Khi môi trường đạo đức của chúng ta trở nên thách thức hơn, người Công giáo không nên cam chịu. Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Tinh thần của chúng ta được đặt theo một hướng, hướng duy nhất cho trí tuệ, ý chí và trái tim của chúng ta là hướng về Chúa Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng cứu độ loài người. Chúng ta muốn nhìn về phía Ngài – vì không ai khác ngoài Ngài, Con Thiên Chúa, Đấng mà Phêrô đã nói: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.’ (Ga 6:68)”
Để phát triển Đức Kitô như trọng tâm của trí óc và trái tim khi đối mặt với rất nhiều ý kiến trái ngược, chúng ta cần có nhiều công cụ khác nhau, vừa để giữ sự tập trung vào Đức Kitô vừa củng cố quyết tâm của chúng ta khi chúng ta chịu sự tập trung đó. Thường xuyên cầu nguyện Kinh Mân Côi sẽ làm được cả hai điều đó.
Như bạn đã biết, khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta suy ngẫm về các sự kiện khác nhau trong cuộc đời của Chúa Giêsu – từ các Mầu Nhiệm Vui đến các Mầu Nhiệm Sáng. Nhưng tại sao lại tập trung vào Đức Kitô? Đức Gioan Phaolô II nói rằng “qua tất cả các cấp độ tự nhận thức, và qua các lĩnh vực hoạt động mà Giáo Hội thể hiện, tìm thấy và xác nhận chính mình, chúng ta phải thường xuyên nhắm vào Ngài là Người Đứng Đầu, nhờ Ngài mà mọi vật và chúng ta hiện hữu, là con đường và sự thật, là sự sống và sự sống lại, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha, rồi Ngài đã phải rời xa chúng ta, tức là bởi cái chết trên Thập Giá, và sau đó bởi sự Thăng Thiên của Ngài về Thiên Đàng, để Đấng An Ủi đến với chúng ta và tiếp tục đến với chúng ta với tư cách Thần Chân Lý.”
Đây là cách chúng ta trở thành đèn hiệu sáng tỏ trong một thế giới sống trong sương mù luân lý.
Hai lời cầu chính của Kinh Mân Côi là Kinh Kính Mừng và Kinh Lạy Cha. Kinh Kính Mừng gồm lời của người chị họ Elidabét khi gặp Đức Maria đang mang thai. Trong lời cầu này, chúng ta xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta làm điều này bởi vì như Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích: “Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc tiếp tục ‘đi trước’ Dân Chúa. Cuộc hành hương đức tin đặc biệt của Mẹ thể hiện một điểm quy chiếu liên tục cho Giáo Hội, cho các cá nhân và cho các cộng đoàn, cho các dân tộc và các quốc gia, và theo một ý nghĩa nào đó, cho toàn thể nhân loại. Quả thật rất khó để bao quát và đo lường phạm vi đó.”
Đức Mẹ đồng hành cùng Con Yêu và giúp chúng ta làm điều tương tự. Đức Mẹ có thể giúp chúng ta thực sự đánh giá đúng ý nghĩa của các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu. Cuộc đời Ngài là cuộc sống con người hoàn hảo, vì vậy cuộc đời Ngài trở thành nền tảng cho sự hoàn hảo của chúng ta với tư cách là Con Người. Công đồng Vatican II giải thích: “Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người.” (Lumen Gentium, số 3)
Thật vậy, trong cùng một tài liệu, chúng ta đọc: “Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.” (Lumen Gentium, số 34)
Đây là cách mà cuộc sống trong Đức Kitô diễn ra từng ngày. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta sống qua các mầu nhiệm cuộc đời Ngài. Tuy nhiên, chúng ta luôn cần được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu Kitô thật hơn cả những điều hấp dẫn và xao lãng xung quanh chúng ta. Khi các mối đe dọa và bóng tối quy tụ lại, Chúa Kitô ở với chúng ta, Chúa Kitô của Kinh Mân Côi chứ không phải là Chúa Kitô được chế tạo bởi một số chính trị gia hay thần học gia hiện đại.
Chúng ta cũng cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Khi viết về Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II coi Ngài là Cha Lòng Thương Xót. Một phần trong nghiên cứu của Đức Gioan Phaolô II bao gồm sự suy ngẫm về dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng, trong đó hình ảnh của Đức Kitô về Chúa Cha bắt đầu hé lộ.
Chính Chúa Cha là người ban cho chúng ta “phẩm giá như một người con trong nhà của cha mình.” (Đúng là “con trai” nhưng đó là cả một câu chuyện riêng.) Phẩm giá này đến từ việc sống theo ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta cầu xin “ý Cha được thể hiện” mỗi khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Việc nhắc đến Chúa Cha mở ra cho chúng ta cả một thế giới ý nghĩa. Theo Đức Gioan Phaolô II: “Hành vi của người cha trong dụ ngôn, và toàn bộ hành vi của ông, biểu lộ thái độ nội tại của ông, cho phép chúng ta tái khám phá các chủ đề của Cựu Ước về lòng thương xót trong sự tổng hợp hoàn toàn mới, rất đơn giản mà sâu sắc.”
Vì vậy, việc công bố lời Kinh Lạy Cha dẫn chúng ta đến người cha vinh hiển trong dụ ngôn: “Người cha của đứa con hoang đàng trung thành với tình phụ tử, trung thành với tình yêu thương mà ông luôn dành cho con trai của mình.” (Thánh Gioan Phaolô II) Và tất cả chúng ta đều là dưỡng tử của Ngài trong Đức Giêsu Kitô.
Thánh GH Gioan Phaolô II đã lần chuỗi Mân Côi nhiều lần trong ngày, và bây giờ ĐGH Phanxicô cũng làm như vậy. Cả hai đều có thể được coi là có cuộc sống khá bận rộn. Chắc chắn chúng ta có thể làm không ít, và trong thời gian này – tháng Mân Côi, đặc biệt là đọc kinh chung với gia đình của mình.
BEVIL BRAMWELL, OMI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)