Có ý nghĩa gì khi đến thăm một người bạn, vì gặp vấn đề về tiêu hóa mà chúng ta không thể ăn được những gì họ dọn ra cho chúng ta? Ở nhà và cầm điện thoại lên gọi cho họ, vậy có tốt hơn không?
Có ích gì khi đến thăm họ, cùng ngồi với họ bên bàn tiệc thật sang trọng mà không nếm được những món ăn ngon bạn bè dọn sẵn cho mình? Hỏi có tức không?
Suy cho cùng, nếu chúng ta thực sự là bạn thì việc gặp nhau tại bàn ăn, ngay cả khi thực phẩm dọn sẵn vẫn còn nguyên thì cuộc gặp này vẫn có giá trị riêng của nó. Bởi vì chúng ta đã cố gắng để đến với nhau. Chúng ta đã hy sinh thời gian của mình cho cuộc gặp gỡ để xây dựng và củng cố tình bạn. Với cuộc gặp gỡ này, chúng ta có thể nói rằng tình bạn thực sự quan trọng với chúng ta, vì chúng ta mang đến cho nhau những thứ tốt nhất, không thể có lần nào khác nữa: đó là thời gian của chúng ta.
Trong khi bạn bè đón tiếp chúng ta ngoài sự mong đợi và họ muốn chiêu đãi chúng ta một bữa ăn, nhưng chúng ta lại ra về với cái bụng đói. Bạn có thể nói rằng điều quan trọng nhất đã không diễn ra. Nhưng liệu chúng ta có coi cuộc gặp gỡ này là “vô nghĩa” không?
So sánh trên đây vẫn chưa phải là hoàn hảo, nhưng nó có thể đem lại hiệu quả giúp chúng ta xua tan những nghi ngờ về vấn đề quan trọng hơn so với việc gặp gỡ bạn bè: có đáng không nếu chúng ta đi lễ mà không thể rước lễ vì chúng ta đang sống trong tội? Trong khi chính Chúa Kitô đã nói đó là lương thực mà: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6, 53).
Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta không thể rước lễ vì một lý do nào đó, chúng ta không thể vượt qua những cản trở vốn ngăn cách chúng ta với Ngài, thì việc hiện diện trước Thánh Thể vẫn luôn có nhiều ý nghĩa mà không gì có thể lấn át được.
Chúng ta ngồi vào bàn tiệc của Ngài. Cho dù chúng ta không thể ăn từ bàn tiệc đó, chúng ta vẫn luôn thấy chiếc bàn đã dọn sẵn chờ đợi chúng ta; như gia chủ mong chờ thực khách, Ngài muốn nuôi dưỡng chúng ta bằng chính tình yêu không thay đổi. Ngài luôn quan tâm và không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chúng ta.
Chúng ta lắng nghe Lời Ngài, Lời có sức mạnh biến đổi chúng ta, ngay cả khi chính chúng ta không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự thay đổi này.
Chúng ta đang ở trong một cộng đoàn. Sự hiệp thông này, cùng tất cả những khuyết điểm của nó, cũng là một “bí tích” của sự hiện diện của Chúa, Đấng ở với chúng ta và cho chúng ta. Như Đức Bênêđictô XVI trong chúc thư đã nói: “Giáo Hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người”.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc chúng ta tham dự phụng vụ nhằm mục đích để tôn vinh Thiên Chúa. Ngay cả khi chúng ta không thể tham dự một cách hoàn hảo và trọn vẹn, chúng ta cũng phải làm điều đó trong phạm vi và cách thức mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
G. Võ Tá Hoàng