GÓC SUY TƯ ĐỨC MARIA Kinh Mân Côi và đời sống đức tin

Kinh Mân Côi và đời sống đức tin

KINH MÂN CÔI VÀ ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

 

1. Kinh Mân Côi, bài ca đi cùng năm tháng

Trong Giáo Hội cũng có những bài ca, có thể gọi là “đi cùng năm tháng”, những bài ca luôn đồng hành với Giáo Hội qua thời gian, qua những thăng trầm, những sóng gió của lịch sử. Bài ca đó có tên là “Chuỗi Mân Côi”, là những Kinh Kính Mừng. Bài ca này được vang lên mỗi ngày trong các nhà thờ hay chỗ riêng tư, được lâm râm khẩn cầu nơi môi miệng của mọi người, kẻ trí thức hay người bình dân, người thanh niên hay những người tuổi đời đã xế bóng.

Kinh Mân Côi quả là “bài ca đi cùng năm tháng” đối với Giáo Hội, cũng như đối với mỗi người chúng ta. Ở đây xin đan cử Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng luôn cổ vũ mọi người đến với Mẹ qua Kinh Mân Côi.

Trong tông thư “Kinh Mân Côi” Ngài chia sẻ như sau : “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi (…) Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu ; nơi lời kinh ấy, tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ (…) Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu. Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó (…). Con tim của chúng ta có thể gán vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại.

Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người thân thiết nhất của ta. Vì thế, lời kinh Mân Côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người. Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh Mân Côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ  Đức Thánh Trinh Nữ qua Kinh Mân Côi”.

2. Kinh Mân Côi, lời kinh kết nối

a. Với Đức Maria

Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thân Gabriel trong buổi truyền tin, với lời mừng của bà Elisabet trong ngày thăm viếng, nên mỗi lần lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự nối kết giữa nhân loại với Đức Maria.

Trong cuộc hội kiến lịch sử giữa Tổng Thiên Sứ và Đức Maria được khởi đầu bằng lời chào và kết thúc bằng lời thưa xin vâng. Nơi Đức Maria, người ta hiểu rằng tất cả khởi đi từ ơn phúc, nhưng còn ở trong tiềm ẩn cho đến khi có sự đáp trả bằng lời thưa : Xin vâng.

Xin vâng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả một đời đánh đổi : vừa bền lòng thực thi ý Chúa, vừa bền chí chấp nhận những thử thách cam go vốn không thiếu trong hành trình đức tin, nhất là dưới chân Thánh Giá.

Còn Đức Maria thì ghi nhớ những sự việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19.51). Khi đọc và suy niệm Kinh Mân Côi là ta cùng Mẹ suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa và của Mẹ. Qua việc cùng Mẹ suy niệm, sẽ giúp ta cảm nhận thật sâu sự đồng hành của Mẹ trong cuộc đời mỗi người.

b. Với Đức Giêsu

Trong Kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng : Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Lời kinh đã kết nối với Đức Mẹ, để rồi được nối kết với Con của Mẹ. Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.

Nơi trường học của Đức Maria, chúng ta được học bài học cơ bản : “Ngài bảo gì, các anh hãy làm như vậy” (Ga 2,5). Như vậy, nếu ta mời Mẹ cùng đồng hành thì từng bước chúng ta sẽ được dẫn đến đích điểm là kết nối với Đức Giêsu. Lộ trình đức tin cũng là giáo án mà Mẹ sẽ dạy chúng ta trong hành trình làm môn đệ : Sống đức tin và can đảm bước theo Chúa. “Phúc cho em vì em đã tin rằng lời Chúa sẽ được thực hiện trong cuộc đời em” (Lc 1,45) và cũng như Mẹ, chúng ta dám thưa với Chúa trong mọi tình huống của cuộc đời.

c. Với mọi người trong Chúa Kitô, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria

Thực ra đây là hệ lụỵ của hai mối kết nối trên. Một khi liên đới với Đức Maria để hiệp thông với Đức Kitô, tất nhiên mọi người là anh chị em hiệp thông với nhau. Nhưng chính từ đây mở ra một nhãn giới mới đầy lạc quan, tin tưởng, hy vọng cho tất cả những ai đọc và suy niệm Kinh Mân Côi.

Thói quen của các gia đình Việt Nam là việc đọc kinh tối gia đình, kết hiệp giữa việc đọc Kinh Mân Côi và suy niệm Tin Mừng. Việc này đã có một âm hưởng rất tốt và có sức biến cải tình trạng gia đình.

Mỗi tối khi màn đêm xuống dần, sắp sửa kết thúc một ngày, không hình ảnh nào đẹp hơn khi mọi người quây quần trước bàn thờ, cử hành kinh tối gia đình. Bao niềm vui, nỗi buồn đều dâng lên Chúa, những thất bại đắng cay, cũng như những thành tựu phấn khởi trong ngày đều được trình bày cho Chúa nghe… tự nhiên tâm hồn cảm thấy ấm hơn và tình thân trong gia đình được nối kết thắm thiết, vì tất cả được dâng lên Chúa và được sẻ chia cho nhau, cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Nếu Chúng ta đọc Kinh Mân Côi với tất cả tâm tình, chúng ta cảm thấy mình được biến đổi : lòng tin mạnh mẽ, niềm cậy trông kiên vững, sống dễ thương hơn với mọi người.

3. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta cảm nghiệm : Mẹ vẫn ở bên ta

Tổng thống George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con hiếu thảo đối với mẹ mình. Ông năng về thăm mẹ. Một hôm, thấy con đã vất vả công việc quốc gia, lại còn mất nhiều thời giờ thăm viếng, an ủi mình, bà mẹ mới hỏi ông : – Tại sao con lại chịu khó mất hàng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?

Vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ đã trả lời :- Thưa mẹ, ngồi bên cạnh để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất thời giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng nhân hậu của mẹ đã giúp con vui sống.

Mẹ của Tổng thống George Washington đã không nói nhiều, nhưng sự hiện diện đầy thanh thản và lòng nhân hậu của một người mẹ đã giúp ông tăng thêm sức mạnh để dấn thân phụng sự tổ quốc, vui sống trong trách nhiệm nặng nề của một nguyên thủ quốc gia.

Đối với người Kitô hữu, Mẹ luôn hiện diện âm thầm nhưng rất gần gũi bên cạnh mỗi người chúng ta.

– Sự hiện diện của Mẹ trong gia đình Giacaria đã củng cố niềm tin của bà Elizabeth, đem lại niềm hân hoan vô bờ cho trẻ Gioan Baotixita.

– Sự hiện diện của Mẹ tại tiệc cưới Cana đã làm cho người chủ tiệc mát mặt và mọi thực khách được uống rượu ngon làm hoan hỉ lòng người.

– Sự hiện diện của Mẹ trên đường Thánh Giá đã tiếp bước cho Đấng Cứu Thế lên tới đỉnh đồi Canvê.

– Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá đã cho Chúa Giêsu an tâm về với Chúa Cha sau khi trối Gioan, đại diện loài người lại cho Mẹ.

– Sự hiện diện của Mẹ trong nhà tiệc ly đã giúp các tông đồ sốt sắng cầu nguyện để lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

Và chắc chắn sự hiện diện của Mẹ trong cuộc đời người Kitô đã làm nảy sinh muôn ngàn phúc lộc. Sự hiện diện hiền mẫu của Mẹ trong cuộc đời chúng ta đã mang lại biết bao niềm vui, sự ủi an, lòng can đảm giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin.

Những lúc mệt mỏi rã rời trong cuộc sống hiện tại, những lúc tối tăm bao phủ, những lúc nặng trĩu u buồn của quá khứ, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, qua việc đọc và suy niệm Kinh Mân Côi, ta sẽ thấy tâm hồn thanh thản và bình an

Đọc và suy niệm Kinh Mân Côi, là những giây phút êm ái, ngọt ngào, hạnh phúc bên cạnh Mẹ. Với tấm lòng từ bi nhân hậu của Mẹ sẽ là nguồn ủi an, nâng đỡ và giúp sức chúng ta trong mọi cảnh huống cuộc đời đầy thử thách chông gai này.

 Lm Đaminh Đinh Viết Tiên OP
Exit mobile version