Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong việc đối thoại với Thiên Chúa

153
Sáng thứ tư 13/02/2019, tại thính phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhóm khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Và trong bài giáo lý hôm nay, ĐTC tiếp tục khai triển đề tài về kinh “Lạy Cha”. Ngài nói : Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Chúa. Lời cầu xin của chúng ta không chỉ dành cho chính mình, nhưng cho Chúa và cho tha nhân. Bởi vì, không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong việc đối thoại với Thiên Chúa. Không có việc khoe khoang về những vấn đề của mình giống như thể chúng ta là người duy nhất trên thế giới chịu đau khổ. Không có lời nguyện nào được dâng lên Thiên Chúa mà không phải là lời nguyện của một cộng đoàn anh chị em, của chúng ta. Chúng ta ở trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em, chúng ta là dân tộc cầu nguyện với từ “chúng con”.
6. Cha của tất cả chúng ta

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Chúng ta tiếp tục bài học về cách cầu nguyện sao cho đúng như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện giống như Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện.

Chúa nói : khi cầu nguyện, hãy vào phòng trong thinh lặng, thoát ra khỏi thế giới và quay về với Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài là “Cha”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình đừng như những kẻ đạo đức giả, đứng cầu nguyện trên các ngã đường để người ta nhìn thấy (x. Mt 6,5). Chúa Giêsu không muốn đạo đức giả. Cầu nguyện đích thực là điều diễn ra trong sự kín đáo của lương tâm, của tâm hồn: không nhìn thấu được, chỉ Thiên Chúa mới có thể nhìn thấy. Tôi và Chúa. Chúa chán ghét sự giả dối: đối với Chúa, không thể giả vờ được. Đó là điều không thể, trước mặt Thiên Chúa không có mánh khóe nào có hiệu quả. Thiên Chúa biết chúng ta, trần trụi trong lương tâm, và chúng ta không thể giả vờ được. Tận gốc rễ của cuộc đối thoại với Thiên Chúa, có một cuộc đối thoại trong thinh lặng, giống như cái nhìn gặp gỡ giữa hai người yêu nhau: con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau, và đó là cầu nguyện. Hãy nhìn Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa nhìn mình: đó là cầu nguyện. “Nhưng thưa cha, con không nói được lời nào…”. Hãy hướng về Chúa và hãy để cho Chúa nhìn mình: đó là cầu nguyện, một lời cầu nguyện tuyệt mỹ.

Tuy nhiên, dù lời cầu nguyện của người môn đệ hoàn toàn riêng tư kín đáo, nhưng nó không bao giờ giảm sút trong tình trạng thân mật. Trong sự kín đáo của lương tâm, người tín hữu đừng bỏ lại thế giới bên ngoài cửa phòng của mình, nhưng hãy mang vào trong tâm hồn mình mọi con người, mọi hoàn cảnh, những vấn đề, tất cả mọi sự, mang tất cả những điều ấy vào trong lời cầu nguyện.

Có cái gì đó còn thiếu trong bản văn kinh “Lạy Cha chúng con”. Nếu tôi hỏi anh chị em đâu là cái thiếu trong bản văn của kinh “Lạy Cha” này?. Không dễ để trả lời. Thiếu một từ. Anh chị em nghĩ xem: thiếu cái gì trong kinh Lạy Cha? Một từ. Một từ mà ở thời đại chúng ta – có lẽ lúc nào cũng vậy – tất cả mọi người xem xét rất kỹ. Từ còn thiếu trong kinh “Lạy Cha” mà chúng ta cầu nguyện hằng ngày là gì? Để tiết kiệm thời giờ, tôi sẽ nói: từ còn thiếu là “tôi” [con]. Người ta không bao giờ nói “tôi”. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện trên môi trước hết có từ “Ngài” [Cha], vì cầu nguyện Kitô giáo là đối thoại: “xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thực hiện”. Không phải cho danh của tôi, nước của tôi, ý muốn của tôi. Không phải tôi, không đúng. Và sau đó là chuyển sang “chúng con”. Trọn phần hai của kinh Lạy Cha đã biến cách sang ngôi thứ nhất số nhiều: “xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày, tha nợ cho chúng con, chớ để chúng con sa chước cám dỗ, cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Ngay cả những thỉnh cầu căn bản nhất của con người – như là xin có thức ăn để xoa dịu cơn đói – tất cả đều ở số nhiều.

