Kinh Mân Côi Trong Đời Sống Hôn Nhân

318

Mỗi gia đình công giáo truyền thống Việt Nam vẫn cất lên lời kinh“Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết trông cậy ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên Đàng, Amen.”

Lời kinh ấy một lần nữa khẳng định vài trò của Mẹ Maria – “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ” (Lc: 1, 28) là Nữ Vương gia đình. Ngay sau khi thưa tiếng “xin vâng”, Mẹ đã lên đường để đến thăm Chị họ, và niềm vui có Mẹ ở cùng đã khiến bà Isave phải cất lên: “Bởi đâu tôi được phúc này là Mẹ Chúa đến viếng thăm tôi.”  (Lc 1,43). Đó cũng chính là tâm tình của mỗi Kitô hữu chúng ta. Bằng Kinh Mân Côi, chúng ta mời Mẹ bước vào trong gia đình của chúng ta. Qua Kinh Mân Côi, Mẹ sẽ thánh hóa đời sống hôn nhân của chúng ta.

I. Kinh Mân Côi trong đời sống hôn nhân

  1. Kinh Mân Côi giúp Hôn Nhân hạnh Phúc

“Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3). Dưới ngòi bút của Thánh sử Gioan đã vẽ lên một hình ảnh rất đẹp về tiếng thì thầm của Mẹ bên tai Chúa Giêsu “họ hết rượu rồi” tại tiệc cưới Cana. Rượu là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên niềm vui trong tiệc cưới, nhưng tiếc thay, tiệc cưới chưa tàn đã hết rượu. Đức Ma-ri-a đã nhận ra tình hình tồi tệ ấy và đã can thiệp cách chủ động. Một đám tiệc mà “hết rượu” thì sẽ thế nào? Mẹ hiểu được tâm trạng, Mẹ thực sự quan tâm đến nhu cầu của người khác và Mẹ đã không yêu cầu cách trực tiếp nhưng bằng một thái độ đức tin với sự tín thác. Mẹ đã nói với Chúa Giêsu, và cùng lúc ấy Mẹ đã bảo với gia nhân “Người bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2,5). Sự can thiệp của Mẹ đã làm cho tiệc cưới trọn niềm vui.

Đức Giám Mục Tây Ban Nha Demetrio Fernandez Gonzalez nói rằng: “Tình yêu hôn nhân ví như rượu cưới tại tiệc cưới Cana, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria khi gặp khó khăn để xin Mẹ canh tân rượu tình yêu trong mỗi cặp cũng như trong mỗi gia đình. Một khi tình yêu không còn nữa thì dường như mọi sự chấm dứt và cách giải quyết duy nhất là xa nhau”. Nhưng, có cách duy nhất, khi tình yêu hôn nhân nhạt dần, hãy chạy đến với Mẹ Maria để Mẹ xin Chúa Giêsu “Họ hết rượu rồi”. Khi Chúa hiện diện trong hoàn cảnh ấy, Ngài sẽ hóa ra rượu “rượu tình yêu”… như rượu ngon ở tiệc cưới Cana.”

Mẹ  thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”. Nhưng cầu nguyện bằng cách nào? Bằng chuỗi Kinh mân Côi. Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt với nhất, tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc mà sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth đã ca tụng Mẹ. Kinh Mân Côi cũng là lời cầu nguyện dễ dàng nhất mà chúng ta có thể đọc lên ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào. Kinh Mân Côi là cuộc gặp gỡ trực tiếp với Mẹ Maria, máng chuyển ơn đến cho nhân loại. Đặc biệt trong mỗi gia đình, nếu “rượu tình yêu” đã phai nhạt qua dòng thời gian. Hãy đọc Kinh mân Côi. Đức Piô IX khuyên nhủ: “Kinh Mân côi là kho tàng quý giá của Giáo hội…hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình. Đức Piô X cũng khẳng định: “Nếu các con muốn cho gia đình mình hạnh phúc thì hãy lần chuỗi với nhau mỗi buổi tối”. Có như thế, hôn nhân sẽ trở nên hạnh phúc vì có Mẹ ở cùng.

