao điều cao cả. Không phải là một điều, hai điều, nhưng là “biết bao” điều. Một con số không thể nào tả xiết. Nhờ được Chúa yêu thương, nhờ được làm tớ nữ của Chúa mà danh của Mẹ cũng sẽ được người của mọi đời ca tụng. Người ta sẽ ca tụng Mẹ không phải vì Mẹ cao cả hay to tát, nhưng bởi vì Chúa đã làm cho Mẹ được như thế.

Mẹ đã có một kinh nghiệm về Thiên Chúa hết sức sâu sắc. Rằng Chúa là Thiên Chúa luôn thương xót kẻ kính tôn Người. Rằng Người không thích sự kiêu căng và đủ sức hạ bệ những ai cho là mình hơn người khác. Rằng Người yêu chuộng ai có lòng khiêm nhường và sẽ nâng cao những con người ấy. Rằng Người quyền thế hơn tất cả những ai quyền thế nhất. Thiên Chúa sẽ thực hiện những sự thay đổi mang tính cách mạng, làm đảo lộn mọi trật tự của con người: có về không, không sẽ có; nghèo thành giàu, giàu trở nên nghèo; cao thành thấp, thấp thành cao. Nhưng đặc biệt, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa là tồn tại thiên thu, muôn đời miên viễn.

Bài ca của Mẹ là bài ca của người hết thảy mọi người, nhưng cách đặc biệt, đó cũng phải là bài ca của người sống đời dâng hiến. Chẳng có sự dâng hiến nào mà không từ bỏ. Nhưng nếu là từ bỏ với một thái độ ủ rũ, tiếc nuối và buồn phiền thì âm vị của sự dâng hiến ấy chẳng còn thanh tao và mỹ miều nữa. Ngay khi nhận được lời mời gọi và sứ mạng của Chúa, điều bừng dậy ngay nơi tâm hồn người tu sĩ phải là một niềm vui, sự hớn hở đến tận cõi linh hồn. Bởi lẽ, đáp lại lời mời của Chúa là điều nằm trong phạm vi tự do của ta. Ta không bị buộc phải “vâng” hay “không”. Ta không bị Chúa “ép” để dâng hiến cho Ngài. Còn khi muốn gật đầu với Ngài, Chúa muốn ta phải hàm chứa trong sự xin vâng ấy một niềm vui và một sự sẵn sàng cho sứ mạng. Hơn hết, người tu sĩ được mời gọi để hưởng niềm vui, chứ không phải để chịu đọa đày, người tu sĩ dâng hiến chính mình để có lại chính mình một cách sung mãn hơn, người tu sĩ cho đi để sở hữu một điều quý giá hơn tất cả.

Nghe được tiếng gọi của Chúa cũng hệt như một người tìm thấy viên ngọc quý trong thửa ruộng nhân gian. Đức Giêsu đã chia sẻ rằng ngay khi tìm thấy viên ngọc quý, người ta vội vàng chạy về bán hết tất cả để mua cả miếng đất có viên ngọc quý ấy. Có một sự đánh đổi ở đây, có một sự mất mát ở đây. Nhưng người ta bằng lòng để làm chuyện này, và người hạnh phúc hân hoan để thực hiện cuộc trao đổi ấy. Sở dĩ được như thế là người ta cho rằng viên ngọc này quý hơn tất cả những gì mà người ta đang sở hữu hay sẽ sở hữu. Viên ngọc là hạnh phúc tuyệt vời nhất của người ta, là mạng sống, là lý tưởng và là tất cả của người ta. Bởi thế, điều duy nhất mà người ta muốn là có được nó, bất chấp những thiệt hại mà người ta có thể sẽ phải đối diện.

Người tu sĩ sẽ chẳng thể có được một niềm vui như Mẹ, nếu người ấy không xem lời mời gọi sống đời dâng hiến là một viên ngọc quý. Người tu sĩ sẽ không bao giờ có được một niềm vui tận cõi linh hồn và thấm nhuần cả thần trí, nếu người ấy không cảm nghiệm được cách cá vị những gì Chúa đã làm trên cuộc đời họ bấy lâu nay. Có đôi khi, tiếng gọi đến một cách bất thình lình giữa dòng đời chảy trôi. Nhưng cũng có lúc nó được thành hình một cách tiệm tiến khi ta từng giây từng phút cảm nghiệm bàn tay kỳ diệu của Chúa can thiệp vào đời mình. Rồi đến một lúc nào đó, nó trở nên sự sống trong mình, là một phần không thể thiếu của mình, là cái làm nên chính mình cách trọn vẹn nhất.

Ngay khi ta đón nhận lời gọi mời với niềm vui sướng, ta sẽ thấy mình dần dần được lớn lên. Ấy là nhờ Giêsu cũng đang từ từ lớn lên trong mình. Ta vui hệt như đám con nít đang háo hức chờ điều gì sẽ xảy ra khi xem phim. Ta vui vì cảm nghiệm được một sự thay đổi khác thường nơi chính mình. Niềm vui ấy sẽ lớn dần với ta theo năm tháng và lan tỏa đến cả mọi người chung quanh. Ta thấy mình được đong đầy hệt như con cá ở trong nước mặc sức tung tăng, hay như con chim trên bầu trời tha hồ vùng vẫy. Ta sẽ vui vì thấy rằng đây là cái dành cho mình, là nơi mà mình thuộc về và kế hoạch mà Chúa muốn mình cộng tác trước hết cũng là nhắm đến hạnh phúc đời đời của chính ta.

Sống trong đời tu, ai lúc nào cũng có thể cất cao bài ca như Mẹ, người ấy đích thực đã tìm thấy đúng hướng cho cuộc đời. Đấy là những con người “đầy ơn phúc” vì lúc nào cũng để cho Giêsu sưởi ấm mình và đi với mình trên mọi nẻo hành trình dương gian. Còn người nào chỉ sống một cuộc sống cho qua ngày, mặt mày lúc nào cũng cau có, khó chịu, kiếm bù trừ chỗ này, khỏa lấp chỗ nọ, không bao giờ hài lòng với những gì đang có, người ấy thật đã uổng phí một cuộc đời. Người ấy có khoác trên mình chiếc áo dòng thật đẹp, đeo những tràng chuỗi thật xinh, ngồi trên chiếc ghế cao của quyền lực thì cũng chỉ là làm trò vui cho thiên hạ mà thôi.

Đã đành, sống một cuộc sống thì có lúc buồn lúc vui, lúc thăng lúc trầm, lúc thế này khi thế nọ, nhưng tựu trung, giữa tất cả những chông chênh lên xuống ấy, bạn có thấy hạnh phúc không, có hối tiếc về những gì bạn đã chọn không? Đời tu có thực sự là viên ngọc quý mà bạn khổ công tìm kiếm không? Và đời dâng hiến của bạn có là một bài ca dâng lên Thiên Chúa với trọn cả linh hồn và thân xác không?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Exit mobile version