Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu Nhiệm Thương (4): Vác thánh giá theo Chúa

166

1

4. Đức Giêsu vác cây thánh giá

Tin Mừng theo Thánh Gioan

Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái”. Trong dân Dothái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hípri, Latinh và Hylạp. (21) Các thượng tế của người Dothái nói với Philatô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Dothái” nhưng viết: “Tên này đã nói: ‘Ta là Vua dân Dothái.’” Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19,16tt – 22)

 Suy niệm:

 Sau những cuộc tranh luận gắt gao, những băn khoăn lo lắng của Philatô, những thẩm vấn tra hỏi dành cho Giêsu, những trận đòn đến tan xương nát thịt, rốt cuộc, Giêsu cũng bị kết án tử. Ngài phải nhận lấy một cái chết kinh hoàng và nhục nhã nhất mà theo luật định là chỉ dành cho những kẻ tàn ác và phạm tội tày đình chẳng thể dung tha: đóng đinh vào thập giá. Nơi hành hình là trên đỉnh một ngọn đồi. Và tên tử tội buộc phải tự mình vác cây thập giá từ dưới thấp lên đến tận nơi cao kia. Thân thể Giêsu lúc ấy hẳn là đã cạn kiệt sức, vì một đêm mất ngủ, lại còn phải chịu nhiều áp lực và cả những đòn roi làm mất máu. Nhưng Ngài vẫn phải vác cây gỗ nặng nề trên vai và gánh chịu hết tất cả sức nặng cũng như sự khó chịu mà nó mang lại.

Ai không vác thập giá, người ấy không thể cùng đi với Đức Giêsu trên cùng một con đường. Người ta thường dùng hình ảnh cây thập giá để diễn tả những nỗi khó khăn vất vả xảy đến với mình. Cây thập giá là biểu trưng của những gì không làm mình thoải mái, ưng ý hay thích thú. Người vác cây thập giá là người bị nguyền rủa, bị chúc dữ, bị người ta xua trừ. Việc vác cây thập giá cũng có hàm ý gợi lên một hành trình, một giai đoạn, chứ không phải một lần là xong, vì người ta không vác thập giá lên rồi bỏ xuống, hay đứng im, nhưng là vác để mà đi. Thập giá ấy – những nỗi đau đớn, khốn khổ ấy – sẽ đi theo người vác nó, ở trên vai người ấy, làm người ấy mệt mỏi vô chừng và kéo ghì người ấy xuống. Đoạn đường vác thập giá lại là một đoạn đường cam go, khúc khuỷu, khiến người vác cảm thấy mỗi lúc một nặng hơn. Đoạn đường ấy chỉ kết thúc khi không còn một sức lực nào nữa, dù là ít ỏi. Vác thập giá, đó là dấu chỉ của một hành trình tiến về cái chết. Ôm thập giá vào lòng, cũng là đón nhận vào trong mình tất cả những gì ta chẳng thích chẳng ưa.

Đời tu cũng có những thập giá của đời tu. Đó có thể là thập giá của một đời hy sinh hạnh phúc cá nhân để sống kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Họ sẽ không được hưởng cái cảm giác có người gối ấp tay ôm, vỗ về nâng khăn sửa túi. Họ sẽ không bao giờ có được kinh nghiệm làm cha, làm mẹ của những đứa con là máu thịt của mình. Thập giá của sự cô đơn khi tuổi già đến, nằm trên giường bệnh mà chẳng có một thân ở bên; khi muốn có ai đó ở cùng để san sẻ vui buồn mà tìm hoài chẳng thấy. Thập giá của đời tu cũng có thể là cộng đoàn của mình, nơi mà mình ngỡ là một chốn Thiên Đường tại thế. Anh chị em sống chung với mình, đâu phải ai cũng hợp tính hợp tình với mình, đâu phải người nào cũng hiểu mình và thông cảm với mình những khi mình yếu đuối. Có đôi khi, họ còn gây ra cho mình biết bao khó khăn, chống đối. Thậm chí, một bề trên khó tính cũng là một thập giá mà mình phải mang theo và chịu đựng. Người ta sẽ dễ tin rằng bề trên là hiện thân của Chúa khi vị bề trên ấy có một đời sống đạo đức và một khối óc khôn ngoan, chỉ cho ta biết những bài học quý giá. Nhưng đâu phải bề trên nào cũng như vậy! Một ông cụ hay một bà lão lúc nào cũng cau có, xét nét và tìm cớ la mắng mình là đại diện của Chúa sao được? Ấy đích thực là một thập giá không hề nhẹ.

