Khủng hoảng đời sống vợ chồng: nguyên nhân và cách giải quyết

115

Có thể nói, bất kỳ đôi vợ chồng nào trong đời sống hôn nhân của mình cũng sẽ có lúc phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào đó khiến cho họ nhiều lúc cảm thấy thất vọng về nhau và mất niềm tin vào cuộc sống chung vợ chồng.

Dựa trên thực tế, người ta thấy rằng những giai đoạn khủng hoảng có khi đến rất sớm, chỉ sau một vài năm sau hôn phối. Có những cuộc khủng hoảng xảy ra cách nặng nề vào lứa tuổi trung niên. Ngay cả đến những đôi vợ chồng đã bước vào giai đoạn “cưới vàng” rồi nhưng vẫn có thể gặp khủng hoảng trầm trọng. Thỉnh thoảng trên báo chí người ta có nói đến những trường hợp cụ ông cụ bà đã ngoài 80 mà vẫn muốn ly thân hay đưa đơn ra tòa xin ly hôn ly dị chỉ vì những lý do bất hòa bất đồng nào đó…

Tác giả cuốn sách “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, ngay trong lời giới thiệu đã đưa ra những nhận xét như sau:

“Khi một đôi nam nữ gặp nhau, tình yêu có thể đến như sét đánh, nhưng cũng có thể sau một thời gian dài tìm hiểu, và ít nhiều thì các bạn cũng tự trang bị cho mình những kỹ năng để chinh phục nửa kia của mình. Không những thế, các bạn còn hăng hái ‘nâng cấp’ từ bên trong đến bên ngoài để đi đến thành quả cuối cùng: Một đám cưới!

“Sau cuộc ‘trường chinh’ vất vả ấy, cả hai trải qua thời kỳ trăng mật, hạnh phúc, vui vẻ bên nhau để rồi sau đó dần bộc lộ ra hầu hết bản chất thực của mình, từ những phẩm chất tốt cho đến những hạn chế và cả những thói quen bê bối trong cuộc sống, với quan niệm bây giờ ‘ván đã đóng thuyền, chim đã vào lồng’ thì mình cứ tự nhiên như ‘ở nhà’ vậy! Điều đó không sai, chúng ta phải sống với con người thực của mình, nhưng điều đó cũng có thể đem lại những thách thức cho cuộc sống vợ chồng, vì đó là điều mà không phải bạn đời nào cũng có thể chấp nhận hay thông cảm được…” [1]

Những thách thức căn bản và nặng nề nhất đối với đôi bạn vẫn là phải sống chung lâu dài với một người bạn đời khác phái, khác biệt với mình mọi đàng, với đủ mọi thứ tính hư tật xấu, là điều mà không người nào trong cuộc có thể tiên liệu trước được. Chính vì vậy mà có người đã nhận định rằng: “Chết vì người yêu còn dễ chịu hơn là sống chung với người ấy”. Có người còn nói chua chát thế này: “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder). Hay như tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”.

Thực tế đã cho thấy rằng: “Cứ sau 7 năm hoặc cùng lắm 10 năm thành hôn với nhau, thế nào vợ chồng cũng gặp khủng hoảng. Cái căn rễ của sự khoảng ấy là sự kiện rất thông thường, đó chính là sau một thời gian chung sống với nhau – cảm nghiệm và tận hưởng tất cả những cái mới mẻ của đời sống hôn nhân. Giờ đây cả hai phải đối đầu với cái thực tế đơn điệu được lập đi, lập lại mỗi ngày, cộng thêm vào đó là những khó khăn mới trong cuộc sống.

“Lại nữa, sau một thời gian chung sống với nhau, hai người mỗi lúc, mỗi khám phá ra những khuyết điểm của nhau, điều đó cũng góp phần gia tăng bầu khí bất mãn và khó chịu của cả hai người. Một số nhà chuyên môn trong lãnh vực này cho rằng: cơn khủng hoảng này có thể có một hậu quả tiêu cực do những phiêu lưu tình cảm thường xảy ra ở khoảng 40-50 tuổi.

“Trong giai đoạn này, những ai phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống hoặc những thử thách trong đời sống hôn nhân, thường rơi vào hai tâm trạng đối nghịch nhau: hoặc là họ cảm thấy không còn đủ trẻ trung để bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm mới, hoặc là họ cảm thấy chưa đến nỗi già để giam mình vào bốn bức tường của gia đình và những đòi hỏi luân lý của nó.” [2]

Sự khủng hoảng trong đời sống vợ chồng được xem là điều tất nhiên và không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm sao chúng ta sớm phát hiện ra những dấu hiệu cụ thể của khủng hoảng, từ đó sẽ tìm ra được những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng ấy đồng thời tìm cách thoát ra khỏi các cơn khủng hoảng nhằm đạt được đời sống chung hạnh phúc lâu dài.

I.- NHẬN DIỆN NHỮNG DẤU HIỆU CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG TRONG HÔN NHÂN.

