Khởi đầu mùa vọng, chúng ta sống thời gian đợi chờ thế nào ?

142

Khởi đầu mùa vọng, chúng ta sống thời gian đợi chờ thế nào ?

Giacomo Gambassi

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Mùa Vọng là gì? Diễn ra trong bao lâu? Màu lễ phục của các linh mục? Thời gian chờ đợi này được diễn ra như thế nào? Những bài đọc nào được đề nghị trong Thánh lễ? Dưới đây là những câu trả lời:

Mùa vọng bắt đầu từ Chúa nhật 3/12/2017, đây là thời gian đặc biệt của năm phụng vụ để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Chúa nhật đầu tiên của Mùa vọng đánh dấu việc khai mở năm phụng vụ mới. Có 4 Chúa nhật Mùa vọng theo nghi lễ Rôma, trong khi nghi lễ Ambrosio có đến 6 Chúa nhật, cho nên, theo nghi lễ này, Mùa vọng đã bắt đầu từ Chúa nhật ngày 12/11/2017. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin, tại quãng trường thánh Phêrô, năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “một trong những chủ đề đầy cảm xúc của Mùa vọng đó là việc Thiên Chúa đến viếng thăm nhân loại”. Và Đức Phanxicô đã kêu mời mọi người “hãy tỉnh táo, đừng để mình bị chi phối bởi chuyện thế gian, bởi thực tại vật chất”. Thêm nữa, trong một bài chia sẻ trong thánh lễ sáng tại nhà nguyện thánh Matta, Đức Giáo hoàng đã nói rằng “ân sủng mà chúng ta muốn trong mùa vọng” đó là “ra đi và tiến tới trong sự gặp gỡ Thiên Chúa”, đó là “thời gian không bao giờ ngừng nghỉ”.

Phụng vụ

Mùa vọng bắt đầu từ Kinh Chiều I của Chúa nhật I Mùa vọng và kết thúc vào Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh. Lễ phục các linh mục mặc trong mùa này có màu tím. Tuy nhiên, Chúa nhật thứ III của Mùa vọng (hay còn gọi là Chúa nhật Vui mừng, Chúa nhật hồng), có thể tùy nghi sử dụng lễ phục màu hồng, như một biểu thị cho niềm vui đối với việc xuất hiện của Chúa Kitô. Trong cử hành thánh thể, không đọc Kinh Vinh Danh, vì Phụng vụ Giáo hội muốn kinh này được hát cách long trọng trong đêm lễ Chúa Giáng sinh.

Các tên gọi truyền thống của các Chúa nhật Mùa vọng được trích từ câu đầu tiên của các Ca nhập lễ. Chúa nhật thứ nhất được gọi là: “Nâng tâm hồn lên tới Chúa, Thánh vịnh 25”, [Ad te levavi]; Chúa nhật thứ hai nhắc đến “Dân Sion, Isaia 30,19”, [Populus Sion]; Chúa nhật thứ ba là Chúa nhật Vui mừng “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, Phil 4,4”, [Rallegratevi]; Chúa nhật cuối cùng là “Trời cao hãy gieo sương, Isaia 45,8” [Rorate].

Nguồn gốc của Mùa vọng

Từ “Mùa vọng” phát xuất từ tiếng la tinh là “adventus”. Từ adventus có thể được dịch theo nhiều nghĩa, chẳng hạn như “hiện diện”, “sự đến”, “sắp tới”. Trong ngôn ngữ cổ đại, adventus được dùng để ám chỉ đến sự xuất hiện của một viên chức, cuộc thăm viếng của vua hay hoàng đế trong một tỉnh. Nhưng nó cũng có thể ám chỉ đến việc xuất hiện của thần linh, đấng bước ra từ nơi kín ẩn để chứng tỏ chính mình bằng uy quyền, hoặc là đấng được ca tụng hiện diện trong việc thờ phượng.

