Bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha” của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến tại quãng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 15/05/2019
15. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ
Anh chị em thân mến,
Cuối cùng thì chúng ta cũng đến lời cầu thứ bảy của “Kinh Lạy Cha” : “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,13b).
Với biểu hiện này, người cầu nguyện không chỉ xin để không bị bỏ rơi trong lúc bị cám dỗ, mà còn cầu xin được giải thoát khỏi sự dữ. Động từ nguyên gốc tiếng Hy lạp rất mạnh : nó nói lên sự hiện diện của ma quỷ đang rảo quanh vồ vập và cắn xé chúng ta (x. 1Pr 5,8) và từ đó chúng ta cầu xin Chúa giải thoát. Tông đồ Phêrô cũng nói rằng kẻ ác, ma quỷ đang ở xung quanh chúng ta, như sư tử gầm thét hòng nuốt chửng chúng ta, và chúng ta cầu xin Chúa giải thoát chúng ta.
Với lời cầu xin kép này: “xin chớ bỏ chúng con” và “giải thoát chúng con”, làm nổi lên đặc tính cốt yếu của kinh nguyện Kitô giáo. Chúa Giêsu dạy cho các bạn hữu của mình biết đặt lời khẩn xin lên Chúa Cha trước mọi sự, đặc biệt là trong những giây phút mà sự dữ khiến chúng ta cảm thấy sự hiện diện đầy đe dọa của nó. Thật vậy, kinh nguyện Kitô giáo không phải là nhắm mắt trước cuộc sống. Đó là lời kinh thảo hiếu chứ không phải là lời cầu nguyện ngây ngô. Nó không làm cho ta cuồng say tình phụ tử của Thiên Chúa đến nỗi quên rằng bước đường của con người còn bao nỗi truân chuyên. Nếu không có những đoạn cuối của “Kinh Lạy Cha” thì làm sao những người tội lỗi, bị bách hại, tuyệt vọng hay đang hấp hối có thể cầu nguyện được? Lời cầu xin cuối cùng đích thực là lời cầu xin của chúng ta khi chúng ta luôn ở trong sự giới hạn.
Sự dữ có trong cuộc sống của chúng ta, đó là một sự hiện diện không thể chối cãi. Những cuốn sách về lịch sử là hàng loạt những đau buồn của cuộc sống chúng ta trong thế giới này, đó là một cuộc phiêu lưu thường thất bại. Có mầu nhiệm sự ác, chắc chắn đó không phải là công trình của Thiên Chúa nhưng nó âm thầm xâm nhập vào giữa những nếp gấp của lịch sử. Im lặng như con rắn mang chất độc cách âm thầm. Trong một vài thời điểm dường như sự ác thắng thế : vào một số ngày nhất định, sự hiện diện của nó thậm chí còn rõ ràng hơn sự hiện diện của lòng thương xót Chúa.
Người cầu nguyện không phải là người mù quáng, họ nhìn thấy rõ ràng trước mắt sự dữ to lớn này, và như vậy mâu thuẫn với chính mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra nó trong bản chất, trong lịch sử, thậm chí trong chính tâm hồn của mình. Bởi vì không có ai trong chúng ta có thể nói rằng mình được miễn nhiễm sự ác, hoặc chí ít là không bị cám dỗ. Tất cả chúng ta đều biết sự dữ là gì, cám dỗ là gì; tất cả chúng ta có kinh nghiệm về cám dỗ đối với bất kỳ tội lỗi nào trên thân xác của chúng ta. Nhưng tên cám dỗ lay động và xô đẩy chúng ta vào sự dữ, nó nói với chúng ta rằng : “Hãy làm điều này, hãy nghĩ điều kia, hãy đi theo cách đó”..
Lời kêu xin cuối cùng của “Kinh Lạy Cha” được tung ra để chống lại sự dữ này “từ những địa tầng rộng lớn”, bao gồm những kinh nghiệm đa dạng nhất đang ràng giữ dưới bóng dù của nó : những tang tóc của con người, nỗi đau vô tội, sự nô lệ, sự bóc lột của người khác, tiếng khóc của những đứa trẻ vô tôi. Tất cả những sự kiện này phản kháng lại trong tâm hồn của con người và trở thành tiếng nói cuối cùng trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Một số từ ngữ của “Kinh Lạy Cha” tìm thấy được tiếng vang xúc động nhất của nó trong chính những trình thuật về cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu nói: «Abba! Lạy Cha! Với Cha mọi sự đều có thể : xin hãy cất chén này xa con! Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” ( Mc 14, 36). Chúa Giêsu hoàn toàn cảm nghiệm được vết đâm của sự dữ. Không chỉ riêng cái chết mà là cái chết trên thập giá. Không chỉ là sự cô đơn mà còn là khinh khi và nhục mạ. Không chỉ là ác tâm mà còn là nhẫn tâm chống đối Ngài kịch liệt. Con người là như thế nào : là người sống hiến dâng cho cuộc sống, mơ ước yêu thương và điều thiện, nhưng sau đó chính mình và đồng loại của mình lại tiếp tục bị vạch trần cho sự dữ, đến nỗi chúng ta có thể bị cám dỗ đến tuyệt vọng về con người.
Anh chị em thân mến, “Kinh Lạy Cha” giống như một bản giao hưởng đòi hỏi phải được hoàn thành nơi mỗi người chúng ta. Người Kitô hữu biết làm thế nào để chinh phục được quyền lực sự dữ, và đồng thời cảm thấy rằng Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ chịu khuất phục trước những lời đường mật của sự dữ, đứng về phía chúng ta và đến cứu giúp chúng ta.
Do đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một kho tàng quý giá nhất: đó là sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, bằng cách đấu tranh để biến đổi nó. Trong giờ của cuộc chiến cuối cùng, Ngài đã ra lệnh cho Phêrô hãy đưa kiếm vào vỏ, cho tên trộm ăn năn một bảo đảm trên thiêng đàng, với tất cả mọi người xung quanh, không biết bi kịch đang diễn ra, Ngài trao gửi họ một lời bình an : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23:34).
Bình an nảy sinh từ sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá, bình an đích thực đến từ thập giá: là ơn của Đấng Phục sinh do Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Anh chị em hãy nhớ đến lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu sống lại là “bình an cho các con”, bình an cho linh hồn, con tim và cuộc sống của các con. Chúa ban cho chúng ta bình an, Ngài ban cho chúng sự tha thứ thế nhưng chúng ta cần phải cầu xin, “xin cứu chúng con khỏi sự dữ”, để không sa vào sự dữ.
Đó là niềm hy vọng của chúng ta, là sức mạnh mà Chúa Giêsu sống lại đã trao ban cho chúng ta, Ngài đang ở đây, ở giữa chúng ta. Ngài đang ở đây ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước và Ngài hứa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