Kiếp nghèo

119

 

Nghe hai từ “kiếp nghèo” là thấy “oải” lắm rồi. Chẳng ai muốn “dính líu” tới nó. Nhưng cuộc đời vẫn có vô vàn kiếp nghèo ở khắp nơi trên thế giới, ngay bên chúng ta cũng vẫn có nhiều. Kiếp nghèo như một “định mệnh” mà người ta khó biến chuyển số phận, như ca dao Việt Nam nói:

Cây khô tưới nước cũng khô
Người nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo
Bí đát quá! Cái nghèo KHÔNG LÀ TỘI nhưng là “cái vạ”, nó như quỷ ám, đeo bám người ta mà không chịu buông tha. Người ta vẫn ví von: Nghèo rớt mồng tơi, nghèo ho ra máu, nghèo lụi vô bờ, nghèo phơ tóc bạc, nghèo khạc ra khổ, nghèo bổ ngửa ra, quỷ tha ma bắt. Đúng là khổ thật, khổ quốc tế, khổ kinh niên, khổ vô duyên!
Thiên Chúa rất thương người nghèo, nên Ngài đã “bắt” Thánh Tử Ngôi Hai nhập thể và nhập thế trong hoàn cảnh vô cùng nghèo hèn để đồng cam cộng khổ với nhân loại chúng ta. Có thể nói rằng Lễ Giáng Sinh là lễ… “nghèo” – vì Con Chúa xuống thế và sinh ra làm người trong cảnh cơ hàn, khó khăn, với cảnh đời te tua, tơi tả, thê thảm thật!
Hơn hai ngàn năm trước, trong một đêm giá lạnh, Sứ thần cho các mục đồng biết “dấu hiệu đơn giản” của Chúa Hài Đồng: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Thế thôi, chẳng có gì hơn. Nhìn là thấy nghèo rớt mồng tơi rồi! Thánh Luca kể: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Các mục đồng là dân nghèo thứ thiệt, nghèo “hàng hiệu”, vì họ là mục đồng, những người chăn súc vật, nhưng họ chỉ là những người chăn thuê, chứ họ chẳng có con vật nào là sở hữu. Một thực-tế-buồn như vậy đấy. Và rồi chỉ có người đã từng nghèo mới biết thương xót người nghèo, ngoài ra chỉ là NÓI PHÉT (chữ “nói phét” của người miền Bắc “mạnh” hơn chữ “nói láo” của người miền Nam và Trung), vì tôi thấy những người mệnh danh là hoạt động Lòng Chúa Thương Xót nhưng không hề thương xót đúng nghỉa của Chúa Giêsu. Quả thật, đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Có ăn nhạt mới biết thương mèo”. Câu nói đơn giản lắm nhưng mà thâm thúy lắm, chí lý lắm!
Xin mở ngoặc: Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa thương xót, vì thế bất kỳ ai cũng có TRÁCH NHIỆM và BỔN PHẬN phải loan truyền Lòng Chúa Thương Xót(LCTX), chứ không chỉ những người là “cán bộ” hoặc hội viên của LCTX mới có nhiệm vụ đó. Những người này cũng ĐỪNG ảo tưởng! Nhưng xét đúng nghĩa thì những người này PHẢI tốt nổi trội hơn người khác mới là hợp lý (theo kiểu loài người) và đúng lý (theo Ý Chúa). Thực sự Chúa chỉ thương xót những ai kính sợ Ngài (Lc 1:50). Kính sợ Ngài thì phải làm sao cho hợp lý. Cái “hợp lý” ở đây mới là mức độ “đau cái điền” (điên cái đầu, nhức đầu).
Thật chứ không đùa. Trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10:30-37), kể chuyện một người bị cướp dọc đường. Thầy tư tế và thầy Lêvi đi qua, sợ khó đến thân nên bỏ đi, mặc kẻ bị nạn bán sống bán chết. Một người Samari thấy vậy thì “chạnh lòng thương”, đưa nạn nhân vào bệnh viện (hoặc trạm xá, hoặc nơi y tế nào đó), ông ta “đặt cọc” một số tiền (vì túi ông hiện chỉ có như vậy), rồi căn dặn và hứa với người chăm sóc: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10:35).
Rồi Chúa Giêsu hỏi ai trong ba người đó là người-lân-cận. Thầy thông luật “vô tư” trả lời:“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10:37a). Chúa Giêsu nói rất NHẸ NHÀNG: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37b). Lời Chúa nói với người Samari hay nói với MỖI NGƯỜI CHÚNG TA? Thế mới là thương xót! Chúng ta có can đảm NHÌN và TỰ HỎI: Tư tế và Lêvi là ai? Họ là THẦY dạy cái gì? Còn Samari là ai? Họ không dạy cũng không nói, nhưng họ làm. Bạn có thấy “nhức đầu” chút nào chưa? Nếu thực sự thấy “nhức đầu”, xin chúc mừng bạn!