Trước hết, ta đặt câu hỏi “Khủng hoảng hôn nhân là gì?”. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Khủng hoảng hậu hôn nhân là hiện tượng xảy ra sau đám cưới, khi mà cả hai người đều nhận ra những khiếm khuyết của nhau nên dẫn đến thất vọng về nhau. Đây là hiện tượng hầu như xảy ra cho mọi cặp vợ chồng, nhưng mức độ có khác nhau. Và Nguyên nhân chính là trong quá trình yêu nhau các cặp tình nhân không chịu tìm hiểu về con người thật của nhau. Họ quá chú tâm đến yếu tố lãng mạn không nghĩ đến cuộc sống thực tế. Chính sự lãng mạn đã làm cho họ mù quáng và dẫn đến ngộ nhận. [3]

Chúng ta có thể so sánh khủng hoảng hôn nhân như một căn bệnh thể lý nào đó. Nếu bệnh được báo hiệu bởi các triệu chứng điển hình của nó, thì khủng hoảng hôn nhân cũng có những dấu hiệu đặc trưng, khi thì rõ ràng, hiển hiện, nhưng cũng có lúc tiềm ẩn, không tỏ lộ. Người ta nhấn mạnh rằng, nếu ta phát hiện sớm các “triệu chứng” của khủng hoảng vợ chồng, thì sẽ có cơ may cứu vãn cho cuộc hôn nhân của mình khỏi rơi xuống vực thẳm, hồi sinh lại tình cảm vợ chồng.

Dựa vào kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể đưa ra những dấu hiệu nổi bật sau đây liên quan cuộc khủng hoảng trong đời sống vợ chồng.

1.1. Chiến tranh “lạnh” âm ỉ kéo dài

Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của khủng hoảng hôn nhân, đó là giữa hai vợ chồng thường xảy ra những hình thái “chiến tranh lạnh” âm ỉ và dai dẳng từ ngày này qua ngày khác. Sở dĩ ta nói “chiến tranh lạnh” là vì bề ngoài xem ra không có gì là “bùng nổ”, khó ai nhận ra đó là cái cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà hai vợ chồng đang phải chịu đựng dài ngày. Có những cặp vợ chồng không lớn tiếng với nhau, vẫn gặp nhau, vẫn việc ai nấy làm, vẫn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường…nhưng thái độ cư xử thì lạnh lùng và tương quan với nhau thì như người xa lạ.

Các nhà nghiên cứu về hôn nhân cho rằng, vô cảm, lạnh nhạt là kẻ thù số một của tình yêu. Khi hai vợ chồng không còn gì để nói với nhau nữa, lúc đó cuộc sống chung trở nên tẻ nhạt, đơn điệu và buồn chán. Nhiều ông chồng bỏ nhà ra đi tìm đến những chốn đông vui với bạn bè. Nhiều bà vợ chấp nhận cô độc trong cảnh “cửa đóng then cài” để làm bạn với cái điện thoại thông minh. Ngôi nhà không còn là “mái ấm” nữa mà giờ đây trở nên một không gian giá lạnh, buồn tẻ.

Vừa qua, trên chuyên mục Đời Sống trang vnexpress.net có đăng bài tựa là “Khi vợ chồng chỉ nói với nhau 10 câu mỗi ngày” trong đó tác giả chia sẻ như sau:

“Cách đây không lâu, câu hỏi ‘Hạnh phúc ở đâu khi vợ chồng chỉ nói với nhau 10 câu mỗi ngày?’ đã mở ra một cuộc tranh luận trên trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc. Chỉ trong hai giờ, số lượt xem và trả lời lên tới 1,8 triệu. Nhiều người nói rằng, hôn nhân của họ đúng là đang ở thời điểm ‘10 câu cũng chẳng đến’, trong khi người khác kể: ‘Có 24 giờ mỗi ngày. Chúng tôi ngủ quay lưng vào nhau. Khi tôi thức dậy anh ấy đã ra ngoài. Chúng tôi chỉ là những người xa lạ nhưng cùng nằm chung giường’.

“Nhiều cặp vợ chồng ở trong tình trạng không nói chuyện nhưng cũng không ly hôn. Không cãi vã, không gian dối nhưng cũng không cảm nhận được hạnh phúc.

“Có nhiều người cho rằng do số họ lận đận, có người đổ cho sự mâu thuẫn, cãi vã. Thực chất có nhiều cuộc hôn nhân nhìn bên ngoài không chê vào đâu được, rất hoàn hảo và hạnh phúc, nhưng thực chất bên trong đã ‘mục ruỗng’ từ lâu. Từ tình cảm sâu đậm đến thờ ơ, nhiều cuộc hôn nhân tưởng như ổn thỏa nhưng đã mắc phải căn bệnh ‘Chứng mất ngôn ngữ trong hôn nhân’. Nói một cách đơn giản, cuộc hôn nhân này đang nằm trong giai đoạn ‘Không nói chuyện. Không cãi vã. Không gian dối. Không ly hôn nhưng cũng không hề có hạnh phúc’.” [4]

Rebecca Hendrix, một chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình tại New York đã khẳng định rằng: “Tôi hiểu rằng một mối quan hệ đã đi đến hồi kết khi sự thờ ơ, thiếu quan tâm và cảm xúc trống rỗng tràn ngập trong gia đình. Một người có thể nghĩ tranh cãi mới là dấu hiệu của kết thúc, nhưng với tôi, tranh luận vẫn còn tốt hơn thờ ơ. Nó chứng tỏ rằng người ta vẫn còn đang quan tâm đến nhau đủ để kết nối. Trong lúc cãi vã, người ta có thể không bao giờ muốn nhìn mặt vợ/chồng, nhưng dù sao vẫn còn có sự kết nối (dù là thông qua giận dữ). Nhưng khi trong mối quan hệ không còn chút cảm xúc nào, đó là khởi đầu của kết thúc”.

