Kiếp hoa là số phận của một đóa hoa. Kiếp hoa xem chừng “thú vị” lắm, nhưng không phải vậy. Kiếp hoa ở đây lại là kiếp hoa Phù Dung, chứ nếu được như một trong số các loài hoa bền lâu, có hương hoặc có sắc cũng còn “đỡ tủi thân”. Vì ít ra cũng còn có chút gì đó gọi là “vui sướng”. Ước gì chúng ta là những đóa hoa Bất Tử!
Tháng Mười Một, Tháng Cầu Hồn, chúng ta nhớ tới các linh hồn nơi Luyện Hình bằng cách hy sinh và cầu nguyện cho họ, đồng thời cũng là khoảng thời gian cần thiết để nhìn lại thân phận mình cũng như một “kiếp hoa” mà thôi!
.
ĐÓA HOA PHÙ DUNG
Hoa Phù Dung (Hibiscus Mutabilis) còn gọi là Mộc Phù Dung, Địa Phù Dung, Phù Dung Núi, hoặc Mộc Liên. Phù Dung là một loài thực vật có hoa thân vừa, thuộc họ Cẩm Quỳ (Malvaceae). Cành Phù Dung mang lông ngắn hình sao. Lá có năm cánh, cuống lá hình tim, mép có răng cưa, đường kính có thể tới 15 cm, mặt dưới nhiều lông hơn, 5 thùy hình 3 cạnh ngắn, có 7 gân chính. Hoa lớn có 2 loại: hoa đơn (5 cánh), hoa kép (nhiều cánh). Hoa thay đổi màu sắc (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ) vì trong cánh hoa có chất anthoxyan bị ô-xít hoá khi tiếp xúc với không khí, kích thước hoa khoảng 10–15 cm. Kiếp Phù Dung quá ngắn ngủi: sớm nở, tối tàn!
Kiếp hoa đó chẳng gì xa lạ, mà chính là đời người của mỗi chúng ta! Kiếp phù dung cũng như cuộc đời chúng ta, liên tục thay đổi “màu sắc” và mau tàn. Quả thật, đúng như Thánh Vịnh (Tv 103:15-16) đã xác định:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình!
Làn ranh sinh – tử rất mong manh, khe sống – chết chỉ là “khoảng tích tắc”, cứ tưởng dài mà lại ngắn, ngắn hơn chúng ta tưởng. Đó là quyền của Thiên Chúa, Đấng tạo dưng nên chúng ta: “Chúa lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29).
Cuộc đời ngắn ngủi, tựa thoi đưa, vụt mau như bóng câu qua cửa sổ, thế mà đầy những đoạn trường, vui mừng chẳng mấy chốc. Mơ ước nhiều mà chẳng trọn được bao nhiêu!
Với bản tính con người yếu đuối, khi đau khổ cùng cực, ông Gióp đã nguyền rủa chính mình: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời. Phải chi ngày ấy là đêm tối. Phải chi từ nơi cao thẳm Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì. Phải chi trên ngày ấy ánh sáng đừng chiếu rọi. Phải chi trên ngày ấy tối tăm mờ mịt bao trùm, mây đen đến che phủ và sương mù bỗng dưng ập xuống. Phải chi đêm ấy bị tối tăm xâm nhập, không được kể vào niên lịch, không được tính trong số các tháng. Phải chi đêm ấy là đêm cô đơn buồn thảm, đêm chẳng hề có tiếng reo vui. Phải chi những kẻ đã nguyền rủa ngày đã sẵn sàng đánh thức con giao long cũng nguyền rủa đêm ấy. Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ, và ban mai uổng công chờ ánh sáng, không hề thấy bình minh xuất hiện” (G 3:2-9). Nghe mà não lòng quá, và chúng ta lại chợt nghĩ về thân phận mình!
Với cảm giác tương tự, tác giả Thánh Vịnh cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức. Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc. Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng thân con như sóng cồn xô đẩy dập vùi. Chúa làm cho bạn bè xa lánh và coi con như đồ ghê tởm. Con bị giam cầm không thể thoát ra, mắt mờ đi vì quá nhiều đau khổ (Tv 88:2-10). Đọc tâm sự của người mà chợt gặp thấy chính mình, buồn rười rượi!
Ai nên khôn mà chẳng khốn một lần. Chính những lần vấp ngã là những kinh nghiệm sống quý giá và là những nấc thang đưa chúng ta lên cao hơn. Với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm điều hành Khánh Lễ Viện, Thánh LM Don Bosco nhắc chở chúng ta: “Khốn khó càng nhiều thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa”. Chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi ai:“Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có tương lai và hy vọng” (Gr 29:11). Vả lại, Thiên Chúa “biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20).
