Một buổi trưa mùa hạ nắng như thiêu đốt, một phụ nữ mù lòa bước đi chậm chạp trên đường mòn ở vùng ngoại ô thưa thớt dân cư. Tay không cầm gậy, bà rất quen thuộc với lối đi này. Bên vệ đường, có một cây to, bà rẽ vào đó, dường như để trốn cơn nắng hạ dưới bóng mát tàn cây phủ trên khoảng đất rộng. Có thể bà sẽ nghỉ trưa như mọi lần sau những buổi đi xin.
Bà đến gần gốc cây, sẽ dựa vào đó để tìm giấc ngủ yên lành. Bà sẽ cảm thấy hạnh phúc không thua gì mệnh phụ ngã lưng trên chiếc giường nệm êm ái. Bà đang mơ màng với hạnh phúc lớn lao nhất thì, bất ngờ, vấp phải vật gì, bà chao đảo, chưa kịp lấy lại thăng bằng thì nghe tràng âm thanh chua chát: ”Ai đó? Bộ đui mù rồi hay sao mà không thấy tui đang ngồi đây vậy? Thứ đồ gì mà sớn sác thế?”
Xin lỗi, xin lỗi! Tôi mù cô ạ! Tôi mù thật! Cho tôi xin lỗi! Xin lỗi cô! Bà hốt hoảng trả lời khi gượng đứng lên được.
Giọng nói thanh thót quá, chắc là cô ấy còn nhỏ lắm, tuổi cỡ con mình là cùng. Bà nghĩ thế và hối hận vì thái độ bất cẩn của mình. Im lặng! Không có tiếng trả lời! Đúng như người phụ nữ suy đoán, tiếng nói phàn nàn gay gắt vừa rồi là của một cô bé trạc tuổi mười bốn, mười lăm. Có điều bà không biết được rằng cô bé ấy cũng mù như bà. Cô bé cũng đi xin và dừng chân nghỉ nơi này trước bà.
Hối hận vì lời nói vừa rồi, cô bé im lặng! Ngóng chờ một lúc, người phụ nữ mù lòa vẫn không nghe lời nào đáp lại. Bà nói lớn lên lần nữa: ”Cho tôi xin lỗi nhé! Tôi mù! Tôi mù thật đó!” Rồi bà quay lưng bước đi. Chợt cô bé gọi lại: ”Nè bà ơi, tôi cho bà một ngàn nè!” Số tiền duy nhất mà cô đang có. Nghe thế, bà rất mừng. Bà mừng vì nghĩ cô bé đã tha thứ cho mình, hơn là nhận được một ngàn đồng. Bà dừng lại, quay ngược chiếc nón lá cũ kỹ đưa về phía tiếng nói. Chợt một chiếc lá vàng rơi vào chiếc nón của bà. Tưởng cô bé bỏ tiền vào đó, bà nói: ”Cám ơn cô, cám ơn cô!” Nhưng, khi thọt tay vào nón lấy tiền, bà mới nhận ra đó chỉ là chiếc lá khô. Bà lẩm bẩm: ”Cô bé gạt mình. Chắc cô bé còn giận mình.” Bà buồn bã quay đi!
Trong khi đó, cô bé cầm tờ giấy một ngàn đồng, đưa về phía bà, chờ đợi bà lấy. Nhưng cô bé lại nghe tiếng bước chân xa dần. Không lấy tiền, chắc bà ấy còn giận mình. Cô bé nghĩ như vậy, và lòng vô cùng buồn bã.
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
Đọc xong chuyện này, tôi chợt nhớ câu nói của nhà văn nào đó: ”Tôi sợ chiếc lá rơi vô tình làm vỡ ánh trăng vàng trên mặt hồ yên lặng!”
Trong câu chuyện hai người mù, chiếc lá vàng không rơi vào mặt hồ yên lặng, mà vào chiếc nón của tâm hồn hiền hòa đơn sơ, làm tan vỡ sự an bình của hai tâm hồn cùng đau khổ. Hai người mù!