1.2. Bất đồng những chuyện nhỏ nhặt:

Việc vợ chồng thỉnh thoảng bất đồng với nhau chuyện này chuyện kia là bình thường, nhưng chuyện gì cũng trở thành mối bất đồng thì quả là bất ổn. Họ đang ở trong giai đoạn khủng hoảng vì nguy cơ tan vỡ thành chuyện lớn đang rình rập. Người ta thường nói, “Lỗ nhỏ đắm thuyền” để chứng mình rằng đừng coi thường “chuyện nhỏ”, đó sẽ là nguyên nhân gây ra “chuyện lớn”. Do đó, một danh nhân đã nhắc nhở thế này: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson).

Lawrence Siegel, chuyên gia tình dục học đã nói thế này: “Khi những cặp đôi có xu hướng cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt, ví dụ như là treo khăn tắm như thế nào mới đúng, nên bóp kem đánh răng ra từ đáy hay từ đầu tuýp kem vv. thì hôn nhân của họ khó mà tồn tại lâu. Vào lúc này, thường xuyên có những xung đột về hành vi xảy ra, khiến cặp đôi bị đẩy xa nhau. Những sự không hài lòng đã quá nhiều và gây khó khăn cho quá trình kết nối trở lại”.

Người ta nhận thấy rằng, vợ chồng mà cứ kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt” hay “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sớm muộn gì cũng sẽ đi đến một kết cục đáng buồn. Cuộc khủng hoảng trong đời sống vợ chồng luôn bắt đầu từ những bất đồng nhỏ nhặt, nếu ta không phát hiện sớm và giải quyết ngay thì sẽ có lúc trở thành tai họa đáng tiếc.

1.3. Tranh cãi không có hồi kết

Người ta cho rằng trong đời sống vợ chồng, thay vì im lặng một cách chịu đựng, nặng nề và tiêu cực thì hai vợ chồng nên thẳng thắn tranh luận với nhau, thay vì tranh cãi. Mà nếu có cãi nhau thì cũng chỉ nên vì mục đích hôn nhân của hai người chứ không phải để thắng thua hay đàn áp nhau.

Ở đây, ta không nói đến những cuộc tranh luận bình thường giữa hai bạn đời, nhưng là bàn đến những vụ tranh cãi liên miên, không hồi kết. Đó được coi như là một cuộc khủng hoảng thật sự giữa hai bạn. Khi tranh cãi mà không tìm ra lối thoát tích cực, chứng tỏ hai vợ chồng không còn chung một chí hướng, một quan điểm nữa mà hoàn toàn đứng về phía đối nghịch nhau. Người xưa nói “Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, nhưng trong trường hợp này ngay cả một chỗ lệch cũng không thể điều chỉnh cho cân bằng!

Sự tranh cãi, hờn giận, xung đột luôn xảy ra trong các giai đoạn khủng hoảng vợ chồng và nếu không ngăn chặn kịp thời có thể sẽ là tiền đề cho các cuộc chia tay sau này.

1.4. Nghi ngờ trong mọi chuyện

Một trong các dấu hiệu nổi bật nhất trong khủng hoảng vợ chồng, đó là đôi bạn mất dần niềm tin vào nhau. Dường như họ nghi ngờ nhau trong mọi chuyện, từ chuyện chi tiêu quản lý tiền bạc đến chuyện đi sớm về khuya, từ chuyện nhắn tin hay điện thoại với người lạ đến chuyện giao lưu bạn bè bên ngoài vv.

Một khi sự nghi ngờ bén rễ sâu trong tương quan vợ chồng thì cuộc sống chung không còn thoải mái, dễ chịu nữa. Người ta luôn cảm thấy những chuỗi ngày sống bên nhau thật nặng nề, u ám. Khi người này soi mói người kia thì họ sẽ phản ứng bằng cách đóng kín cõi lòng lại và sẽ không muốn sống thật với nhau nữa. Con người lúc đó trở nên giả dối, đóng kịch hơn là cảm thông, cởi mở với nhau.

Một danh nhân đã khẳng định rằng “Chỉ tình yêu mãnh liệt mới có thể xua tan những hiểu lầm vụn vặt nảy sinh trong cuộc sống chung” (Theodore Dreiser). Khi hai vợ chồng cứ nghi ngờ, hiểu lầm nhau mà không tìm cách đối thoại với nhau đề giải tỏa những khúc mắc, lúc đó tình yêu của họ sẽ bị đe dọa nặng nề và dường như cuộc hôn nhân có dấu hiệu đang ở bên bờ vực thẳm tan vỡ.

1.5. Thờ ơ chuyện chăn gối

Sự khủng hoảng về đời sống chăn gối và sinh hoạt tình dục vợ chồng thường diễn ra một cách âm thầm, kín đáo bởi vì những chuyện ấy thuộc phạm vi “phòng the”. Nhưng theo các nhà chuyên môn về tâm sinh lý vợ chồng đều quả quyết rằng đây là một điều cần lưu ý đặc biệt để giúp các đôi vợ chồng vượt qua cuộc khủng hoảng của họ.

Ian Kerner, giáo sư, chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình đã cho biết: “Là một nhà trị liệu hôn nhân và trị liệu tình dục, tôi khẳng định rằng các cặp đôi sẽ đối mặt với sự tan vỡ nếu có khoảng cách không thể lấp đầy về nhu cầu tình dục. Khi một người cảm thấy mệt mỏi vì phải từ chối còn người kia thì ham muốn quá dồi dào, đó là một công thức để chia ly. Tôi đã chứng kiến nhiều cặp đôi đường ai nấy đi vì ham muốn không tương đồng”.

