Khó nghèo theo dòng lịch sử linh đạo

64

Như chúng ta đã biết, vào khoảng thế kỷ thứ 4, người ta bắt đầu kéo nhau vào sa mạc để tu. Ngoài chuyện muốn xa lánh thế gian ồn ào để có thể chuyên tâm chiêm niệm Thiên Chúa, các ẩn sĩ cũng đồng thời chọn cho mình một lối sống nghèo hết mức có thể. Khi quyết chọn lẽ sống này, họ không thể mang theo bên mình tất cả những gì mình có, bởi lẽ, nếu giữ bên mình quá nhiều thứ, họ lại phải dành giờ để trông coi chúng. Tâm trí họ lại bị xao lãng và không thể tập trung cầu nguyện được. Từ bỏ hết tất cả mọi sự cũng trở thành một điều kiện tối cần thiết cho những ai muốn gắn bó với Chúa suốt cả cuộc đời. Để sinh tồn, họ phải lao động, canh tác, làm việc. Nhưng họ chỉ giữ lại cho mình những gì vừa đủ lúc này, còn lại bao nhiêu, họ dành hết cho người nghèo, để thể hiện một lòng tín thác nơi Chúa, Đấng sẽ ban cho họ “hôm nay lương thực hàng ngày.” Dù có chút liên đới với người nghèo nhưng hành vi này không bao hàm tính bác ái dành cho tha nhân, mà chỉ đơn giản là không muốn dính bén với vật chất và của cải. Tiền bạc đối với các ẩn sĩ là một mối hiểm hoạ, là rào cản lớn trong hành trình chìm sâu trong chiêm niệm.

Khi các ẩn sĩ bắt đầu lối sống chung và tiếp nhận các đệ tử, một trong những điều kiện dành cho các ứng viên là họ phải từ bỏ hết tài sản cá nhân trước khi vào cộng đoàn. Những gì kiếm được trong quá trình lao động sẽ được nộp hết cho cộng đoàn chứ không được giữ riêng và cũng không cho người nghèo. Vì sao? Bởi vì một khi đã chung sống với nhau, nhiều nhu cầu sẽ ra đời. Cộng đoàn cần có quỹ để trang trải những điều này. Trong phạm vi cộng đoàn bắt đầu có xu hướng phân công lao động. Sẽ có người lo làm việc, sẽ có nhiều buôn bán đổi chác và cũng sẽ có người chịu trách nhiệm quản lý số tiền thu nhập được để lo cho những vấn đề chung của cộng đoàn. Người ta không còn cho rằng vật chất làm họ chia trí, nhưng ngược lại, cần phải có vật chất thì mới có thể đảm bảo cho cuộc sống được. Dần dần, các cộng đoàn có nguồn tích luỹ riêng. Một số nhỏ trong đó có thể được trích ra để giúp người nghèo. Nhưng điều quan trọng là tương lai của các thành viên trong cộng đoàn được đảm bảo.

Trước khi vào Đan viện, các ứng viên vẫn phải từ bỏ tất cả mọi sự, nhưng họ chẳng bao giờ phải bận tâm về chuyện vật chất. Dĩ nhiên, họ vẫn chu toàn các giờ thiêng liêng. Bên cạnh đó, họ cũng phải làm việc, lao động chân tay, vừa để giữ tâm hồn thanh tịnh, vừa phục vụ cho cộng đoàn. Cuộc sống chỉ gói gọn trong bốn bức tường, với đầy đủ mọi nguồn thực phẩm và nhu yếu phẩm để sống. Công việc tông đồ bên ngoài chỉ là thứ yếu. Sự khó nghèo được thể hiện ở lối sống đơn sơ, và đặc biệt, phải lao động bằng chính đôi bàn tay của mình để có lương thực hàng ngày. Tuy nhiên, do sản phẩm làm ra quá nhiều, nên các đan sĩ bắt đầu học kinh doanh, và nhờ đó, nguồn thu vào càng lúc càng lớn. Khi đời sống Đan tu bắt đầu nở rộ, nhiều người đã không còn giữa được tính thuần tuý và nguyên tuyền của đời tu. Mất đi sự liên đới với người nghèo, mất đi luôn cả tinh thần khó nghèo, một vài đan sĩ bắt đầu nghĩ đến chuyện vun vén cho cá nhân. Cái tên “khó nghèo” dần dần chỉ là hình thức.