Người phụ nữ mù ở hiền quá, phải không, các bạn? Có thể cuộc đời của bà đã gặp nhiều lận đận, truân chuyên. Nhưng bà vẫn phản ứng rất dịu dàng với cô bé có phần thô lỗ. Cô bé mà lời lẽ có vẻ mất dạy ấy, trong thẳm sâu tâm hồn, vẫn rất đáng yêu. Cô hối hận. Cô chẳng biết nói gì, thậm chí cũng không xin lỗi người mà cô đã nói quá lời. Cô bé mù lòa, vô học ấy cần được cảm thông, nên người phụ nữ bị xúc phạm đã có lòng bao dung với cô bé. Cô bé dùng số tiền, mà cô có, là thái độ phục thiện, làm hòa, đó không phải là đáng yêu lắm sao?! Chỉ tiếc một điều là chiếc lá vô tình làm hai tâm hồn đơn sơ có một khoảng cách, không hiểu được nhau!
Trong đời, có biết bao lần con người hiểu lầm nhau.
Thế giới vật chất mênh mong đã đành, thế giới tâm hồn của mỗi người càng bao la hơn nữa. Cho nên có khi một người đang ở bên cạnh ta, mà vẫn như xa cách nghìn trùng!
Ngày nay, khoa học càng tiến bộ, thế giới càng gần nhau hơn, nhưng con người thật sự đã hiểu nhau chưa?
”Vô tri bất mộ”, không hiểu biết nhau, làm sao thương yêu nhau?
Tôi nhớ có chuyện phim Ấn Độ mang tên Khoảng Cách.
Chuyện kể:
Một buổi sáng đẹp trời, chàng thanh niên nọ lái xe đến sở làm, không may đụng phải đứa bé mới vừa lên bảy. Bé được chở đến bệnh viện cấp cứu. Tình trạng bé không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó bị gảy chân và có thể sẽ không trở lại bình thường.
Điều đáng nói, bé này là con trai duy nhất của một goá phụ chưa đầy ba mươi. Cô căm tức chàng trai, nguyền rủa chàng bằng những lời lẽ cay độc nhất. Điều đó có thể dễ hiểu: vì nàng quá thương con là niềm an ủi duy nhất của nàng khi chồng nàng mất không đầy một năm sau là nàng sinh đứa con đầu lòng. Đứa bé xinh đẹp, thông minh và dễ thương, bổng dưng thành kẻ tật nguyền. Càng nghĩ, nàng càng căm hận! Sau thời gian điều trị, đứa bé xuất viện, chân được phẫu thuật thành công, không phải cắt! Tuy vậy, đứa bé đi đứng còn rất khó khăn, cần phải luyện tập nhiều, mới có thể trở lại bình thường.
Mẹ đứa bé không thể nguôi ngoai được mối sầu hận trong lòng. Phần chàng trai, trong thời gian đứa bé ở bệnh viện, gần như lúc nào chàng cũng ở bên bé. Khi bé được xuất viện, mỗi sáng trên đường đi làm việc, chàng tranh thủ ghé thăm nó. Buổi chiều, chàng đến vui chơi với nó. Chàng động viên nó tập đi từng bước, như người mẹ tập con đi chập chững. Chàng mua quà cho bé, khích lệ bé, cổ võ bé mỗi khi bé đi được nhiều bước liên tiếp tự nhiên như người không bị thương tích! Chàng nhẫn nhục.
Chưa bao giờ mẹ đứa bé ban tặng chàng một nụ cười! Điều đó có nghĩa là chàng chưa được tha thứ! Nhiều lúc, chàng muốn buông tiền bồi thường trọn gói, rồi quay đi, bỏ mặc sau lưng goá phụ trẻ kiêu kỳ và sắt đá, nhưng chàng thật sự thương đứa bé. Chàng muốn trả lại đứa bé cuộc sống bình thường, hay ít ra là không đến đổi tồi tệ.
Rồi ngày tháng dần qua, nỗ lực của chàng đã đem lại kết quả rất khả quan. Những bước chân của đứa bé tuy còn đôi chút vụng về, cũng như trên gương mặt mẹ nó còn vương nét lạnh lùng, nhưng tiếng cười đã tìm lại được trong căn nhà hằng ngày vắng vẻ ấy.
Rồi chiều nọ, chàng nói lời từ giả hai mẹ con. Đứa bé ôm lấy chàng và hồn nhiên nói: ”Sao chú không ở lại với cháu luôn vậy, chú?”
Chàng nhanh nhẩu trả lời: ”Được rồi, được rồi! Cháu ngoan nhé! Chú sẽ thường xuyên đến thăm cháu mà! Nhớ phải tập đi, tập chạy nhiều nữa nhé! Hôm nào, ra bãi biển chạy đua với chú nha! Chạy thắng chú là có quà to cho cháu đấy!”
Mẹ đứa bé im lặng.
Một buổi sáng Chúa Nhật, trên bãi biển, đứa bé chạy đùa giỡn với chàng. Bé nắm tay kéo mẹ lại bên nó để cùng hốt cát đắp ngôi nhà thật to. Nó nói: ”Chú với mẹ nhặt những viên sỏi đẹp lót xung quanh nhà, nhen.” Nó chạy tung tăng, hí ha, hí hửng. Đôi chân nó đã mạnh thật rồi! Nó vui quá. Nó không còn nhớ đến vết thương nữa. Bóng đứa bé sáng rực và lấp lánh trên bãi biển như cánh hải âu trong nắng bình minh. Chàng nhìn theo đứa bé, lòng vui khôn tả. Góa phụ trẻ nhìn theo con, nụ cười rạng ngời không tắt trên môi.
Bất chợt, hai người nhìn nhau. Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi. Cả hai cùng cười. Họ đã quên khoảng cách tự bao giờ? Mới hôm nay hay đã từ lâu? Điều đó chỉ có hai người biết! Dường như có chút gì e thẹn trong cái nhìn bất chợt ấy.
Nàng cúi xuống như để che giấu điều gì từ cõi thâm sâu lòng nàng. Bất ngờ nàng thấy viên sỏi lớn đang lấp lánh trong nắng. Chàng cũng thấy. Nàng cúi xuống nhặt. Chàng cũng nhặt. Bàn tay của nàng đặt lên viên sỏi. Bàn tay của chàng đặt lên tay nàng. Nàng không rút bàn tay lại. Chàng cũng không.
Tiếng sóng biển vẫn, như muôn thuở, rì rào như tiếng tơ lòng muôn thuở vẫn ngân nga.
Chú! Mẹ! con nhặt được một bụm sỏi rồi nè! Mẹ và chú được nhiều không? Đứa bé chạy lại hỏi.
Không có câu trả lời. Chỉ có viên sỏi duy nhất mà hai người không nhường nhau! Cả hai đều đang cố giữ lấy viên sỏi ấy! Vì viên sỏi đã hóa kiếp thành viên kim-cương-hạnh-phúc! Mà hạnh phúc thì phải hai người giữ mới được vẹn toàn! Và, như thế, bạn đã biết phần kết luận của câu chuyện này rồi!
Cách nào là do định mệnh, khoảng cách nào là tại chúng ta?
Không có làn ranh nào rõ ràng cả! ”Tận nhân lực, tri Thiên mệnh.” Chúng ta phải cố gắng hết sức mình, bằng tất cả nghị lực để xoá tan khoảng cách của hận thù, để trái tim lên tiếng tình thương!
Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng! (Ca dao)
Vâng, TÌNH THƯƠNG xóa tan mọi KHOẢNG CÁCH!
Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Giáng Sinh, 01.12. 2013
Trần Kim Phượng