Kiếp người khác chi kiếp hoa, không chỉ ngắn ngủi mà còn chẳng mang theo được gì khi nhắm mắt, xuôi tay. Thế mà người ta vẫn kèn cựa nhau đủ thứ, không chịu nhường nhau một bước nào. Đơn giản như khi đi đường, ai cũng có lúc lỡ lầm, thế mà người khác chỉ va quẹt chút xíu thôi, người ta vội hung dữ với nhau, nhẹ thì chửi rủa, nặng thì ẩu đả, thậm chí còn dám đâm chém nhau. “Một câu nhịn là chín câu lành”, nhưng người ta lại nghĩ rằng “một câu nhịn là chín câu nhục”. Đáng sợ quá!
Biết chắc đời người như kiếp hoa mà thôi, vậy mà người ta vẫn kèn cựa nhau trong mọi lĩnh vực. Rõ nét nhất là vật chất. Có thể nói rằng thời đại ngày nay có dạng hội chứng mới là “hội chứng vật chất”. Người ta trọng bề ngoài hơn. Nếu không khéo có thể “dính líu” tới chủ nghĩa duy vật (materialism) hoặc thuyết Nhất Nguyên (monism) chứ chẳng đùa đâu. Đó là dạng tương tự chứng ám ảnh hoặc mê tiền bạc (Anh ngữ là “plutomania” – có nguồn gốc Hy ngữ: “pluto” là của cải, và “mania” là đam mê thái quá). Khái niệm này không mới, vì nó đã có từ năm 1652. Nói chung, trong mọi lĩnh vực, người ta thấy người khác hơn mình chút gì thì tỏ ra “khó chịu”, ghen ghét, có thể thì tìm cách gièm pha, trù dập,…
Nhưng thôi, cứ bỏ ngoài tai hết, chấp nhận điên khùng vì Nước Trời, và không ngừng cố gắng thực hành lời khuyên của Thánh Phêrô: “Hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2:1). Đời là thế! Thế gian nó gian xảo thế đấy!
Tiền nhân nói: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Tục ngữ nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Thật vậy, “ở rộng thì người cười, ở hẹp thì người chê”, chẳng làm sao có thể sống vừa lòng hết mọi người. Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-làm-người, là Đáng chí thiện, thế mà vẫn bị người ta ghen ghét “tới bến”, ghét cay ghét đắng, thậm chí là thù, để rồi họ giết Ngài chết te tua tơi tả. Cuộc sống thật nhiêu khê, “dốt nát thì bị khinh, thông minh thì bị ghét”. Chúa Giêsu luôn thẳng thắn, thật thà, hiền lành,… nên bị người ta ghét. Có lần Ngài đã đặt vấn đề: “Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20:13-15).
Kiếp hoa là thế, bọt bèo và mong manh. Phàm nhân như cánh bèo trôi lêu bêu trên dòng đời tưởng chừng như vô định, không biết trôi về đâu. Nhưng trong mọi hoàn cảnh và bất cứ bằng giá nào, hãy ghi nhớ: “Dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng” (x. 2 Cr 4:8). Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng ta: “Ta ở gần khi tấm lòng con tan vỡ, cứu con khi tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34:19).
Và lạ thay, đối với các Kitô hữu, kiếp hoa bình thường bỗng trở thành vô thường: Hoa Phù Dung sẽ hóa thành Hoa Bất Tử. Và rồi tất cả cũng sẽ qua. Sau cơn mưa, trời lại sáng! Ước gì mỗi chúng ta đều nhận thức rõ thân phận cát bụi của mình, mong manh và ngắn ngủi như kiếp hoa, biết vậy không phải để bi quan, yếm thế, hoặc buông xuôi, nhưng nhờ đó mà có thể can đảm quyết tâm “sống như mình sắp chết” và “hành động như mình bất tử”.
.
ĐÓA HOA BẤT TỬ
Hoa Bất Tử (Xerochrysum Bracteatum) còn gọi là Cúc Bất Tuyệt, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae) – tại Việt Nam có nhiều ở vùng Đà-lạt. Hoa Bất Tử được coi là biểu tượng cho tình yêu bất diệt, thường được giới trẻ tặng nhau để thể hiện tình yêu. Những bông hoa Bất Tử nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Tuy những cánh hoa đã “chết khô” nhưng vẫn giữ được màu sắc. Vì vậy, Hoa Bất Tử được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu.
Không một phàm nhân nào bất tử, trừ một thụ tạo đặc biệt: Đức Maria. Sự thường, có sinh thì có tử, vì “con người không bất tử” (Hc 17:30). Đó là quy luật muôn thuở. Nhưng “đức công chính thì trường sinh bất tử” (Kn 1:15), những ai “yêu mến lề luật, tuân giữ lề luật, và chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan là bảo đảm được trường sinh bất tử” (Kn 6:18).