Giáng Sinh rộn ràng. Giáng Sinh lạnh lẽo. Giáng Sinh đẹp đẽ. Giáng Sinh huy hoàng. Giáng Sinh đầm ấm. Giáng Sinh ngọt ngào. Giáng Sinh giản dị. Giáng Sinh phức tạp. Giáng Sinh hoành tráng. Giáng Sinh lặng lẽ. Giáng Sinh hào nhoáng. Giáng Sinh tưng bừng. Giáng Sinh thánh thiện. Rất nhiều kiểu Giáng Sinh, mỗi người mỗi vẻ,…
Ngắm nhìn Thánh Gia nơi hang đá Belem (trong TÂM TRÍ nhiều hơn trong THỰC TẾ – vì các Hang Đá ngày nay tôi không thấy nét nghèo), và rồi tôi chợt nhớ đến ca khúc “Kiếp Nghèo” của NS Lam Phương (*), một người cũng đã từng rất nghèo và lận đận. Ông không là Kitô hữu nhưng ca từ của ông chứa đầy tính nhân bản và tình yêu thương của Chúa. Thiết nghĩ, ông KHÔNG THEO ĐẠO nhưng ông vẫn CÓ ĐẠO.
Ca khúc “Kiếp Nghèo” là ca khúc đời, lại là tác phẩm của một nhạc sĩ ngoài Công giáo, tất nhiên không liên quan tôn giáo chút nào, nhưng riêng tôi vẫn thấy “hợp” với Lễ Giáng Sinh.
Ca khúc này được viết ở âm thể thứ với điệu Tango, một trong các nhịp điệu phổ biến ngày xưa. Mở đầu ca khúc “Kiếp Nghèo”, ông mô tả: “Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh”. Nghe mà “vắng vẻ” quá! Không chỉ vậy, hình ảnh còn “thê thảm” hơn: “Lầy lội qua muôn lối quanh, gập gềnh đường đê tối tăm, ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi”. Đến đứa trẻ cũng khó ngủ ngon giấc. Buồn lắm!
Nhưng trong cái vẻ “hiu quạnh” đó vẫn có cái gì đó “vượt lên” mọi thứ: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha, không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa! Mưa ơi, có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường, đời gì chẳng tình thương không yêu thương”. Người ta nghèo khổ đấy, nhưng người ta không thúc thủ, không chịu cam phận, cũng muốn vươn lên mà sao khó quá! Phải chăng là số kiếp, là định mệnh an bài?
NS Lam Phương có tầm nhìn nhân bản lắm: “Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương, đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai, đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng, đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung”. Đó là ông nói chuyện tình cảm riêng, nhưng qua đó chúng ta vẫn thấy được cái chung của cuộc sống: Yêu thương. Yêu thương càng quan trọng hơn mỗi dịp No-en về.
Người nghèo buồn lắm, họ cũng vẫn có niềm tin, nhưng có lẽ Ý Trời muốn khác: “Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con: một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai, và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài, đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai”. Ước mơ của người nghèo đơn giản lắm, thế mà sao khó hiện thực vậy, Trời ơi!
Đại văn hào Victor Hugo nhận định: “Ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ: sự tha hóa của đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của phụ nữ qua cơn đói, sự teo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối” – The three great problems of this century: the degradation of man in the proletariat, the subjection of women through hunger, the atrophy of the child by darkness. Một vấn đề “lớn” khiến chúng ta phải suy tư nhiều! Cũng liên quan vấn đề nghèo, Thomas Muller nói: “Lý lẽ của người nghèo chẳng được ai nghe” – Poor men’s reasons are not heard. Sự thật phũ phàng biết bao!
Nói về cái nghèo, chúng ta cũng nên phân biệt: Giàu-nghèo về vật chất hay tinh thần (tâm linh)? Và rất nên lưu ý: Người ta nghèo không phải vì CÓ ÍT mà vì MUỐN NHIỀU (sở hữu tiền bạc, của cải,… nói chung là vật chất). Đó mới thực sự là dạng nghèo nguy hiểm. Nhưng dạng nghèo tâm linh còn nguy hiểm hơn nhiều!
Rất khó phân định rạch ròi cái “khoảng” giàu – nghèo. Thật vậy, giàu có hay nghèo khổ còn phụ thuộc vào tỷ lệ giữa ƯỚC VỌNG và SỰ THỎA MÃN của mỗi người.
Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban Ngôi Hai cho chúng con. Xin nâng đỡ những người nghèo, xin cho họ hưởng trọn niềm vui ngày Con Chúa giáng trần, xin giúp chúng con nhận ra Chúa nơi những người hèn mọn nhất, và xin ban bình an cho mọi người, xin cho mọi người gặp được chính Chúa mỗi khi họ gặp chúng con, bất cứ lúc nào và nơi nào. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chiều Chúa Nhật IV mùa Vọng – 2013
.
(*) Ns Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20-3-1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá, Kiên Giang). NS Lam Phương bắt đầu lên Saigon lúc 10 tuổi, năm 15 tuổi ông bắt đầu sáng tác bản Chiều Thu Ấy, nhưng mãi đến năm 1954 ông mới nổi danh với hai bài Kiếp Nghèo và Chuyến Đò Vĩ Tuyến. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp vô vàn khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền của bạn bè để phát hành các nhạc phẩm.
Nhạc của ông “ưa” điệu Mambo với đa dạng đề tài. Về cảm xúc di cư năm 1954, ông viết Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ và Nắng Đẹp Miền Nam. Về tình quân nhân, ông viết: Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân. Về tình mẫu tử, ông viết Đèn Khuya, Tạ Ơn Mẹ. Về kiếp sống lầm than, ông viết Kiếp Nghèo, Chiều Tàn. Riêng về tình ca, có thể nói ông là một suối nguồn âm nhạc của Việt Nam.
Năm 1958 ông nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đêm giã từ trung tâm huấn luyện, ông viết bài Tình Anh Lính Chiến. Về sau, bài hát này trở nên nổi tiếng, hầu như chiến sĩ nào cũng hát. Trở về dân sự một thời gian, ông lại được lệnh tái ngũ. Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương. Ông còn cộng tác với trung tâm quốc gia điện ảnh, xuất hiện trong một số phim mang chủ đề vận động cải tiến xã hội như Chân Trời Mới và Niềm Tin Mới. Hiện nay, ông định cư tại Hoa Kỳ.
Ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và đem lại cho ông những khoản lợi rất lớn về tài chính, khác với thời gian đầu khó khăn lập nghiệp. Thời điểm đó, lương một vị đại tá quân đội cả phụ cấp vào khoảng 50 đồng, một vị giám đốc cũng vào tầm đó trong khi NS Lam Phương trong một lần lên Đà Lạt biểu diễn văn nghệ, ngồi trên khu nội trú nhìn xuống thung lũng ông viết bài Thành Phố Buồn. Sau này ông bán nó với giá 12 triệu đồng, một số tiền rất lớn thời đó. Ngoài ra, còn rất nhiều bản khác như Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp,… và ông có một tài sản lớn.
Sau thời gian lận đận chuyện tình duyên, ông lập gia đình và viết nhiều tác phẩm vui tươi, điển hình nhất là bài Ngày Hạnh Phúc. Bài này được phát hàng ngày như một nhạc hiệu của đài phát thanh quân đội và được nhân dân dùng rất nhiều trong các đám cưới. Bài này nổi tiếng với câu: “Đêm về nghe con khóc vui triền miên”. Tiếng con khóc ở đây là con gái đầu lòng của ông, ái nữ Ánh Hằng.
Sau khi tới Hoa Kỳ, NS Lam Phương phải khó khăn kiếm tiền bằng những công việc chân tay nặng nhọc, rồi hôn nhân đổ vỡ. Ông đau xót và viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có 1 chữ như Điên, Say, Tiếc,… Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài Lầm, với câu: “Anh đã lầm đưa em sang đây…”.
Sau khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, ông lại một lần nữa trắng tay rời sang Paris (Pháp). Ông tâm sự: “Người ta tị nạn chính trị, còn tôi tị nạn ái tình”. Ở đây ông đã gặp được một người phụ nữ tên Hường và viết hàng loạt ca khúc vô cùng tươi vui như: Bé Yêu, Bài Tango Cho Em,… điển hình là bài Mùa Thu Yêu Đương, có câu: “Đường vào Paris có lắm nụ hồng…”, chữ “hồng” ở đây là do người phụ nữ tên Hường. Tuy nhiên, cuộc tình này không đi đến đâu, sau cùng ông viết Tình Vẫn Chưa Yên.
Năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm. Người em gái từ Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho anh, rồi một phụ nữ yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà, và ngày nào cũng gọi điện bắt ông phải nói chuyện, lại còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để bắt ông tự đi. Những tình cảm đó đã giúp ông dần bình phục, nhưng không thể được như xưa.