Kinh Lạy Cha, một món quà quý giá Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta

329
Bài chia sẻ của ĐTC Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô, sáng Chúa nhật ngày 28/07/2019

Anh chị em thân mến,

Trong trang Tin Mừng hôm nay (Lc 11, 1-13), thánh Luca thuật lại những tình huống mà Chúa Giêsu dạy “Kinh Lạy Cha” cho các môn đệ của Ngài. Các môn đệ đã biết cách cầu nguyện, đọc thuộc các công thức của truyền thống Do Thái, nhưng họ cũng mong muốn có thể sống chính “phẩm chất” lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Vì họ biết chắc rằng cầu nguyện là chiều kích thiết yếu trong cuộc đời của Thầy, thực thế, mỗi hành động quan trọng của Ngài đều được mô tả bằng những lời cầu nguyện kéo dài. Vả lại, họ còn bị quyến rũ bởi thấy rằng Ngài không cầu nguyện như những bậc thầy khác cùng thời, nhưng lời cầu nguyện của Ngài nối kết mật thiết với Cha, đến mức họ muốn được tham dự vào những giây phút kết hiệp này với Thiên Chúa để cảm nếm được trọn vẹn sự ngọt ngào của nó.

Vì thế, vào ngày nọ, ở nơi hẻo lánh, chờ cho Chúa Giêsu cầu nguyện xong, họ đến xin Ngài : “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Đáp lại lời cầu xin dứt khoát của các môn đệ, Chúa Giêsu không đưa ra một định nghĩa trừu tượng về cầu nguyện, cũng không dạy cho họ biết kỹ thuật để cầu nguyện hiệu quả và để “kiếm được” điều gì đó. Trái lại Chúa Giêsu mời các môn đệ trải nghiệm việc cầu nguyện, bằng cách đặt mình cách trực tiếp trong tương giao với Chúa Cha, nhằm khơi dậy nơi họ nỗi khát khao về mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa, với Cha. Đây là sự mới mẽ của cầu nguyện kitô giáo! Đó là cuộc đối thoại giữa những người đang yêu nhau, dựa trên sự tin tưởng, được hỗ trợ bởi lắng nghe và cởi mở với nổ lực hợp nhất. Đó là một cuộc đối thoại giữa Chúa Con với Chúa Cha, giữa những người con và Chúa Cha của mình. Đây là cầu nguyện kitô giáo.

Do vậy, Ngài trao cho họ “Kinh Lạy Cha”, có lẽ đó là một trong những món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta trong sứ mạng trần thế của Ngài. Sau khi đã tỏ cho chúng ta biết về mầu nhiệm của người Con và anh em của Ngài, với lời cầu nguyện đó, Chúa Giêsu làm cho chúng ta thấm nhập vào trong tình phụ tử của Thiên Chúa; tôi muốn nhấn mạnh điều này : khi Chúa Giêsu dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, Ngài làm cho chúng ta bước vào trong tình phụ tử của Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta cách để bước vào trong cuộc đối thoại cầu nguyện và trực tiếp với Chúa, qua con đường thảo hiếu thân thương. Đó là một cuộc đối thoại giữa người cha và con cái mình, của người con với cha của mình. Điều mà chúng ta cầu xin nơi Kinh Lạy Cha là xin cho mọi sự được thực hiện cho chúng ta trong Người Con duy nhất : Danh Chúa được vinh sáng, Nước Chúa trị đến, lương thực, ơn tha thứ và giải thoát khỏi sự dữ. Trong khi chúng ta cầu xin, chúng ta mở rộng đôi tay để lãnh nhận. Chúng ta lãnh nhận các ơn mà Chúa Cha đã làm cho chúng ta thấy nơi người Con. Lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta là một tổng hợp mọi lời cầu nguyện và chúng ta luôn hướng về Cha trong sự hiệp thông với anh chị em. Điều xảy ra trong việc cầu nguyện là đôi khi có những xao lãng, nhưng nhiều lần chúng ta cảm thấy như muốn dừng lại nơi từ đầu tiên : “Lạy Cha” và cảm nhận tình phụ tử đó trong tâm hồn.

Tiếp đến Chúa Giêsu kể về dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Ngài nói : “Khi cầu nguyện cần phải nài nỉ”. Điều tôi đang nghĩ đến đó là những đứa trẻ khoảng 3 tuổi, 3 tuổi rưỡi : chúng bắt đầu hỏi những điều mà chúng không hiểu. Ở quê tôi người ta gọi là “tuổi của những câu tại sao”, tôi tin rằng ngay cả ở đây cũng vậy. Những đứa trẻ bắt đầu nhìn bố mẹ và nói : “Bố ơi, tại sao vậy?”. Chúng cần những lời giải thích. Chúng ta hãy lưu ý: khi người cha bắt đầu giải thích lý do tại sao, chúng liền đưa ra câu hỏi khác mà không cần nghe toàn bộ lời giải thích. Chuyện gì xảy ra vậy?. Xảy ra là trẻ em cảm thấy thiếu tự tin về tất cả những gì mà chúng bắt đầu hiểu được nửa chừng. Chúng chỉ muốn thu hút sự quan tâm của cha mẹ trên chúng và vì điều này : “Tại sao, tại sao, tại sao?”. Trong Kinh Lạy Cha, nếu chúng ta dừng lại nơi từ đầu tiên, chúng ta cũng sẽ làm giống như khi chúng ta còn nhỏ, để thu hút sự quan tâm của cha về mình. Chúng ta sẽ nói rằng : “Cha ơi, Cha”, và cũng hỏi : tại sao?. Và Ngài sẽ đoái nhìn chúng ta.

Chúng ta cầu xin Mẹ Maria, người mẹ cầu nguyện, giúp chúng ta biết đọc Kinh Lạy Cha kết hiệp với Chúa Giêsu để sống Tin mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Sau Kinh Truyền tin, ĐTC nói :

Anh chị em thân mến ,

Tôi đau buồn khi biết tin về vụ đắm tàu đầy bi thảm xảy ra trong những ngày gần đây ở vùng biển Địa Trung Hải, nơi hàng chục người di cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị thiệt mạng.

Lần nữa tôi chân thành kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động kịp thời và dứt khoát, để không lặp lại những tai họa tương tự và để đảm bảo sự an toàn và phẩm giá cho tất cả mọi người. Tôi mời anh chị em cùng cầu nguyện với tôi cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Vatican.va