Kiện toàn (14.3.2012 – Thứ tư Tuần 3 Mùa Chay)

51

Kiện toàn

(14.3.2012 – Thứ tư Tuần 3 Mùa Chay)

” Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của ngài mà các môn đệ đã nghe.”

 

Nghe bài cầu nguyện : Thứ Tư tuần 3 Mùa Chay 

Lời Chúa : Mt 5,17-19

 17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. 

 Suy niệm

Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do-thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do-thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do-thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.

Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).

Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.