Kích thước trái tim chúng ta

205

Ronald Rolheiser, 2011-06-26

Nhìn chung và đặc biệt là các nhà bình luận tôn giáo thường mô tả trái tim con người là nhỏ nhen, hẹp hòi và nhỏ mọn: Chúng ta hẹp hòi và nhỏ mọn biết bao!

 Tôi thấy điều này thật đáng buồn bởi vì các nhà tư tưởng tôn giáo đặc biệt cần phải hiểu biết hơn. Không phải chúng ta được Chúa tạo ra và đặt lên trái đất này với trái tim nhỏ nhen, hẹp hòi và nhỏ mọn. Ngược lại mới đúng. Chúa đưa chúng ta tới thế gian này với những trái tim rộng lớn, những trái tim sâu như thung lũng Grand Canyon. Trái tim con người trong tự thân, khi không bị sợ hãi, tổn thương và hoang tưởng khóa chặt, chính là phản đề của nhỏ mọn. Trái tim con người, như thánh Âu-Tinh mô tả, được lấp đầy không bằng cái gì khác hơn là chính sự vô hạn của nó. Trái tim con người không có gì là nhỏ nhen.

Nhưng như vậy thì tại sao chúng ta lại quá thường xuyên thấy mình quan hệ với nhau, với thế giới này, và với Chúa thực ra bằng trái tim nhỏ nhen, hẹp hòi và nhỏ mọn?

Vấn đề không phải là kích thước hay những động cơ tự nhiên của trái tim con người, mà là những gì trái tim có khuynh hướng làm khi nó bị tổn thương, sợ hãi, bị coi khinh, hoang tưởng hay tự huyễn hoặc bởi lòng tham và tính ích kỷ. Lúc đó nó đóng chặt lại trước chiều sâu và sự cao cả của chính mình, trở nên hẹp hòi, nhỏ mọn, sợ hãi và ích kỷ. Nhưng hành vi đó là bất bình thường, không phải trái tim con người ở trạng thái bình thường cũng không phải ở trạng thái tốt đẹp nhất. Ở mức bình thường và tốt đẹp nhất, trái tim con người là rộng lớn, hào hiệp, cao cả và biết hy sinh.

Các tổ phụ xa xưa có một cách biểu đạt đơn giản về cuộc vật lộn của chúng ta ở đây. Họ dạy rằng mỗi người trong chúng ta đều có hai trái tim, hai linh hồn:

Trong mỗi con người, họ khẳng định, đều có một trái tim nhỏ nhen, nhỏ mọn, một pusilla anima. Đây là trái tim mà chúng ta vận hành theo khi cảm thấy bị tổn thương và ngăn cách với những người khác. Đây là trái tim mà trong đó chúng ta bị khó chịu và giận dữ kinh niên, trái tim trong đó chúng ta cảm thấy cuộc đời bất công, trái tim trong đó chúng ta coi những người khác như là mối đe dọa, trái tim trong đó chúng ta cảm thấy ganh tỵ và chua chát, và trái tim trong đó lòng tham, sự thèm khát và lòng ích kỷ đã đột nhập vào. Đó cũng là trái tim muốn tự tách ra khỏi và đứng lên trên những trái tim khác. Và đó là trái tim thường xuyên bị những nhà tư tưởng tôn giáo nói đến nhất khi họ mô tả bản chất con người là nhỏ mọn và tầm thường.

Nhưng các tổ phụ cũng dạy rằng trong mỗi con người chúng ta cũng có một trái tim khác, một magna anima, một trái tim cao cả, sâu sắc, rộng lớn, hào hiệp và cao thượng. Đây là trái tim mà từ đó chúng ta vận hành theo khi chúng ta ở mức tốt đẹp nhất. Đây là trái tim mà trong đó chúng ta thấy thấu cảm và trắc ẩn. Đây là trái tim trong đó chúng ta cháy rực những lý tưởng cao thượng. Đây là trái tim nơi chúng ta bắt đầu cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đức tin và hy vọng, và có thể vươn ra tới người khác với lòng từ và tha thứ.

Vì vậy vào một ngày nào đó, vào một thời điểm nào đó, chúng ta có thể cảm thấy giống như Mẹ Tê-rê-xa hay giống một tên khủng bố cay đắng. Chúng ta có thể cảm thấy sẵn lòng hy sinh tính mạng mình vì đạo hoặc cảm thấy sẵn sàng phạm tội. Chúng ta cảm thấy giống hiệp sĩ Đông Ki-sốt cao thượng, cháy rực lý tưởng, hoặc cảm thấy giống như một người yếm thế tuyệt vọng, bằng lòng với bất cứ thứ gì bù đắp và lạc thú ngắn hạn mà cuộc sống có thể ban cho hơn là tin vào những khả năng sâu sắc hơn, hiến dâng tính mạng hơn cho bản thân và người khác. Mọi thứ đều tùy thuộc chúng ta được nối với trái tim nào vào một thời điểm nào đó.

Nếu điều này đúng thì lời mời gọi của chúng ta đối với người khác khi hướng tới trái tim cao thượng sẽ hiệu quả nhất, thay vì nhấn mạnh lỗi lầm và sự hẹp hòi của họ, chúng ta mời họ cố gắng tiếp cận những gì tốt nhất, cao cả nhất, trong chính bản thân họ.

Và điều này không phải là một biến thể đơn giản của chân lý hiển nhiên rằng với mật, bạn sẽ thu hút nhiều ong đến hơn là với dấm. Đó là một biến thể của các động lực của lòng ăn năn và chữa lành mà nhà huyền thuật vĩ đại, Gio-an Thánh giá, đã mô tả. Đối với ông, cách hiệu quả nhất hướng tới chữa lành không phải là tập trung vào các lĩnh vực luân lý và thiêng liêng mà chúng ta đặc biệt vật lộn trong đó. Đối với ông, chúng ta chữa lành, lớn lên và cuối cùng làm “chai cứng” các lỗi lầm của mình bằng cách quạt bùng lên ngọn lửa của những gì là đức hạnh, tốt đẹp nhất trong chúng ta. Khi chúng ta thổi bùng lên đức hạnh của mình, những ngọn lửa này cuối cùng sẽ đốt sạch lòng ích kỷ và vết thương của chúng ta. Đức hạnh của chúng ta, khi được thổi bùng thành ngọn lửa, sẽ không chừa lại chỗ nào cho sự tầm thường và nhỏ nhen trong lòng mình. Thổi bùng những gì cao đẹp nhất trong chúng ta cuối cùng sẽ đưa chúng ta ngày càng tiến gần hơn chỗ sống theo trái tim rộng lớn của mình hơn là trái tim nhỏ hẹp.

Không phải mọi thứ đều có thể sửa chữa hay chữa lành, nhưng nó cần được định danh chính xác. Không ở nơi nào điều này quan trọng hơn ở cách chúng ta định danh cả kích thước lẫn những cuộc vật lộn của trái tim con người. Chúng ta không phải là những linh hồn nhỏ mọn thỉnh thoảng làm những chuyện cao cả. Đúng hơn, chúng ta là những linh hồn cao cả mà, buồn thay, thỉnh thoảng làm những chuyện nhỏ mọn.

J.B. Thái Hòa dịch