Trong kinh nguyện Kitô giáo, không ai xin của ăn cho riêng mình: xin cho con lương thực hôm nay, – không –  nhưng xin cho chúng con. Chúng ta cầu xin cho mọi người, cho người nghèo trên thế giới. Không được quên điều này, thiếu từ “tôi”. Ta cầu xin với từ “Ngài” [Cha] và với từ “chúng con”. Đó là bài giáo huấn hay của Chúa Giêsu, anh chị em đừng quên. Tại sao vậy? bởi vì không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong việc đối thoại với Thiên Chúa. Không có việc khoe khoang về những vấn đề của mình giống như thể chúng ta là người duy nhất trên thế giới chịu đau khổ. Không có lời nguyện nào được dâng lên Thiên Chúa mà không phải là lời nguyện của một cộng đoàn anh chị em, của chúng ta. Chúng ta ở trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em, chúng ta là dân tộc cầu nguyện, với từ “chúng con”. Có lần vị tuyên úy của một nhà tù hỏi tôi : “Thưa cha, xin nói cho con biết từ trái ngược với “tôi” là từ nào?”. Và tôi ngây thơ nói: đó là từ “Anh”. “Điều đó khởi đầu của cuộc chiến”. Từ đối lại với “tôi” là “chúng tôi”, nơi có hòa bình, tất cả đều có chung hòa bình”. Đó là bài học hay mà tôi đã nhận được từ người anh em linh mục đó.

Trong lúc cầu nguyện, người tín hữu mang tất cả những khó khăn của con người, những  người đang sống cạnh mình: khi chiều buông, người ấy kể cho Chúa nghe những đau khổ mà mình đã gặp trong ngày; họ đặt trước mặt Thiên Chúa nhiều khuôn mặt, bạn bè và kể cả kẻ thù; không xua đuổi chúng đi như những phiền nhiễu nguy hiểm. Nếu một người không nhận ra rằng xung quanh họ có rất nhiều người đau khổ, nếu người ấy không biết động lòng thương trước những giọt lệ của người nghèo, nếu anh ta đã quen với mọi thứ, thì điều đó có nghĩa là, tâm hồn của anh ta… sẽ ra sao?. Bị héo tàn? Không, còn tệ hơn : nó là đá. Trong trường hợp này tốt hơn là cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài đụng chạm đến chúng ta bằng Thánh Thần của Ngài và xoa dịu con tim của chúng ta : “Xin hãy chạm hồn con, Chúa ơi, để con có thể hiểu và nhận trách nhiệm về mọi vấn đề, mọi đau khổ của người khác”. Chúa Kitô đã không bước qua cạnh những đau khổ của thế giới: mỗi lần cảm thấy cô đơn, đau đớn trong thể xác hoặc tinh thần, Ngài cảm nghiệm được một ý thức mạnh mẽ của lòng xót thương, giống như phủ tạng của một người mẹ. Cảm nhận xót thương này – chúng ta đừng quên từ ngữ rất kitô giáo này – là một trong những động từ-chìa khóa của Tin mừng: đó là điều thúc giục người Samari nhân hậu tiếp cận với người đàn ông bị thương bên vệ đường, trái ngược với những người khác, có trái tim cứng cỏi.

Chúng ta có thể tự hỏi : khi tôi cầu nguyện, tôi có mở lòng cho tiếng khóc than của những người cận thân hoặc ở xa không? Hoặc tôi nghĩ đến việc cầu nguyện giống như một loại thuốc gây mê, để có thể làm mình yên tĩnh hơn? Tôi để câu hỏi này ở đây để mỗi người tự trả lời. Trong trường hợp này tôi sẽ là nạn nhân của một sự hiểu lầm khủng khiếp. Tất nhiên, lời cầu nguyện của tôi sẽ không còn là lời cầu nguyện Kitô giáo nữa. Bởi vì từ “chúng con”, mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, ngăn cản tôi lưu lại trong yên an một mình, và khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của mình.

Có nhiều người dường như không tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu khiến chúng ta cũng cầu nguyện cho họ, vì Thiên Chúa tìm kiếm những người này trước mọi người. Chúa Giêsu không đến vì những người khỏe mạnh, nhưng vì những người yếu đau, tội lỗi (x. Lc 5,31) – nghĩa là vì tất cả mọi người, bởi vì người cho rằng mình mạnh khỏe, nhưng trong thực thế thì không phải vậy. Nếu chúng ta làm việc cho công bình, chúng ta đừng cho rằng mình tốt hơn người khác: Chúa Cha khiến cho ánh sáng mặt trời mọc lên trên người lành và kẻ dữ (x Mt 5,45). Ngài yêu thương tất cả mọi người. Chúng ta hãy học từ Thiên Chúa, Đấng luôn tốt với tất cả mọi người, trái ngược với chúng ta, những người chỉ có thể tốt với một số người, với những người ưa thích mình.

Anh chị em, những người thánh thiện và tội nhân, tất cả chúng ta là anh em cùng một Cha yêu thương. Và vào lúc xế chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ chịu phán xét dựa trên tình yêu, dựa vào cách mà chúng ta đã yêu thương. Không chỉ là tình yêu cảm thông, nhưng còn là lòng thương xót và cụ thể, theo luật Tin mừng – anh chị em đừng quên điều đó – “Tất cả những gì các con làm cho những người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho Ta” (Mt 25,40). Thiên Chúa đã nói như vậy.

Xin cảm ơn.

1

2

3
4
6
7
8
9
10

 

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va: