(Thứ Năm Bát Nhật Phục sinh)
Sau thứ Sáu ấy – ngày Đức Giêsu chịu tử nạn -“nơi các môn đệ ở, các cửa phòng đều đóng kín, vì sợ người Do Thái” (Ga 20, 19). Vâng! Các môn đệ sợ hãi, mất phương hướng, bơ vơ. Mới đây thôi, họ đã đặt niềm tin sống chết với Đức Giêsu, thì thập giá đã làm cho tiêu tan như mây khói. Thế nhưng, điều gì đã xảy ra? Từ ít năm sau khi Đức Giêsu chịu chết cho đến nay, 20 thế kỉ sau, đức tin ấy vẫn tiếp tục tồn tại nguyên vẹn. Phải chăng Đức Giêsu Phục Sinh đã làm cho nẩy sinh nên lòng tin nơi họ? Một sự đổi mới lạ lùng; trước đây, Đức Giêsu rao gảng về nước Thiên Chúa; còn bây giờ, “các môn đệ nhân danh Đức Giêsu mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêsusalem” (Lc 24, 47). Dù họ có phải chịu đòn vọt, tù đày và giết chết đi chăng nữa.
Chúa đã sống lại thật để chúng ta được đổi mới mọi sự. Những kẻ ít học, không địa vị xã hội, đến từ các vùng quê chài lưới…họ đang tản mát ấn trốn trong nhà. Và “Đức Giêsu đã đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em’.” (Lc 24, 36). Bình an của liên đới và hiệp thông, của ân huệ Phục Sinh nơi Đức Giêsu ban cho họ. Trước sự bơ vơ, không biết xoay xở thế nào, thì giờ đây Chúa Phục Sinh đang ngự giữa họ, quy tụ họ về một điểm duy nhất là Đức Giêsu Phục Sinh. “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực”(Lc 24, 38). Đức tin chúng ta được đảm bảo và vững chắc nhờ chứng tá của những con người thực tế này. Họ là những kẻ đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng. Sự cứng tin của những con người khao khát chân lý, họ nhận ra niềm tin non yếu của mình trước một biến cố quá lớn lao ấy. Họ không dám đặt mình trong tương giao với Chúa Giêsu. Họ không tin nhưng ươm đầy khát vọng và đợi chờ sự đáp trả của Chúa. “ Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45).
Chúa Giêsu vừa là con người như chúng ta, vừa là Đấng hằng sống như Chúa Cha. “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). Chỉ khác chúng ta là Đức Giêsu Phục sinh thì không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Người sẽ không còn chết nữa, Người hằng sống nên “Người nắm giữ mọi quyền năng trên trời đưới đất” (Mt 28, 18), và hằng đứng bên hữu Thiên Chúa. Đức Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Mỗi chúng ta đều do Người và cho Người mà được dựng nên, và đều tồn tại trong Người, nên được mời gọi quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Cùng mở lòng “sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47) và làm chứng bằng đời sống và lời nói rằng Đức Giêsu thực sự vẫn là Người Sống. Tuy rằng, chúng ta đôi khi gặp nhiều vấn nạn và trở ngại. Là Kitô hữu nhưng tôi vẫn hèn nhát, sống ích kỉ, sống hà tiện, kiêu ngạo và trơ trẽn hơn người ngoại đạo. Nhưng tất cả chúng ta biết rằng Chúa Phục Sinh muốn ta hoán cải: Người muốn tha thứ tất cả và biến chúng ta trở thành môn đệ của Người, để “chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24, 48)
Sự sống lại nơi Đức Giêsu cho thấy rõ thân xác chúng ta đã được cứu chuộc. Người đã chết để chúng ta được ơn tha tội và sống lại để chiến thắng sự chết và để chúng ta cũng được sống lại với Ngài trong ngày sau hết. Chúng ta được kêu gọi trở nên giống như Người. Sống tinh thần của Người là hiền lành và khiêm nhường, là cùng chịu đau khổ với Người để mai sau được cùng sống lại với Người.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, trong thời đại chúng con, xã hội con người dường như bị che phủ bởi bóng đen của những biến cố bi, những thảm họa thiên nhiên, những tội ác con người… Chúng con khiêm nhường cầu nguyện không chỉ cho bản thân, mà cho cả thế giới mau đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa Phục Sinh. Không gì cao quý bằng việc chúng con sống chứng nhân cho Chúa bằng chính cuộc đời chúng con. Vì mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Chúa, là chúng con sống với nhau bằng chính tình yêu mà Chúa đã làm gương cho chúng con. Amen.
Lê Chung, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức