Tin Mừng theo Thánh Mác-cô
Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mc 1,14-15)
…
Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philiphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Còn nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó. Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10,1-16)
Suy niệm:
Sau khi hoàn thành vai trò dọn đường của mình, Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê giam giữ và sau đó bị giết chết bởi mưu kế và lòng ganh ghét của bà Hêrôđia. Từ đó, Đức Giêsu, một cách chính thức và công khai, thi hành sứ vụ của mình qua bài giảng, những phép lạ, những lần tỏ bày quyền năng của Thiên Chúa. Có rất nhiều người muốn đi theo Ngài và xin làm môn đệ của Ngài. Ngài chọn lấy trong số đó mười hai người thân tín để ở lại bên Ngài sát hơn, cùng chung chia sứ mạng với Ngài. Những người này sẽ được Ngài dạy dỗ kỹ càng, được mặc khải cho biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa cách rõ ràng. Có thể nói, họ vừa là môn đệ, vừa là những người thân, có tương quan gắn bó với Ngài cách sâu sắc.
Sau một khoảng thời gian theo Giêsu học hỏi, các ông được Thầy sai đi để “thực tập tông đồ.” Trước khi lên đường, các ông được Thầy Giêsu căn dặn hết sức kỹ lưỡng. Về lộ trình: đừng đi về phía dân ngoại, đừng vào thành của dân Samari, nhưng hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Về nội dung rao giảng: hãy nói cho mọi người biết rằng Nước Trời đã đến gần. Về công việc: hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, trừ khử ma quỷ, trao ban bình an cho những ai xứng đáng. Về tinh thần: phải cho đi một cách nhưng không những gì đã lãnh nhận nhưng không, đừng sắm vàng bạc, tiền đồng… đừng có lo lắng cho chính mình nhưng hãy sống tinh thần nghèo khó và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Người môn đệ trở nên cao cả vì là hiện thân của Chúa. Người nào không đón tiếp họ sẽ bị kết án. Còn người nào đón tiếp thì sẽ được hưởng phúc lộc, bình an và ơn cứu độ. Tuy nhiên, sứ mạng mà họ mang trên mình cũng đưa họ đến những thách đố lớn lao, với trăm ngàn khó khăn, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng. Trong mọi sự, họ cần phải khôn ngoan như rắn và cũng đơn sơ như bồ câu.
Ai được sinh ra trên đời cũng được trao ban cho một sứ mạng. Sứ mạng của mỗi người khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Đó là lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho họ, mà họ phải chu toàn để đưa mình đến chỗ hoàn thiện nhất. Nhưng với một người tu sĩ, hai chữ “sứ mạng” mang một đặc nét cụ thể và rõ ràng hơn. Người ta không đi tu để cho vui hay để sống khác người, hay để làm khổ mình. Người ta không bỏ hết mọi sự, trịnh trọng tuyên những lời khấn ràng buộc mình chỉ để hành hạ mình. Người tu sĩ cũng không hãm mình, kiêng khem, ăn uống đạm bạc chỉ vì mục đích chữa bệnh… Họ tình nguyện làm những điều ấy vì sứ mạng. Ngay cả những ai suốt cuộc đời giam mình trong dòng kín, chỉ làm bạn với tiếng hát câu kinh, từ sáng đến tối trồng rau cắt cỏ… cũng vui vẻ chu toàn tất cả vì đó là sứ mạng.
Có những người được sai đến những nơi xa, đối diện với biết bao gian nan thử thách để nói về Chúa cho người dân nơi đây. Có những người khác được sai đi để phục vụ các bệnh nhân, người nghèo, người tàn tật, người cơ nhỡ, trẻ mồ côi. Lại có người được giao cho bổn phận phải cố gắng học hành chăm chỉ. Nhưng cũng có nhiều người khác được trao phó cho trọng trách cầu nguyện cho Giáo Hội và cho mọi người. Bởi thế, ngay từ khi chập chững bước vào đời tu, cho đến khi chỉ có thể nằm im trên giường bệnh, người tu sĩ luôn đặt trước mắt mình hai chữ sứ mạng. Họ luôn có việc để làm, tùy theo khả năng và tình trạng thể lý hiện tại mà Chúa gửi đến. Khi không còn ý thức về sứ mạng, người tu sĩ đã đánh mất đi lý tưởng đời tu của mình.
Sứ mạng của người tu sĩ trước hết hoàn thiện chính bản thân mình theo nền huấn luyện của Thầy Giêsu. Họ phải khuôn đúc chính mình để mỗi ngày nên giống Thầy mình hơn, trong tư tưởng, lời nói, việc làm… trong mọi sự. Rồi từ đó, họ trở nên hệt như ánh sáng, tỏa chiếu rạng ngời những nhân đức trỗi vượt, giúp người ta nhìn thấy chính đạo mà bước đi. Họ cũng trở nên muối mặn, ướp cho trần đời nhạt nhẽo này thêm tươi tắn và mặn mà. Họ làm men, dù chút ít thôi, nhưng len lỏi vào trong từng ngõ ngách của dòng đời, làm dậy lên lớp bột nhạt nhẽo, biến nó trở nên hữu ích. Rồi họ cũng trở thành người mang ngọn lửa yêu hừng hực trong lòng. Đi đến đâu, họ đốt nóng lên và làm bừng cháy đến đó tình thương yêu bất diệt, giúp xua tan đi cái lạnh lẽo của sự hờ hững và vô tâm. Sứ mạng của người tu sĩ là đánh thức cả thế giới này, giúp nó thoát khỏi cơn mê man buồn ngủ. Họ thổi vào đấy luồng gió của Thần Khí, giúp xoa dịu cái nóng rát của bạo lực và nối kết muôn tâm hồn lại với nhau. Họ cùng khóc với người khóc, cười với người cười. Họ trao hiến chính mình để cho Thiên Chúa thực hiện công việc cứu độ của Ngài.
Mang trong mình tâm thức về một sứ mạng, người tu sĩ luôn cảm thấy mình sống một đời sống tràn trề ý nghĩa. Sứ mạng mà Chúa trao ban cho mình có khi nặng nề, có lúc nhẹ nhàng. Đó có thể là những việc to tát, có sức ảnh hưởng đến nhiều người nhưng đôi khi chỉ là những việc vặt vãnh, âm thầm, chẳng có tiếng tăm chi. Nhưng điều đó không quan trọng cho bằng thái độ họ nhận lãnh và thực thi sứ mạng ấy. Bởi lẽ, khi thực thi một sứ mạng, họ không làm để thể hiện bản thân, để phô trương cho người ta thấy, nhưng đó là để họ cùng lao tác với Chúa, kết hiệp với Chúa và tự biến mình thành khí cụ cho Chúa sử dụng trong vườn nho của Ngài. Nhưng người tu sĩ không đi lễ, đọc kinh hay đi chợ nấu ăn, cuốc đất trồng cây … vì chính nó. Họ làm tất cả những việc đó hệt như cử hành một lễ tế cuộc đời. Hơn nữa, người tu sĩ không tự mình chọn sứ mạng cho mình. Họ lãnh nhận sứ mạng ấy từ Chúa, nên có khi nó không thỏa theo ước nguyện của mình. Nhưng ngay cả khi ấy, khi không thích thú nhưng vì tin yêu mà họ vui vẻ đón nhận và thực thi hết mình, họ cũng đã làm nên một hiến tế vĩ đại rồi. Họ cứ dốc hết sức mà làm thôi, còn sự thành bại của nó, Chúa sẽ khôn ngoan định liệu. Với tâm tình đó, dù họ có ở đâu, làm gì, ra sao, họ vẫn luôn cảm thấy như mình đang ở “trong nhà Cha” và phụng sự Ngài.
Thực thi sứ mạng hay làm theo ý Cha là lẽ sống của Giêsu, là lý do vì sao Ngài xuống thế. Nó mạnh mẽ và có sức gắn bó với Người còn hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Còn những người tu sĩ chúng ta thì sao? Ta chọn đời tu, ta được gọi là tu sĩ, nhưng ta có luôn ôm ấp trong lòng mình một sự sôi sục về sứ mạng như Giêsu không? Hay ta chỉ sống đời tu của mình như một sự đã rồi, một tình thế không thể thay đổi? Ta có xem đời tu là tất cả với ta không, có thánh hóa tất cả mọi lối nghĩ, tương quan, công việc của ta để biến nó thành của lễ không? Hay có khi ta còn sống tệ hơn và còn nêu gương xấu cho người khác? Một người môn đệ của Đức Giêsu không thể là một con người ù lì, chỉ biết hưởng thụ mà không xông xáo, hăng hái thực thi sứ mạng được trao, dù sứ mạng đó có khi khiến ta phải đánh đổi nhiều điều. Tôi có gột rửa khỏi mình tất cả những vướng víu để trở nên ứng trực cho sứ mạng không? Tinh thần của tôi có luôn thanh thoát và sẵn sàng cho bất kỳ một sự sai đi nào mà Chúa dành cho tôi qua bề trên không?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