GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Khiết tịnh và Tình yêu

Khiết tịnh và Tình yêu

Tính dục và khiết tịnh không phải là đối thủ như kiểu nền văn hóa và giáo hội chúng ta thường nhận định. Chúng chỉ là hai mặt của đồng xu. Chúng cần nhau. Tính dục không có khiết tịnh thì vô hồn và không đáng trọng.

.

Khốn cho khiết tịnh, nếu nó không được thực hành trong yêu thương, nhưng khốn cho yêu thương mà không có khiết tịnh.. 

Đây là những lời của thầy dòng Biển Đức, Benoit Standaert, và tôi tin chúng có thể rất hữu ích trong văn hóa thời nay, nơi mà hầu như mọi người cả trong giới thế tục lẫn sống đời khiết tịnh tận hiến đều nghĩ rằng tính dục và khiết tịnh là thứ đối lập nhau như tử địch.

Thật đáng buồn khi thời nay người ta không hiểu rõ sự đối lập này, cả trong văn hóa lẫn trong Giáo hội chúng ta. Trong văn hóa đương đại, sự khiết tịnh hầu như được xem là ngây thơ ngơ ngác, thiếu sự khai sáng quan trọng, và chỉ là một phẩm chất được tôn vinh và bảo vệ trong tuổi ấu thơ. Thật vậy, trong nền văn hóa thời nay, khiết tịnh thường bị khinh thị và bị xem là sự khắc nghiệt về đạo đức dựa nên nỗi sợ. Mỉa mai thay, nhiều người trong Giáo hội đang cố bảo vệ sự khiết tịnh lại, cũng chẳng lành mạnh hơn gì. Chúng ta không bao giờ liên kết sự khiết tịnh với một linh đạo có thể tôn vinh tính dục như là món quà đẹp đẽ của Thiên Chúa vốn được định để gắn kết sự phong phú, thiêng liêng và vui mừng.

Tính dục và khiết tịnh không phải là đối thủ như kiểu nền văn hóa và giáo hội chúng ta thường nhận định. Chúng chỉ là hai mặt của đồng xu. Chúng cần nhau. Tính dục không có khiết tịnh thì vô hồn và không đáng trọng. Ngược lại, khiết tịnh tự xem mình là cao vượt hay tách rời tính dục, thì sẽ kết cục trong cằn cỗi, phán xét và giận dữ. Khốn cho cả hai, nếu không biết tôn trọng mặt kia.

Bất hạnh thay, ngoại trừ vài ngoại lệ, Giáo hội chưa từng hiểu thấu về tính dục, và cũng như vậy, trừ số ngoại lệ còn hiếm hoi hơn, nền văn hóa của chúng ta chưa từng hiểu thấu sự khiết tịnh. Người ta tìm kiếm, và hầu như chẳng thấy, một linh đạo kitô giáo về tính dục thật sự bao quát và tôn vinh chính đáng món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta trong tính dục. Cũng như thế, người ta cũng tìm kiếm, và hầu như chẳng thấy, một tiếng nói thế tục nào toát lên được tầm hệ trọng của khiết tịnh. Khi ông Môsê đứng trước bụi gai bốc cháy và Thiên Chúa bảo ông, “Cởi giày ra vì nơi ngươi đang đứng là nơi thánh,” cũng có lẽ là lời Thiên Chúa đang nói về chúng ta khi đứng trước mặt nhau trong mầu nhiệm tình yêu và tính dục. Tính dục đem lại sự sống chỉ khi nó được trao ban và đón nhận cùng lòng tôn trọng thích đáng.

Tính dục không chỉ là tình dục. Khi tạo thành con người đầu tiên, Thiên Chúa nhìn họ và nói, “Con người ở một mình thì không tốt!” Điều này không chỉ đúng với ông A-dong và bà E-và, mà còn đúng với tất cả mọi con người, mọi sinh vật, và mọi phân tử nguyên tử trong vũ trụ. Ở một mình thì không tốt, và tính dục là ngọn lửa tồn tại trong chúng ta ở mọi mức độ hiện sinh, ý thức và không ý thức, cả thân xác và linh hồn, hướng chúng ta ra khỏi sự cô độc của bản thân, hướng về gia đình, cộng đồng, tình bạn, kết giao, sinh sôi, đồng sáng tạo, mừng vui, phấn khởi và giao hợp. Tính dục có liên kết với bản năng sống của chúng ta, và không thể tách rời khỏi sự thiêng liêng mà chúng ta cảm nhận trong mình với tư cách thụ tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Và là một sinh lực, tính dục là điều thiêng liêng, không bao giờ đáng bị dè bỉu hay bị hạ giá xuống một thứ tầm thường.

Còn khiết tịnh, nhiều người chúng ta không biết, trước hết không chỉ là một khái niệm trong tình dục. Nó hơn thế nhiều. Khiết tịnh là sự tôn trọng thích đáng và kiên nhẫn thích đáng, không chỉ là lập trường của chúng ta với hôn nhân, mà thật ra là lập trường của ta trước mọi chuyện trong đời. Khiết tịnh không phải là độc thân, và càng không phải là lãnh đạm. Người ta có thể độc thân nhưng không khiết tịnh, cũng như người ta có thể có sinh hoạt tình dục tích cực nhưng vẫn khiết tịnh. Nếu hiểu đúng, thì khiết tịnh không phải là bài tình dục, mà nó bảo vệ tính dục khỏi sức mạnh quá dữ dội của chính nó bằng cách tạo nên những bộ lọc cần thiết, là sự kiên nhẫn và tôn trọng, để cho người khác được là chính mình, cho chúng ta được là chính mình, và cho tình dục được là một ơn thiêng liêng đem lại sự sống như mục đích của nó.

Trong quyển Holy the Firm, Annie Dillard đã cho chúng ta một hình ảnh rất thú vị về khiết tịnh. Bà kể rằng, một ngày nọ, khi ngắm một chú bướm vất vả chui ra khỏi kén, và bà đã mất kiên nhẫn. Tiến trình thoát kén thật đẹp nhưng chậm kinh khủng, nên bà đã lấy một cây nến và thêm nhiệt lượng cho nó. Chú bướm chui ra khỏi kén nhanh hơn, nhưng bởi tiến trình đã không theo đủ thời gian và sự tự do cần thiết của nó, nên chú bướm chui ra với đôi cánh bị hỏng. Quy luật tự nhiên đã không được tuân thủ, một lỗi lầm trong khiết tịnh, một sự mất kiên nhẫn thiếu khôn ngoan, một sự hấp tấp dẫn đến khiếm khuyết xảy ra trong tự nhiên.

Tính dục và khiết tịnh cần nhau. Tính dục đem lại sinh lực, khát khao, nồng nhiệt và khẩn bách khiến chúng ta nhận ra, trong vô thức hay ý thức, rằng ở một mình thì không tốt. Nếu dập tắt tiếng nói của tính dục, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi và giận dữ. Mặt khác, khiết tịnh cho chúng ta biết rằng, trên hành trình tìm kiếm sự hòa hợp với mọi thứ vượt ngoài bản thân, chúng ta phải đủ kiên nhẫn và tôn trọng để cho người khác được trọn vẹn là chính họ và chúng ta được trọn vẹn là chính mình.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Exit mobile version