GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Không còn gì để mất?

Không còn gì để mất?

 

TT – “Không còn gì để mất” – đó là câu trả lời của không ít các em nữ hiện đang mưu sinh hoặc sống chủ yếu trên đường phố. Thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe tình dục, không có kỹ năng tự bảo vệ mình, thân phận của những “nụ tầm xuân” trên đường phố này thật lắm đắng cay.

 671271

Một bà mẹ trẻ ẵm con đi mưu sinh ở khu phố Tây, quận 1 – Ảnh: Quang Định

Những đứa con ngoài ý muốn

16 tuổi, Mai đã có thai hơn năm tháng, vậy mà em vẫn không hề hay biết, thậm chí cũng không biết cha đứa bé là ai. Nhà nghèo, mẹ em mỗi ngày đều phải cắm cúi đi giặt đồ thuê, tiền công chỉ vỏn vẹn 30.000 đồng/ngày. Mai ở nhà một mình, rồi dần dần em hòa vào nhóm bạn trong xóm trọ đi chơi.

Một ngày đầu tháng 4, cô bạn thân rủ Mai đi quán cà phê cùng với hai thanh niên khác. Lợi dụng lúc Mai không chú ý, thuốc mê đã được bỏ vào ly nước của em. Khi tỉnh dậy, em thấy mình nằm trên giường cùng với hai thanh niên xa lạ, còn cô bạn dắt đi thì đã biệt tăm. Mất kinh, người mệt mỏi, lừ đừ suốt thời gian dài nhưng Mai vẫn không hề biết mình đã có thai. Mẹ em quá bận rộn để có thể nhận ra những dấu hiệu khác lạ của con gái. Khi giáo dục viên tìm đến nhà thấy bụng to đưa em đi khám mới biết thai đã quá lớn (5 tháng) và cô bé ăn chưa no lo chưa tới này phải một mình vượt cạn.

Mai chỉ là một trong số rất nhiều “bà mẹ nhí” sống trên đường phố và bị xâm hại tình dục, nhưng không thể biết cách nào để chống lại. Từ cú sốc đầu đời này, nhiều em đã bắt đầu trượt dài vào hố sâu mại dâm hoặc mang tâm lý trả thù đời, quan hệ tình dục bừa bãi bất chấp nguy cơ lây nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đơn cử như Yến, quê miền Tây, quá nghèo khó, Yến bỏ nhà đi từ năm 11 tuổi, lang thang khắp bến xe, công viên. Lớn lên một chút, Yến bị bạn bè dụ dỗ vào bán quán cà phê mà không hề biết đó là một động mại dâm trá hình. Rồi Yến dần rơi tiếp vào cơn xoáy của ma túy trong lúc đang mang thai. Con vừa sinh ra được 28 ngày tuổi, cơn nghiện hành hạ khiến Yến quên hết tất cả lý trí, tình mẫu tử, em mang đứa con còn đỏ hỏn của mình đi bán chỉ với số tiền 1 triệu đồng. 400.000 đồng ngay lập tức được dùng mua ma túy để thỏa cơn nghiện đang hành hạ, số tiền còn lại cũng nhanh chóng bay biến chỉ trong vài ngày sau đó. “Hầu hết các em đều chưa chuẩn bị tâm lý cho việc mình có thai nên thường dễ nghĩ đến chuyện nạo phá thai. Còn khi sinh đứa trẻ ra, áp lực phải nuôi và chăm sóc trẻ sơ sinh, tiền cơm, tiền sữa, tiền thuê nhà… trong khi nghề nghiệp không có khiến nhiều em gái còn ở tuổi vị thành niên rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, bị trầm cảm kéo dài và nhiều em còn nghĩ đến việc cho – bán con”, chị L.H.L. – một giáo dục viên đường phố thuộc nhóm CTXH Cây Mai – cho biết.