Thập giá của đời tu cũng có thể là một sứ mạng nào đấy mà ta đang lãnh nhận. Phải sống tại một nơi chẳng có gì thích thú. Phải làm việc với những người chẳng có gì lôi cuốn ta. Công việc ta làm cũng nhàm chán và chẳng có thi vị gì. Chuyện gì xảy ra khi những lời kinh ta cất lên không còn thú vị? Chuyện gì xảy ra khi bài thánh ca ta hát vang không còn làm ta thích thú? Rồi có lúc ta bỗng đánh mất đi lý tưởng đời tu tuyệt đẹp mà ta có lúc ban đầu. Tại sao tôi phải sống một đời sống chẳng có gì hay? Tại sao tôi phải hy sinh đời tôi như thế này? Được lợi gì khi tôi từ bỏ tất cả để rồi chịu sỉ nhục, khinh chê? … Hàng loạt câu hỏi này sẽ đến với ta, làm ta hoang mang, buồn bã, rồi dẫn ta đến chỗ tự vấn: tôi có nên vác cây thánh giá này không? Khi mà người ta cứ mặc sức chống đối tôi, “dí” tôi vào đường cùng, cớ gì tôi phải đổ máu mình ra vì họ?… Bản chất của thập giá là thế. Nó vắt kiệt sức lực của ta, lấy đi hết tất cả sức mạnh trong ta, đè bẹp ta xuống cái tận cùng nhất.

Nhưng người ta nên thánh được trong đời tu cũng nhờ có những thập giá ấy. Thập giá sẽ giúp người ta thấy rõ hơn động cơ tu trì của mình. Nó sẽ cho ta biết là mình có yêu Chúa thực sự không, hay chỉ yêu những hào nhoáng, phép lạ, tiếng tăm của Ngài. Thập giá đập tan hết những ảo tưởng trong ta, đưa ta về với thực tại đời mình. Nó buộc ta phải thừa nhận con người nhỏ bé, yếu đuối và mỏng manh của mình. Nó cho ta biết là mình không toàn năng như mình nghĩ. Nó buộc ta phải hạ mình để cậy đến sự giúp đỡ của người khác. Chính nó cũng giúp ta thấy được rằng cuộc đời này thật phong phú nhưng cũng phức tạp quá chừng. Cuộc đời vốn dĩ là một ma trận những mối dây đan xen với bao đau khổ chồng chất, mà tự sức mình, ta không bao giờ có thể giải quyết hết được tất cả. Nhờ thập giá, ta cũng được tôi luyện con tim mình, biến nó trở nên mềm mại, hiền hòa và khiêm nhu hơn. Đôi vai ta trở nên cứng cáp hơn, đôi tay ta cũng vững mạnh hơn, đôi chân ta cũng không còn chao đảo. Cây thập giá trở thành dấu chỉ cho ta biết là mình có đang bước theo Đức Giêsu không, vì chẳng có ai thực sự theo Giêsu mà không phải vác lấy một thánh giá, một hy sinh nào.

Suy niệm về biến cố Đức Giêsu vác thập giá, người tu sĩ được mời gọi suy nghĩ đến thập giá đời tu của mình. Đời tu của tôi có thập giá nào không? Tôi đang oằn mình vác nó nhưng có phải với một thái độ cậy trông và phó thác vào sự nâng đỡ của Chúa không? Hay tôi đi tu mà cứ lảng tránh thập giá, rồi tìm một lối đi khác để bù trừ cho những hy sinh của mình? Tôi đang thực sự sống đời tu, với những cây thập giá hàng ngày, hay tôi chỉ đang ngụy trang, mang danh là tu sĩ, nhưng bản chất lối sống của tôi có khi còn tệ hại hơn người bình thường? Hãy nhớ lấy điều này: nếu không có cây thập giá trên vai, ta chẳng thể nào chứng minh cho Chúa biết rằng ta là tu sĩ, dù ta có sống trăm năm trong dòng tu và tuyên những lời khấn trên môi miệng cả tỷ lần. Lý do là vì chính Chúa đã khẳng định: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo.” (Mc 8,34) Lên đồi với Chúa mà trên vai có cây thập giá mới là một người môn đệ đích thực của Ngài.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