Chính khi người ta quên mất lý tưởng dâng hiến mà chỉ nghĩ đến chuyện tiền bạc, đời sống của họ bất đầu trở nên suy thoái. Cả một thời gian dài, đời tu chìm trong khủng hoảng, cả Giáo Hội bị bóng tối bao trùm. Chính lúc đó, cùng một lúc xuất hiện hai vị thánh, đã dùng sự khó nghèo như một phương thức thần diệu để thức tỉnh Giáo Hội. Họ đã sống đời khó nghèo theo đúng nghĩa đen của từ này. Họ từ bỏ của cải, giúp đỡ người nghèo. Tự lao động để kiếm sống hoặc đi xin ăn với những người nghèo khác. Họ chia sẻ với người nghèo những gì họ kiếm được hay làm ra. Họ đã mang lấy điều kiện sống của người nghèo, sống giữa người nghèo. Cả cộng đoàn lẫn cá nhân đều không có sở hữu gì. Như thế, với các dòng khất thực, sự liên đới với người nghèo được nhấn mạnh và đời sống khó nghèo được xem như là việc tông đồ.

Các dòng tông đồ ra đời khá muộn nhưng lại có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của Giáo Hội cho đến tận ngày nay. Các tu sĩ dòng tông đồ luôn đặt trước mắt mình hai chữ sứ mạng. Họ từ bỏ bổng lộc và phẩm chức. Họ tự chối thù lao cho sứ vụ của mình. Họ chấp nhận chịu thiệt, sống bằng của bố thí, sẵn sàng ăn xin. Họ chọn đời sống nghèo vừa để hoàn thiện bản thân, vừa bảo toàn thể chế. Họ nhìn về khó nghèo trong khuôn khổ của sứ mạng. Nghĩa là, nhờ khó nghèo, họ thấy mình thanh thoát hơn, họ hiểu được người nghèo, dễ tiếp cận với người nghèo, dễ làm việc với họ. Nhưng đối tượng của họ không chỉ là người nghèo mà là mọi lớp người trong xã hội. Bởi thế, họ khuôn mình sao cho thích hợp với môi trường và hoàn cảnh. Họ có thể mặc áo rách rưới khi ở với người nghèo, nhưng cũng có thể diện quần áo sang trọng khi gặp gỡ các đấng bậc trọng vọng, miễn là công việc tông đồ được tiến triển tốt. Dù vậy, cả cộng đoàn phải luôn tâm niệm rằng “khó nghèo là thành luỹ bảo vệ đời tu”. Không ai được có sở hữu riêng. Nhận được gì là nhận cho cộng đoàn và nhận từ cộng đoàn. Như thế, từ đây, sự khó nghèo đã được nối kết với sứ mạng. Các tu sĩ không sống khó nghèo như một việc tông đồ nhưng là sống đời khó nghèo mang tính tông đồ. Họ không coi tài sản là xấu, nhưng biết cách sử dụng nó để phục vụ cho việc tông đồ của mình.

Qua dòng lịch sử, ta thấy được sự thay đổi trong quan niệm của các tu sĩ liên quan đến tiền bạc và sự khó nghèo. Lúc đầu, người ta ghét bỏ nó vì cho nó là điều xấu xa, sợ khi phải dính bén đến nó. Sau đó, người ta đã để mình bị thống trị, không phải bởi đồng tiền, nhưng là cái thói hám lợi và muốn vơ vét. Nhưng rồi, sự khó nghèo quay trở lại với đời tu qua một lối sống hoàn toàn buông bỏ, không để một chút bạc tiền hay công danh nào động đến mình. Khác với lúc trước, sự từ bỏ mọi của cải vật chất không phải vì sợ nó làm mình chia trí lúc cầu nguyện nhưng là để minh chứng cho giá trị của cái nghèo, để có thể sống với và sống như người nghèo. Cuối cùng, thay vì sống không nhà không cửa như một người nghèo thực thụ, người ta bắt đầu sống cái nghèo bằng một sự thanh thoát của con tim, đặt phía trước mình sứ mạng. Không nhất thiết phải là một người nghèo xơ xác, nhưng dù có trong tay nhiều vật chất, người tu sĩ vẫn không bị nó lôi cuốn, họ vẫn tự coi mình là một người nghèo thực sự. Có cũng được, không có cũng không sao. Có mà coi như không. Không nhưng thực sự là có. Cái nghèo được mặc lấy màu sắc của tính tông đồ, hệt như Đức Giêsu năm xưa. Lược lại lịch sử liên quan đến quan niệm về đức khó nghèo không có ý nói rằng cái sau tốt hơn cái trước, hay dòng này tốt hơn dòng kia. Ở mỗi thời đại, Thánh Thần hoạt động theo một cách thức riêng và phù hợp với cách hiểu của con người ở thời đại đó. Lý tưởng vẫn luôn là lý tưởng, con người có sống được lý tưởng đó hay không lại là một vấn đề khác.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