Thêm vào đó, Bác sĩ y khoa Stephen Snyder, một chuyên gia trị liệu về tình dục và quan hệ vợ chồng cũng đã nói: “Nếu bạn thường xuyên cảm thấy không hạnh phúc trong chuyện chăn gối, đó là một dấu hiệu tồi tệ. Cảm xúc tình dục là rất trung thực, tình dục và sự tự trọng gắn liền với nhau. Thật khó để thực sự hạnh phúc nếu cả hai vợ chồng đều cảm thấy gượng gạo trong quan hệ tình dục”.

Như vậy, có thể nói những trục trặc thầm kín về chuyện chăn gối trong đời sống vợ chồng là dấu chỉ một cuộc khủng hoảng đích thực có thể đang đe dọa sự bền vững của hôn nhân nếu không kịp thời tìm cách “chữa trị” căn bệnh bất hòa hợp tình dục đó của hai vợ chồng.

II.- NGUYÊN NHÂN GÂY RA KHỦNG HOẢNG TRONG HÔN NHÂN

Như trên đã nói, những giai đoạn khủng hoảng trong hôn nhân là chuyện có thể xảy ra với bất kỳ đôi vợ chồng nào, chỉ có điều khác nhau ở mức độ, thời gian và cách giải quyết khủng hoảng mà thôi. Tuy nhiên có một điều chúng ta cần lưu ý là không phải bỗng dưng mà đôi bạn rơi vào khủng hoảng, mà nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nguyên nhân tâm lý cũng như sinh lý v.v… Ở đây chúng ta sẽ đề cập đến một số nguyên nhân chính dễ gây ra khủng hoảng trong đời sống vợ chồng.

2.1. Sự vỡ mộng về tình yêu và hôn nhân

Nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta nói đến, đó là sự vỡ mộng của các cặp đôi thời kỳ hậu hôn nhân. Vỡ mộng là bởi vì thực tế của đời sống chung vợ chồng diễn ra không như họ nghĩ. Không có cái cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà ngược lại nhiều khi, “Hôn nhân giống như cái lồng chim, con ở trong thì muốn bay ra, còn con ở ngoài thì muốn bay vào” (Montaigne). Hay có câu: “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau” (Poppée).

Những người trẻ, khi lập gia đình thì chỉ nghĩ đến màu hồng của tình yêu, đến sự lãng mạn của cảm xúc, đến sự hưng phấn của tình dục, mà bỏ qua thực tế của đời sống hôn nhân. Hôn nhân là một công trình phải kiến tạo dài ngày, nó đòi hỏi phải hy sinh, vất vả, công sức để chu toàn trách nhiệm vai trò vợ và chồng trong mái ấm gia đình. Người ta đã ví hôn nhân như là một bãi chiến trường chứ không phải là một luống hồng.

Nhiều bạn không được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời kỳ tiền hôn nhân để có đủ nhận thức và kỹ năng đón nhận đời sống gia đình sau này, nên đã hoàn toàn bất ngờ trước thực tế ngoài mong đợi. Do đó họ rơi vào cơn khủng hoảng thật sự. Tác giả  D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” đã nêu ra nhận xét như sau:

“Nguyên do đưa đến khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là vì một hoặc cả hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Nhiều người không hiểu rõ hoặc không được giáo dục đầy đủ về những nghĩa vụ và trách nhiệm của đời sống vợ chồng cũng như những khía cạnh tâm sinh lý và luân lý của đời sống chung. Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng mà chưa đủ trưởng thành, do đó, cũng chưa đủ ý thức về những trách vụ mới của đời sống hôn nhân. Hôn nhân phải là một giao ước được ký kết giữa hai người có tự do. Để có tự do thực sự, con người cần phải hiểu rõ mục đích việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm ấy. Có hiểu biết như thế, con người mới thực sự là người trưởng thành.” [5]

2.2. Đôi bạn chưa trưởng thành

Một khi đôi bạn chưa thực sự trưởng thành trong tình yêu và hôn nhân thì điều đó sẽ kéo theo hệ lụy là cả hai đều không đủ độ “chín” để có đủ sức gánh vác trách nhiệm làm cha làm mẹ, làm chồng làm vợ trong gia đình. Do đó mà ta thấy ngày nay xảy ra hiện tượng “Ly hôn xanh”, nghĩa là các đôi vợ chồng kết hôn sớm mà cũng kết thúc sớm. Đây là những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn.

Cũng xin nói thêm là sự trưởng thành trong tình yêu không hẳn dựa vào tiêu chuẩn tuổi tác, già trẻ, nhưng là căn cứ trên sự chín chắn về mặt tâm lý và sự quân bình trong suy nghĩ, phán đoán. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều bi kịch trong đời sống vợ chồng chỉ vì người ta yêu theo đam mê mà quên trách nhiệm, yêu một cách mù quáng và ích kỷ, yêu liều lĩnh không nghĩ đến hậu quả tai hại có thể xảy ra, yêu mà chỉ đòi hỏi hơn là trao ban. Những người ấu trĩ thì sẽ yêu theo kiểu ấu trĩ, yêu tùy hứng, theo cảm tính “sáng nắng chiều mưa!”, lúc thì sôi nổi lúc thì lạnh nhạt. Khi thích thì họ làm vui lòng còn khi không thích thì họ ghét bỏ. Cái nhìn của những người ấu trĩ về tình yêu và hôn nhân thường dựa trên tiêu chuẩn vật chất, trục lợi, thực dụng hơn là theo mục đích trong sáng, lành mạnh và nghiêm túc.