Sách Khôn Ngoan cho biết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13). Chắc chắn như vậy, vì Ngài là Sự Sống (Ga 14:6), và Ngài muốn chúng ta “được sống dồi dào” (Ga 10:10), thế thì Ngài không thể làm chúng ta chết, chúng ta chết thì Ngài chẳng vui gì, thế nên Ngài đã sai chính Con Một Yêu Dấu là Đức Giêsu Kitô nhập thể và nhập thế để cứu độ chúng ta bằng Giá Máu của Người Con đó, chứ không bằng máu chiên, máu bò, hoặc máu dê như thời Cựu Ước. Vả lại, chúng ta chết vì phạm tội (Rm 8:10; 1 Cr 15:56), chính tội gây ra cái chết, và cái chết là thất bại khủng khiếp nhất của nhân loại.
Cuộc đời cần sống theo chiều sâu, không cần sống theo chiều dài. Có những cuộc đời ngắn ngủi mà vẫn “sống dài”. Chẳng hạn, Thánh Đa-minh Saviô, Thánh Teresa Hài Đồng, Thánh Goretti, Chân phước Anrê Phú Yên,… Các thánh cũng là những người mang “kiếp hoa” (*) và chịu đựng đủ thứ đau khổ, bị hàm oan, bị ngờ vực, bị xa lánh, bị ghen ghét,… nhưng các ngài “bỏ ngoài tai” và vui chịu vì Danh Đức Giêsu Kitô, để rồi giờ đây, những đóa hoa Phù Dung ấy đã trở thành những đóa hoa Bất Tử: “Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15:53).
Ba Giáo hội (khải hoàn, chiến đấu và đau khổ) luôn có liên hệ mật thiết với nhau. Mối liên hệ đó được thể hiện bằng Đức Tin – thực sự và chắc chắn chứ không mơ hồ. Thiên Chúa quá đỗi nhân từ: Những người chết không còn làm được gì để “cứu vãn tình thế” của mình, nhưng họ vẫn được hưởng nhờ công đức của người sống. Thật kỳ diệu! Và đó là động thái tâm linh chúng ta thể hiện hằng ngày, đặc biệt trong Tháng Mười Một. Các linh hồn nơi Luyện Hình chắc chắn sẽ vào Nước Trời, vấn đề chỉ còn là thời gian. Vâng, các linh hồn ấy là thánh.
Mối liên hệ giữa người sống và người chết cũng được người ngoại giáo cảm thấy. Thật vậy, dù không là Kitô hữu, cố Ns Trịnh Công Sơn cũng đã “cảm nghiệm” khác thường so với người khác: “Người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi” (Nối Vòng Tay Lớn). Vâng, người sống và người chết vẫn liên hệ mật thiết với nhau bằng “sợi dây” tâm linh.
Chân phước Mẹ Teresa Calcutta đã đưa ra một chuỗi kết quả của các hoạt động rất lô-gích:“Kết quả của Im lặng là Cầu Nguyện, kết quả của Cầu Nguyện là Đức Tin, kết quả của Đức tin là Tình Yêu, kết quả của Tình Yêu là Phục Vụ, kết quả của Phục Vụ là Bình An”. Và đó chính là chuỗi hoạt động chúng ta cần làm và phải làm như điều kiện ắt có và đủ, thực hiện để có lợi cho chính mình và các linh hồn.
Tháng Cầu Hồn, nói chuyện sinh – tử, liên quan việc vào Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói rạch ròi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 20:16). Vậy những ai KHÔNG ĐƯỢC vào Nước Trời? Chúng ta cùng “điểm lại” một số câu Kinh Thánh đề cập vấn đề này:
– Không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì chẳng được vào Nước Trời (Mt 5:20), và những người vô dụng, không sinh lời (Mt 25:14-30; Lc 19:12-27).
– Chàng rể nói với những người không tỉnh thức: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25:12).
– Đức Vua nói với những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:41-43).
– Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (1 Cr 6:9-10).
– Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Ep 5:5-6).
– Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (Gl 5:13, 19-21).
– Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được (1 Cr 15:50).
– Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài (Kh 22:15).
Thật đáng sợ! Bạn có tin không? Baudelaire nói: “Mánh lới xảo quyệt nhất của ma quỷ là thuyết phục bạn rằng nó không hiện hữu”. Hy vọng không ai trong chúng ta ở trong số người đó!
Để vào được Nước Trời, người ta phải là “nhà vô địch” về Điều Thiện, cố gắng tránh bất cứ “ngã rẽ” nào KHÔNG đi về phía Thiên Quốc, vì Chúa Giêsu đã xác định về sự hiện hữu của Hỏa ngục, Vương quốc của Ma Quỷ. Thật vậy, Kinh Thánh đề cập Hỏa Ngục 90 lần, nhiều hơn nói về Nước Trời. Thật vô phúc nếu người nào phủ nhận sự hiện hữu của Hỏa Ngục: “Đến ngày tận thế, các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”(Mt 13:49-50).
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51:3-6). Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài (Tv 130:1-4).
Xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời. Xin cho chúng con cũng chắc chắn được trở thành công dân Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Viễn Dzu Tử
Mùa Cầu Hồn 2014