TIN TỨC Tin Giáo hội Kiến tạo hoà bình đòi hỏi lòng can đảm nhiều hơn là...

Kiến tạo hoà bình đòi hỏi lòng can đảm nhiều hơn là chiến tranh

“Kiến tạo hoà bình đòi hỏi lòng can đảm nhiều hơn là chiến tranh. Can đảm “nói ‘có’ với gặp gỡ và nói ‘không’ với xung đột; nói ‘có’ với đối thoại và nói ‘không’ với bạo lực; nói ‘có’ với đàm phán và nói ‘không’ với thù hận…”

 

WHĐ (10.06.2014) – “Kiến tạo hoà bình đòi hỏi lòng can đảm nhiều hơn là chiến tranh. Can đảm “nói ‘có’ với gặp gỡ và nói ‘không’ với xung đột; nói ‘có’ với đối thoại và nói ‘không’ với bạo lực; nói ‘có’ với đàm phán và nói ‘không’ với thù hận; nói ‘có’ với việc tôn trọng những thỏa thuận và nói ‘không’ với các hành vi khiêu khích; nói ‘có’ với sự chân thành và nói ‘không’ với sự lừa dối”.

Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định như trên khi ngỏ lời với các vị khách vào tối Chúa nhật 08-06, ngày gặp gỡ-cầu nguyện cho hoà bình.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong khung cảnh yên tĩnh của Vườn Vatican, hai tuần sau khi Đức giáo hoàng đề nghị dùng nhà mình làm nơi gặp gỡ cầu nguyện với Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas – trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Sau đó, trong Thánh lễ sáng Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đức giáo hoàng đã nói “một Giáo hội không có khả năng gây ngạc nhiên… là một Giáo hội đang chết”.

Khi hoàng hôn xuống dần trên mái vòm Đền thờ Thánh Phêrô, các cộng đồng Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo đã lần lượt cử hành phần cầu nguyện của mình theo truyền thống riêng. Họ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Tạo thành, xin ơn tha thứ và khẩn cầu ơn hoà bình.

Tham dự buổi gặp gỡ-cầu nguyện có các rabbi Do Thái thuộc nhiều truyền thống, các imam và mufti Hồi giáo và Druze, các hồng y và giám mục, cha Giám hạt Hạt Dòng Phanxicô Thánh Địa Pierbattista Pizzaballa. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Thượng phụ Hy Lạp chính thống Jerusalem Theophilos III, và hai người bạn lâu năm của Đức giáo hoàng ở Buenos Aires là Rabbi Abram Skorka và nhà lãnh đạo Hồi giáo Omar Abboud.

Đức giáo hoàng Phanxicô nói: Chúng ta “kêu cầu Thiên Chúa với trách nhiệm cao cả trước lương tâm chúng ta và trước dân tộc chúng ta. Chúng ta không thể đem lại hoà bình bằng sức riêng mình, và đó là lý do tại sao chúng ta đang ở đây – bởi vì chúng ta biết và chúng ta tin rằng chúng ta cần có Thiên Chúa trợ giúp”.

“Chúng ta đã nghe thấy lời mời gọi, và chúng ta phải đáp lời. Lời mởi gọi đập tan vòng xoáy của bạo lực và hận thù, và đập tan nó chỉ bằng một từ: “anh em”. Nhưng để có thể thốt ra từ này, chúng ta phải ngước mắt lên trời và nhìn nhận chúng ta đều là con cái của cùng một Cha”.

Tổng thống Israel Shimon Peres nói: “Đem lại hoà bình cho con cái chúng ta là điều nằm trong quyền hạn của chúng ta. Đây là nghĩa vụ của chúng ta, là sứ mệnh thiêng liêng của các bậc cha mẹ”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cầu xin Thiên Chúa mang lại một “nền hoà bình toàn diện và công bằng” cho khu vực. Ông cũng nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II: “Nếu Jerusalem có hoà bình, cả thế giới sẽ có hoà bình”.

 

Đã có nhiều lời cầu nguyện cho hoà bình ở Trung Đông, nhưng chưa từng có lời cầu nguyện nào như thế. Đức Thượng phụ Bartholomaios I đứng cạnh Đức giáo hoàng trong suốt buổi cầu nguyện – cũng như ngài đã cùng đi với Đức giáo hoàng trong cuộc hành hương tại Thánh Địa. Cũng cần nhắc lại rằng sự hiệp nhất Kitô giáo là chìa khóa cho hoà bình tại miền Đất nơi Chúa Kitô đã sinh ra.

Và nơi đó, trong góc Vườn Vatican, có bốn người: một người Do Thái, hai người Kitô hữu và một người Hồi giáo, đã cùng nhau trồng một cây ô liu như một biểu tượng bền vững của mong muốn hoà bình giữa hai dân tộc Israel và Palestine.

(Vatican Radio)

Minh Đức

Exit mobile version