Nhiều trường hợp cho thấy rằng sau một thời gian lấy nhau, đôi bạn không còn giữ được tình yêu nồng ấm như thủa ban đầu nữa. Họ hoàn toàn thất vọng về nhau, về đời sống chung, về những bổn phận ràng buộc hai người với nhau. Cho đến khi, không còn gì để mất nữa, họ chia tay, đường ai nấy đi. Cuộc sống hôn nhân coi như chấm dứt. Đó là một sự thất bại hoàn toàn trong tình yêu và trong hôn nhân. Như câu ca dao thời hiện đại diễn tả sau đây: “Xin đừng nói chuyện trăm năm / Hai năm còn khó, trăm năm nghĩ gì”.

2.3. Thiếu tôn trọng nhau

Các chuyên gia về hôn nhân gia đình đều cho rằng sự thiếu tôn trọng nhau trong đời sống vợ chung luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng trong gia đình. Do cuộc sống chung đụng thường xuyên nên vợ chồng dễ tỏ ra nhàm chán nhau, lờn mặt nhau, khinh thường nhau. Điều này dễ thấy trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày giữa hai vợ chồng. Không phải đợi đến khi bạo hành bùng nổ mới chứng tỏ người này xúc phạm người kia, mà ngay trong đời sống thường nhật, từ lời ăn tiếng nói, đến những cử chỉ hành động, cũng cho thấy vợ chồng có tôn trọng, yêu kính nhau thực sự hay không.

Chúng ta biết rằng, một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị.

Ai cũng biết rằng để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại. Như một danh nhân có nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau (Elijah Fenton). Hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”.

Vì thế, một khi hai vợ chồng không còn “tương kính như tân” nữa thì điều đó có thể dự báo họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng mà nếu không giải quyết kịp thời, cuộc hôn nhân của đôi bạn này có nguy cơ đổ vỡ.

2.4. Không tìm được tiếng nói chung

Mặc dù vợ chồng là hai cá thể khác biệt nhau hoàn toàn, khác biệt về giới tính, tính cách, sở thích, lối sống, cách suy nghĩ, tập quá thói quen vv., nhưng không vì thế mà họ không thể sống hòa hợp với nhau được. Hòa hợp trong đời sống vợ chồng không có nghĩa là “hòa tan” nhưng là tìm cách thích nghi với nhau. Cuối cùng họ phải làm sao tìm được tiếng nói chung để cùng nhau hợp tác một cách thoải mái trong công việc chung gia đình. Như một danh nhân đã nhấn mạnh: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).

Có người đã nói thế này: “Nhiều cuộc hôn nhân thay vì cộng hai người lại với nhau, thì lại trừ người này khỏi người kia” (Ian Fleming). Điều này cho thấy một thực tế khá phổ biến, đó là đôi bạn không có tiếng nói chung, không thể và không muốn hợp tác với nhau. Nếu sự mất hòa hợp này kéo dài thì vợ chồng sẽ phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng không thể tránh được.

Trong cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, tác giả đã đưa ra 3 cái “cùng”: Cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nhau quyết định mọi việc trong gia đình. Tác giả đã phân tích như sau:

“Thật sai lầm khi người vợ ôm đồm hết mọi thứ và để người chồng đi làm về ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ nhất, vợ tập cho chồng thói quen ỷ lại, lười biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, vợ đang tự biến mình thành người giúp việc trong nhà, chứ không còn là vợ. Cuối cùng về lâu dài, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của vợ chồng đôi bạn. Hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ, và mọi trách nhiệm đều phải được phân công với nhau.

“Ngoài ra, là vợ chồng, đôi bạn nên trao đổi, thống nhất với nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều gia đình phần lớn mọi việc do chồng hay do vợ quyết định, người còn lại chỉ biết lắng nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế của nhau trong hôn nhân. Để hôn nhân bền vững và hạnh phúc, một nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất.” [6]

Khi hai vợ chồng lúc nào cũng ở thế đối kháng, đối lập nhau thay vì đồng thuận, đồng lòng thì điều đó sớm muộn gì cũng sẽ trở nên nguyên nhân gây khủng hoảng trầm trọng trong đời sống gia đình.

2.5. Vấn đề ngoại tình và ghen tuông

Khi đề cập đến nguyên nhân gây khủng hoảng, rạn nứt trong đời sống vợ chồng, chúng ta không thể không nói đến vấn đề ngoại tình và ghen tuông.

Ai cũng biết rằng ngoại tình là chuyện rất dễ xảy ra trong các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ, và phần lớn những cuộc ngoại tình bị phát giác đều có kết cục là ly hôn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn gần như là chắc chắn nhất. Bởi lẽ, khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, sự chung thủy là một trong những yếu tố được các bên coi trọng hàng đầu. Nhưng khi bị bạn đời lừa dối, nhiều người cảm thấy khó khăn khi phải tha thứ cho bạn đời.

Do đó, các chuyên gia về hôn nhân đều cho rằng điều sợ nhất trong hôn nhân là chuyện ngoại tình. Bất kể việc ngoại tình là cố ý hay vô ý, cũng sẽ tạo nên vết thương lòng khó xóa mờ với nửa kia, khiến tình cảm của vợ chồng rạn nứt. Hơn nữa, dù người sai có được tha thứ thì khả năng sửa sai cũng không cao lắm. Nhiều người nói, họ sẽ thay đổi, nhưng sau đó họ vẫn không tránh khỏi sai lầm. Một khi một trong hai người đã ngoại tình thì giống như bạn đã đặt một quả bom hẹn giờ vào cuộc hôn nhân của mình. Nó sẽ phát nổ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh chuyện ngoại tình, phải kể đến tính ghen tuông của hai vợ chồng. Trong tình yêu cũng như hôn nhân, ghen tuông được ví như một thứ gia vị. Nếu được nêm nếm vừa đủ, nó sẽ khiến cho đời sống hôn nhân của bạn hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, sự ghen tuông thái quá lại giống như một liều thuốc độc giết chết hôn nhân.

Tính chiếm hữu mạnh mẽ sẽ khiến cho một bên có xu hướng kiểm soát thái quá người bạn đời của mình. Thay vì tin tưởng, họ luôn nghi ngờ về mọi mối quan hệ và mọi hành động của đối phương. Khi đã mất niềm tin thì tình yêu cũng mất đi rất nhiều. Tính đa nghi của họ của thể khiến người bạn đời của mình tổn thương, mệt mỏi mà muốn ly hôn.

Cả hai vấn đề kể trên luôn là những “chuyện nóng” trong đời sống vợ chồng. Dù ở mức độ nhẹ hay nặng, nó cũng trở thành nguyên nhân khiến mối tương quan đôi bạn bị rạn nứt, thường xuyên đe dọa hạnh phúc và tình cảm vợ chồng, khiến cho bầu khí sống chung luôn căng thẳng và nặng nề khó chịu.

2.6. Không hòa hợp trong đời sống chăn gối

Theo các chuyên gia, chuyện không hòa hợp trong đời sống chăn gối giữa hai vợ chồng luôn là nguyên nhân lớn gây khủng hoảng và đổ vỡ trong hôn nhân.

Một tác giả đã viết thế này: “Không hòa hợp trong chuyện chăn gối là nguyên nhân dẫn đến ly hôn phổ biến. Tuy nhiên, nguyên nhân này ít được nhắc đến bởi khá tế nhị. Các cặp vợ chồng cũng ít khi hoặc không muốn chia sẻ với nhau về vấn đề này. Do không hiểu được suy nghĩ, mong muốn của đối phương mà chuyện chăn gối không được thỏa mãn. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc đòi hỏi phải có sự hòa hợp về mặt tinh thần và thể xác. Khi một trong hai hoặc cả hai người không đáp ứng được nhu cầu tự nhiên thì hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.” [7]

Các chuyên gia cho rằng, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ tổng hợp dựa trên nhiều chức năng, vai trò khác nhau giữa người vợ và người chồng trong cuộc sống. Trong đó, quan hệ tình dục là mối quan hệ đặc biệt. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam, tình dục là một trong những nét đặc thù của quan hệ vợ chồng. Nó chính là sợi dây gắn kết tình cảm của cả hai người, làm cho vợ chồng có thể hiểu nhau nhiều hơn, hạnh phúc hơn khi được thỏa mãn với bạn tình của mình.

Nếu như trong quan hệ vợ chồng, chuyện chăn gối mà không làm thỏa mãn cho bạn đời hoặc tình trạng lãnh cảm diễn ra trong thời gian dài sẽ gây cho cho họ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ gia đình cũng như tình cảm vợ chồng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 80% các cặp vợ chồng trên thế giới ly hôn do đời sống tình dục không hòa hợp. Họ không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ chăn gối nên dẫn đến tình trạng đường ai nấy đi chứ không phải vì lý do kinh tế khó khăn hay các vấn đề khác chỉ chiếm số ít trong những trường hợp ly hôn này. [8]

III.- MỘT VÀI CÁCH GIẢI QUYẾT CỤ THỂ

Sau khi đã nhận diện được các dấu hiệu của khủng hoảng trong hôn nhân, đồng thời phát hiện ra một số nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng vợ chồng, chúng ta sẽ bàn đến một số nguyên tắc chính nhằm giúp vượt qua cuộc khủng hoảng nhờ đó đời sống chung vợ chồng sẽ trở nên dễ chịu, thoải mái, hạnh phúc và nhất là duy trì được mối tương quan vợ chồng luôn bền vững lâu dài. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến 5 nguyên tắc căn bản sau:

3.1. Vợ chồng luôn “Tương kính như tân”

Vợ chồng “tương kính như tân” có nghĩa là đôi bạn phải cư xử hành động với nhau như là những người khách quý. Điều này rất quan trọng nhưng cũng khó thực hiện. Bởi vì cuộc sống hôn nhân là cuộc sống hầu như thường xuyên phải gần gũi chung đụng nhau, và vì quá gần gũi, quá biết về nhau nên vợ chồng cũng dễ nhìn thấy khuyết điểm của nhau nhất, từ đó dẫn đến coi thường nhau, không tôn trọng nhau, thấy không còn hấp dẫn, không còn say mê như thủa ban đầu. Đó là chưa nói họ dễ lờn mặt nhau, khinh thường nhau, chán ghét nhau…

Theo các chuyên gia, để có thể “tương kính như tân” thì các cặp vợ chồng có thể lấy kinh nghiệm tiếp khách của mình ra để đối xử với nhau. Khi tiếp đón một vị khách quý, ta chuẩn bị nhà cửa, phòng ốc, đồ dùng chu đáo. Ta phô bày một khuôn mặt tươi cười. Ta nói năng dịu dàng, tế nhị. Ta ân cần chăm sóc. Ta ngợi khen chúc tụng. Hoặc ta an ủi vỗ về. Nói chung, ta muốn làm cho người khách quý hài lòng, thoải mái trong những ngày trú ngụ tại nhà của ta. Ta làm những việc như vậy vì ta mộ mến người khách. Mặt khác ta cũng muốn người khách giữ lại trong lòng những hình ảnh tuyệt vời về ta.