Vết hằn trên trái tim non

Như năm nay 13 tuổi, mẹ thường xuyên đi làm mướn cả ngày, từ sáng đến chiều em toàn ra ngoài chơi khắp trong khu xóm nghèo ở Cà Mau với bạn bè, tối khuya mới về nhà. Một lần, em về nhà nhưng mẹ thì chưa về, em đã trở thành nạn nhân của chính cha mình. Quá sợ hãi và cả mặc cảm tội lỗi của bản thân, em bỏ nhà ra đi, lang thang trên đường phố Sài Gòn xin bán vé số. “Tối nào em cũng gặp ác mộng, em thấy cha làm lại chuyện đó với em, em thấy đau lắm!”, khó khăn lắm giáo dục viên mới có thể lấy được thông tin này từ Như. Em bị nhức đầu thường xuyên, lúc nhớ lúc quên và rất ít khi giao tiếp với bạn bè xung quanh. Tuy nhiên, theo giáo dục viên, Như không hề căm ghét cha mình và đó cũng chính là điều khiến em cảm thấy dằn vặt và khó chịu nhất giữa lằn ranh yêu ghét, đến mức việc vượt qua nỗi ám ảnh này dường như quá sức chịu đựng của cô bé mảnh mai, bé nhỏ này.

Cuộc sống đường phố với đầy bất trắc, hiểm nguy đã dần dà dạy cho các em gái khả năng tự vệ rất mạnh mẽ. Bất cứ thứ gì trên đường phố cũng có thể trở thành vũ khí tự vệ của các em. Thảo, 11 tuổi, chuyên đi lượm ve chai ở quận Gò Vấp lúc nào cũng mang theo trong người một chiếc ná thun.

Chiếc ná này do Thảo tự làm, có thể kẹp viên đá nhỏ vào và bắn xa vài mét, nếu bị bắn trúng sẽ rất đau. “Đứa nào cũng phải có một cái giấu trong người. Nếu gặp mấy đám hay bắt nạt hay mấy ông đàn ông bậy bạ, mình bắn cho một cái thiệt đau rồi bỏ chạy” – Thảo nói. Tuy nhiên, chính em cũng thừa nhận nếu người ta ôm cứng lấy mình thì chịu, không dùng được. “Tốt nhất là chỉ đi chỗ đông người thôi, thấy ai nghi nghi là em tránh xa liền. Có mấy ông hay ngoắt kêu em vô nhờ đi mua thuốc lá mà em không vô. Trong nhóm của em có một đứa con trai nhỏ hơn em ba tuổi. Tụi em hay đi cùng nhau, nếu có chuyện gì thì xông vô cứu” – Thảo cho biết. Nhìn theo tay Thảo chỉ, không khó để nhận ra “vệ sĩ” của cô bé chỉ là một cậu bé ốm nheo ốm nhách, người đen nhẻm, chân trần lấm lem. Trông cậu quá nhỏ bé so với cái tuổi thứ 7 của mình, huống gì đến việc bảo vệ các bạn gái.

ĐOÀN BẢO CHÂU – MAI HOA

Nguồn : tuoitre.vn

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Công:

Hậu quả của việc xâm hại tình dục trước tiên là ảnh hưởng về mặt cơ thể. Với độ tuổi các em, sự phát triển cơ thể chưa đủ trưởng thành, việc quan hệ tình dục sớm với sự cưỡng ép có thể làm nảy sinh một số bệnh liên quan đến cơ thể, đặc biệt là các bệnh phụ khoa với em nữ, một số bệnh tật lây qua đường quan hệ tình dục. Nhiều trường hợp có thể có thai ngoài ý muốn thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Về đời sống tâm lý, ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và nhận thức tức thời như thấy mặc cảm, tội lỗi, chán chường, có thể có suy nghĩ đến cái chết. Nhiều em có thể có những cơn hoảng loạn hoặc stress đột ngột dẫn tới các rối loạn tâm thần như ám sợ, lo âu… Phần lớn việc bị xâm hại tình dục có thể ảnh hưởng đến đời sống nội tâm sau này của các em.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm có 1.500-2.000 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. 90% vụ xâm hại trẻ em đưa ra xét xử hằng năm là tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Căn cứ kết quả xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo gửi đến Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em từ năm 2010 đến tháng 6-2012, trẻ em bị xâm hại chủ yếu là em gái ở tất cả các lứa tuổi; đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người quen biết trong cộng đồng, sử dụng quyền lực từ các mối quan hệ sẵn có với trẻ để xâm hại (cha dượng, người họ hàng, hàng xóm, công an, thầy giáo…).

(Nguồn: Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình)

Exit mobile version