Các tín hữu dùng từ Mùa vọng để diễn tả mối liên hệ giữa họ với Chúa Kitô: Chúa Giêsu là Vua, đã bước vào trong sự nghèo hèn, bước vào thế gian (được hiểu như một tỉnh) để viếng thăm tất cả mọi người; ngày lễ giáng thế của Ngài đã làm cho biết bao nhiêu người tham dự tin vào Ngài. Với từ adventus, về cơ bản, được hiểu rằng: Thiên Chúa ở đây, Ngài không bước ra khỏi thế gian, đã không để chúng ta đơn côi. Ngay cả khi chúng ta không thể thấy Ngài, không đụng chạm được Ngài cách khả giác, thì Ngài vẫn ở đây, Ngài đến để viếng thăm chúng ta bằng nhiều cách.

Mùa vọng, thời gian chờ đợi, hoán cải và hy vọng.

Mùa vọng là “thời gian chờ đợi, hoán cải, hy vọng”. Đó là thời gian đợi chờ Chúa đến, được cử hành trong hai thời điểm: Trước hết Mùa vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang; Thứ đến, Mùa vọng đề cập đến mầu nhiệm nhập thể và mời gọi chúng ta đón nhận Ngôi lời nhập thể làm người để cứu độ nhân loại. Lời nguyện của Kinh Tiền Tụng Chúa nhật I Mùa vọng giải thích thêm cho ý nghĩa trên: “Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy bản tính yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con: để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bấy giờ được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ”.

Mùa vọng còn là thời điểm để hoán cải. Thời gian này phụng vụ mời chúng ta bằng lời của các ngôn sứ và nhất là của Gioan Tẩy giả : “Anh em hãy sám hối vì nước trời đã đến gần” (Mt 3,2).

Cuối cùng đó là thời gian vui mừng và hy vọng vì ơn cứu độ đã được thực hiện và các thực tại ân sủng đã hiện diện trên thế gian, đạt tới sự trưởng thành và viên mãn của nó, nhờ đó lời hứa sẽ được biến đổi thành sở hữu, và “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).

Các bài đọc trong Mùa vọng [1]

Mùa vọng 2017, phụng vụ dùng các bài đọc năm B. Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng, phụng vụ tập trung vào việc mong đợi Chúa trở lại. Sau nữa đánh dấu sự mong đợi là việc Chúa Giêsu ra đời.

Vì thế, trong Chúa nhật thứ nhất Mùa vọng, Tin mừng Marcô 13,33-37, tập chú vào lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết khi nào chủ nhà trở về”.

Chúa nhật thứ 2 Mùa vọng, Tin Mừng Marcô 1, 1-8 nhấn mạnh đến bí tích Rửa tội và những lời của Gioan Tẩy giả tại sông Giordan: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Chúa nhật thứ 3 Mùa vọng, trung tâm của Tin mừng Gioan 1, 6-8, 19-28 vẫn là Gioan Tẩy giả, “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng”, và là người đã đặt ra vấn đề cho người Do thái khi nói rằng: “Giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết”.

Sau hết, Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa vọng, Luca 1,26-38, tập trung vào biến cố Truyền tin, loan báo việc sinh hạ Chúa Giêsu, then chốt của trình thuật này là hình ảnh của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Đức Maria, biểu tượng của Mùa vọng

Đức Maria được xem như biểu tượng của Mùa vọng. Đức Thánh cha Phanxiô đã nói rằng: Đức Maria là “phương cách” mà chính Thiên Chúa đã chuẩn bị để qua đó ngài bước vào thế giới”, và là “người đã đem đến khả năng nhập thể của Con Thiên Chúa, Đấng “mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16,25) nhờ tiếng thưa “vâng” đầy khiêm tốn và can đảm của Mẹ. Ngày lễ kính Trọng thể Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12) – làm nên một phần của mầu nhiệm mà Mùa vọng cử hành : Đức Maria là mẫu gương của nhân loại được cứu chuộc, là hoa trái tuyệt vời nhất trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô.

www.avvenire.it

———————————-

[1] Xem thêm : Ý nghĩa các bài đọc các Chúa nhật Mùa vọng, [http://gpquinhon.org/q/than-hoc/y-nghia-cac-bai-doc-cac-chua-nhat-mua-vong-698.html]