Nếu trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng có thái độ hành vi kính trọng lẫn nhau như khách quý, thì chắc chắn họ sẽ tế nhị với nhau trong lời nói, việc làm và lối sống… Họ sẽ lắng nghe nhau để biết nhau mong muốn điều gì, rồi từ đó chăm sóc chu đáo. Họ sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề vật chất như cơm áo gạo tiền, nhưng họ sẽ tiến về sự kết hợp tinh thần. Vì kính trọng khách nên ta cũng tự trọng. Ta quan tâm đến sự xuất hiện bên ngoài của chính bản thân mình. Vì sự xuất hiện bề ngoài là biểu lộ cái tâm bên trong, nên ta cần có thái độ kính trọng chính mình cách sâu xa. Khi hai người phối ngẫu tương kính như tân họ sẽ gắn bó sâu xa với nhau. Họ sẽ thực sự đi vào cuộc đời của nhau để hoà hợp, để trở nên tri kỷ của nhau. [9]

3.2. Vợ chồng cư xử theo châm ngôn “Dĩ hòa vi quý”

Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ cảm thấy chữ “Hòa” trong gia đình thật là quý giá vô cùng. Hòa ở đây bao hàm nhiều nghĩa, chẳng hạn như hòa hợp, hòa thuận, hòa đồng, hòa bình, hòa hoãn, hòa giải… Chính vì thế mà ông bà ta nhấn mạnh đến một nguyên tắc xử thế rất ý nghĩa, đó là “Dĩ hòa vi quý”. Dĩ hòa vi quý là một tinh thần sống lạc quan, xem trọng sự yên ổn, đối xử hài hòa trong giao tiếp. Đây là câu thành ngữ để khuyên con người chúng ta sống chan hòa, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Người biết sống dĩ hòa vi quý sẽ tạo được thiện cảm với mọi người xung quanh, biết an phận, nhã nhặn trong lời nói, việc làm.

Trong đời sống vợ chồng, để giúp hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn và để giảm bớt những căng thẳng do những khủng hoảng đem đến, ta phải biết sống “Hòa” với nhau. Ông bà ta thường nói, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều đó có nghĩa là sự hòa thuận giữa hai vợ chồng sẽ làm nên một sức mạnh vô song. Mà muốn có sự hòa thuận, hòa bình thì hai người phải quảng đại, từ bỏ ý riêng, dẹp bớt “cái tôi” mà chấp nhận hòa hợp với bạn đời mình.

Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã nhắc nhở trong Tông huấn những bổn phận gia đình Ki-tô hữu, như sau: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình”. [10]

3.3. Vợ chồng tích cực lắng nghe để đồng cảm với nhau

Trong giao tiếp vợ chồng, việc lắng nghe nhau là một đòi hỏi tối quan trọng. Nghe quan trọng hơn nói. Nghe nhiều nói ít. Nhưng nghe không bằng lắng nghe. Lắng nghe là cách dễ dàng lôi kéo bạn đời vào câu chuyện hai người. Đó cũng là điều chứng tỏ ta tôn trọng người đối thoại. Nếu hai người cùng nói thì kết cục gia đình sẽ là một cái chợ. Còn nếu hai người chỉ biết ngồi nghe nhau thì bầu khí thật là ảm đạm, buồn chán.

Lắng nghe là một kỹ năng trong giao tiếp, vì thế vợ chồng phải tìm hiểu, học hỏi và thực hành sao cho nó trở thành một thói quen tốt. Một tác giả đã phân tích vấn đề này như sau:

“Lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của nhau là điều tưởng chừng đã cũ nhưng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, nhất là duy trì được những cảm xúc, những giây phút thăng hoa đòi hỏi cần có sự cố gắng từ cả hai vợ chồng. Dường như bất kỳ ai trong chúng ta khi bước vào giai đoạn tiền hôn nhân cứ ngỡ hai vợ chồng đã hiểu hết về nhau, đã trải qua những cảm xúc để có thể dễ dàng thông cảm và sẻ chia với nhau mọi điều. Nhưng lại một lần nữa, đời sống hai vợ chồng vẫn còn có rất nhiều điều để thực sự hiểu, thêm một lần đặt đôi chân mình vào đôi giày của người khác để nhận ra dẫu nó không vừa, có khi mệt mỏi nhưng phải như vậy thì mới thực sự thấu cảm và tìm được sự đồng điệu giữa hai tâm hồn với những xúc cảm mới mà từ trước đến nay chưa trải nghiệm.

“Lắng nghe để hiểu được người bạn đời của mình đang có tâm sự gì là điều quan trọng và cần làm. Sau một ngày dài làm việc căng thẳng, chính việc ngồi xuống lắng nghe, không lên tiếng hay phán xét đúng sai là điều nên làm là vợ chồng có cơ hội chia sẻ với nhau. Còn gì ấm cúng và hạnh phúc hơn sau giờ làm việc, người vợ chuẩn bị chu đáo bữa ăn tối, người chồng phụ giúp vợ những việc khác trong nhà còn lại cần phải làm trong ngày. Trong khi đó, nhiều ông chồng không bao giờ muốn kể chuyện công việc cho vợ nghe vì sau những lời chồng nói thì vợ chẳng còn đů thời gian và bình tĩnh để chồng chia sẻ hết câu chuyện. Họ mặc nhiên xen vào mà không quan tâm đến thái độ của người đang nói, thay vì cảm nhận được sự sẻ chia thì người chồng lại cảm thấy mỏi mệt hơn.” [11]

3.4. Vợ chồng tranh luận chứ không tranh cãi

Trong khi “khẩu chiến”, việc tranh cãi luôn có nguy cơ khiến cho mâu thuẫn kéo dài và không giải quyết được gì. Tranh cãi thường xuất phát từ tâm lý hơn thua, cố chấp và không tôn trọng bạn đời. Có rất nhiều đôi bạn chỉ vì chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt mà sinh ra tranh cãi, rồi không ai nhịn ai, đi tới chỗ xung đột, cuối cùng đành phải chấp nhận giải pháp ly hôn ly dị.