  1. Mẹ Mân Côi đồng hành với thăng trầm cuộc sống Hôn Nhân.

“Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết trông cậy ai?”. Vâng, chúng ta biết trông cậy vào ai khi đời sống Hôn Nhân rơi vào bế tắc, chúng ta biết chạy đến cùng ai để hàn gắn lại vết đau thương.  Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Hơn bao giờ hết, gia đình đang bị các sự dữ tấn công; thế giới đầy những biến động đe dọa hòa bình công lý, thực hiên ba lời dạy của Đức Mẹ Fatima: Hãy ăn năn, hãy tôn sùng Trái tim Mẹ, hãy năng lần hạt Mân Côi để được Chúa thương xót”. Kinh Mân Côi là vũ khí lợi hại nhất để đẩy lui sự dữ.

Tông Thư “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ maria”( Rosarium Virginis Mariae) đã nhấn mạnh: “Gia đình là nguyên tố xây dựng xã hội, mà ngày nay gia đình đang càng ngày càng bị những sức mạnh hủy diệt đe dọa, cả về phương diện ý thức hệ cũng như thực hành. Điều này đem đến nỗi lo cho tương lai của gia đình là nền tảng xã hội cũng như mối lo cho tương lai của toàn thể xã hội. Do đó, việc làm sống lại kinh Mân Côi trong gia đình công giáo là một công việc mục vụ rộng lớn, sẽ là một sức trợ giúp rất hữu hiệu để chống lại những tác động có tính cách hủy diệt qua các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.”

Câu chuyện vượt biển trong hành trình “vượt biên” tìm đường sống mà ai trong chúng ta khi nghĩ lại cũng phải rùng mình, những chuyến lênh đênh trên biển mà không biết sống hay chết vào ngày mai. Lời bài hátLạy mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. Lạy mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn. Sống, chết con trông…..nhờ, bao nhiêu sức hộ phù lòng mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con, đưa con về tới bến”. Chúng ta kêu cầu đến Mẹ qua lời hát “Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con”, và cũng chính thời điểm “chết chóc” ấy “Kinh Mân Côi”– Kính Mừng Maria là vũ khí lợi hại nhất để con cái Mẹ cảm được sự đỡ nâng, phó thác và bình an trong tâm hồn “Thân lạy Nữ Vương, Mẹ thấu tình con, giúp con vững lòng cậy tin ở Mẹ, Mẹ thương đến con nhiều.”

Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp Fatima vẫn mang tính thời sự và cần thiết cho Giáo Hội ngày nay. Ước gì mỗi người, mỗi gia đình Công giáo Việt Nam biết đón nhận và sống sứ điệp ấy cách cụ thể: Sám hối, canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm; Lần chuỗi Mân Côi để theo gương Mẹ, bước đi trên đường theo Chúa; Tôn sùng Trái tim Mẹ để tâm hồn chúng ta nên giống Đức Mẹ, chan chứa tình yêu và lòng thương xót. Nhờ Mẹ và với Mẹ, chúng ta hãy đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống gia đình. Có Mẹ đồng hành, mỗi gia đình chắc chắn vượt qua được những thách đố trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

  1. Mẹ Mân Côi chúc phúc đời sống Hôn Nhân và hàn gắn những bất hòa.

Hết rượu là biểu tượng cho những thiếu thốn trong gia đình. Mỗi gia đình thường thiếu một cái gì đó: thiếu kiên nhẫn, thiếu thông cảm, thiếu tôn trọng và thiếu cả tình yêu thương giống như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Bên cạnh đó, có những thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, không đủ tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật. Quan trọng hơn là những thiếu thốn về tinh thần: vợ chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho nhau; cha mẹ thiếu những lời dạy dỗ khuyên bảo con cái; con cái thiếu kính trọng, vâng lời cha mẹ; anh chị em không nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng điều quan trọng, sâu thẳm và chính yếu làm cho ta đau khổ, bất hòa, hụt hẫng là ta quên mời Chúa và Mẹ vào trong cuộc đời, và không có khả năng yêu thương.