Chúng ta đều có xu hướng tranh phần thắng thua mỗi khi cãi nhau, bởi đây chính là bản tính của con người. Khi đôi bên tranh cãi to tiếng, họ thường không thể giữ bình tĩnh và lý trí, ngay cả nguyên nhân tranh chấp ban đầu cũng quên bẵng. Nếu không thể giải quyết vấn đề ngọn nguồn, tranh cãi chỉ khiến các cặp vợ chồng lãng phí thời gian và sức lực. Nếu tranh luận biến thành tranh cãi, chúng ta sẽ đánh mất sự đồng tình và chỉ khăng khăng giải thích bản thân để đối phương hiểu. Chúng ta giận đến nỗi trở thành kẻ nóng nảy, thốt ra lời độc địa nhằm tổn thương người bạn đời.

Trong khi đó, thay vì tranh cãi một cách vô ích, vợ chồng nên ngồi lại với nhau, cùng nhau tranh luận để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho cuộc xung đột giữa hai người. Tranh luận đúng cách sẽ giúp người này hiểu người kia, không tạo nên căng thẳng bởi vì nguyên tắc của tranh luận là tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng những suy nghĩ và quan điểm đối lập.

3.5. Vợ chồng kết hợp “nên một” trong hôn nhân

Khi hai vợ chồng sống trọn vẹn lý tưởng nên một với nhau theo Lời Chúa “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6); “Người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24), thì đời sống vợ chồng sẽ không còn là gánh nặng của nhau nữa, trái lại đó là dấu chỉ của tình yêu hoàn hảo trong một đời sống hiến dâng trọn vẹn.

Tuy nhiên, ta biết rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với sự hiệp nhất trong đời sống vợ chồng, đó là tính ích kỷ, lòng dạ hẹp hòi và sự nhát đảm. Trong cuộc sống, có thể một trong hai bạn hoặc cả hai bạn đến lúc nào đó đều ngại hy sinh. Có câu nói sau: “Hy sinh cho nhau, đã là một phần thiết yếu của hôn nhân và sẽ mãi mãi là như vậy”. Đôi bạn phải hy sinh tự do cá nhân để hòa mình vào đời sống cộng đồng gia đình. Họ phải hy sinh để cái “Tôi” của mỗi người thích nghi với cái “Chúng ta” của hai người. Họ phải hy sinh để lắng nghe hơn là phán dạy, để thực hiện hơn là nói suông, để biết chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của bạn đời hơn là sống dửng dưng, lạnh nhạt, vô cảm. Nói cách khác, đôi bạn phải tỏ ra “người này cần đến người kia”, để bổ sung cho nhau.

Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy…” [12]

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng đã nói, “Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Tình yêu vợ chồng là một tình yêu vĩ đại, bởi họ không chỉ sống cho nhau, với nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà là trải dài suốt cả cuộc đời. Người ta cũng nói, “Chết cho người mình yêu thì dễ hơn là sống với người ấy”. Bởi vì cuộc sống của đôi vợ chồng yêu nhau thì không bao giờ là yên nghĩ cả. Trong kinh nghiệm của con người thì “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng”.

Vậy đã rõ, sự hy sinh của đôi bạn phải xuất phát từ tình yêu đích thực, dõi theo tình yêu mà Đức Ki-tô đã làm gương và dạy chúng ta sống. Và tình yêu ấy hướng tới một sự hiệp nhất kỳ diệu giữa hai cá thể, hai con người khác biệt. Bởi xét cho cùng, “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn là nam và nữ , cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị…Không có tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện, xét như một cộng đồng các ngôi vị…” ./. [13]

Aug. Trần Cao Khải

________________

[1] Alpha Books biên soạn, “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, NXB LĐ-XH năm 2018, trang 5
[2]http://www.ubmvgiadinh.org/article/kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-trong-h%C3%B4n-nh%C3%A2n
[3]https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%A7ng_ho%E1%BA%A3ng_h%E1%BA%ADu_h%C3%B4n_nh%C3%A2n
[4] https://vnexpress.net/khi-vo-chong-chi-noi-voi-nhau-10-cau-moi-ngay-4214160.html
[5] https://giaophanphucuong.org/hon-nhan—gia-dinh/nguyen-nhan-khung-hoang-trong-hon-nhan-466.html
[6] Alpha Books biên soạn – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB Lao động Xã Hội năm 2018 trang 39 và 44
[7] https://www.mindalife.vn/nguyen-nhan-ly-hon/
[8]https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/Tinh-duc-trong-quan-he-vo-chong–Yeu-to-giu-gin-hanh-phuc-gia-dinh-26122.html
[9]https://giadinh.net.vn/gia-dinh/chia-khoa-vang-nam-o-cau-vo-chong-tuong-kinh-nhu-tan-2018033017200594.htm
[10] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu” số 21
[11]https://ytuongviet.org.vn/tu-van-tam-ly/vu-dieu-cua-doi-song-vo-chong-lang-nghe-ton-trong-cam-xuc-1092.html
[12] D. Wahrheit – Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô trang 258-259
[13] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu” số 18