“Họ hết rượu rồi”, một câu nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục của Mẹ. Đây chính là nét đặc sắc của đức ái, hãy nghĩ đến nhu cầu của người bên cạnh hơn là chính mình. Lời thề hứa trong thánh lễ “hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”… chúng ta đã hành động điều này thế nào?

Mẹ vẫn xuất hiện một cách lặng thầm trong gia đình mỗi người như một lời chúc phúc với tấm lòng đầy sự tinh tế, xót thương của một người mẹ luôn chăm chút, lo toan cho những đứa con bé bỏng. Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa ban cho mỗi gia đình những nhu cầu thiết yếu nhất. Mẹ là người luôn chuyển cầu một cách khéo léo những ước nguyện của chúng ta và luôn răn dạy những đứa con của Mẹ theo ý hướng ngay lành bằng những giờ kinh Mân Côi. “Khi lần chuỗi Mân côi thì toàn diện con người của mình: thân, trí và tâm đều được chi phối. Cùng sự chi phối đó thì chuỗi Mân côi làm cho nơi chúng ta hình thành một con người mới chống lại những gì xấu trong tâm hồn mình.

Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất. Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó. Khi lần chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.

Chẳng hạn khi chúng ta lần chuỗi chúng ta đọc: Chúa Giêsu lên trời, xin cho lòng con được hưởng những sự lên trời. Chúng ta sẽ sống mối tương quan với Thiên Chúa; chúng ta sẽ sống một tâm hồn siêu thoát hơn; khi chúng ta đọc: Mẹ Maria đi viếng thăm bà Isave, xin cho được lòng yêu người. Đó là lời cầu xin tương quan với tha nhân, bằng tình yêu thương chứ không phải là hận thù ghen ghét; khi chúng ta đọc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa; đó là tương quan với thế giới vật chất, với chính xác thịt của mình. Vì thế, hãy đến với Mẹ, tin tưởng gởi trọn vào tay Mẹ.

II. Siêng năng lần hạt Mân Côi trong đời sống Hôn Nhân gia đình.

Đức Piô XI huấn dụ: Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Piô XII mời gọi các bạn trẻ: Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân Côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi.

Trích Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 41-42, bản dịch tiếng Việt của Lm. John Phan Du Sinh, ofm: “Nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong các xã hội kinh tế phát triển, phát xuất từ sự khó khăn càng ngày càng gia tăng trong mối tương giao. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi gặp gỡ là để xem truyền hình. Trở về với việc đọc Kinh Mân Côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh Mân Côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Nadarét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.

Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi cho con cái, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá. Người ta có thể phản đối là Kinh Mân Côi dường như khó mà phù hợp với sở thích của các trẻ nhỏ và người trẻ của ngày hôm nay. Nhưng có lẽ sự phản đối nhắm đến một cách thức nghèo nàn của việc đọc Kinh Mân Côi. Hơn thế nữa, nếu không có thành kiến với cơ cấu nền tảng của Kinh Mân Côi, thì không có điều gì ngăn cản các trẻ nhỏ và người trẻ cầu nguyện với Kinh Mân Côi – hoặc trong gia đình hoặc trong nhóm – với những trợ giúp có tính biểu tượng và thiết thực tương xứng để hiểu biết và quý trọng.”

Thay lời kết

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!

Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ… Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.

“Người bảo gì, các con hãy làm”: Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con trong đời sống hôn nhân gia đình giữa biết bao những bộn bề của cuộc sống trong thế giới hôm nay. Chúng con xin dành một cõi riêng tư cho Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi, lời kinh Mân Côi sẽ là tiếng nhắc khẽ của Mẹ thức tỉnh chúng con, để gia đình chúng con luôn đổ đầy rượu mới, rượu của tình yêu thương. Amen

Sr Nguyễn Thị Thanh Nga

MTG. Thủ Đức – Melbourne, Australia