Khiết tịnh là sự điều hòa tính dục cách lành mạnh

177

Có lẽ hơi lạ khi đang suy tư dựa vào những nghiên cứu khoa học của con người hiện nay mà lại dùng một hạn từ có vẻ đã lỗi thời rồi, như chữ “khiết tịnh”, và lại dành cho nó một chỗ lớn nữa. Theo dư luận thông thường, khiết tịnh không phải là thái độ dành riêng cho các linh mục và nam nữ tu sĩ hay sao? Tôi xin chứng minh đó là một ý kiến hoàn toàn sai. Ngoài ra, tôi cũng muốn cho thấy rằng đứng trên quan điểm của khoa nhân học hiện nay, có lẽ không có từ ngữ nào thích đáng hơn là “khiết tịnh”, để nói về việc điều hoà tính dục cách lành mạnh. Tuy nhiên, trước khi làm hai việc này, ta cần định nghĩa lại hai từ thường bị đại chúng hiểu sai.


* HAI ĐỊNH NGHĨA


– Tiết dục. 
Chữ này xuất phát từ chữ  La-tinh: “continere”, nghĩa là cầm giữ. Đó là tình trạng của một người cầm giữ các xung lực tính dục của mình. Nếu vậy, người tiết dục là người tránh mọi khoái cảm sinh dục cố tình tạo ra, nghĩa là người ấy sẽ không thủ dâm hay không tiến sang hành vi tính dục nào với người khác. Nên nhớ khiết tịnh không phải chỉ là tiết dục. Quả thế, có thể có những trường hợp một người tiết dục nhưng không khiết tịnh, như sau này tôi sẽ cho thấy. Thứ đến, khiết tịnh không phải là điều dành riêng cho người độc thân. Mọi người, dù đã kết hôn hay không, dù quân bình hay không, đều phải nhắm tới đức khiết tịnh, nếu đứng về phía đạo đức học để xét.


– Khiết tịnh. 
Chữ này ám chỉ thái độ nội tâm của một người, thúc đẩy người ấy điều hoà tính dục của mình một cách có sức khai phóng (cho mình và cho người khác). Nếu hiểu đúng, nói khiết tịnh không phải là nói tới một người có ý muốn vượt qua hay tệ hơn, phủ nhận tính dục, nhưng là muốn điều hoà cái tổ chức của các xung lực dục tính cục bộ mà ai cũng có (10). Vì thế, sống khiết tịnh không phải là tìm cách tránh tính dục, mà là tìm cách đảm nhận lấy tính dục, cho dù đang sống trong bậc sống nào và đã đạt được sự quân bình nhân bản đến mức nào rồi. Ngoài ra, mục tiêu: mà việc điều hoà tính dục nhắm tới là một mục tiêu hết sức tích cực: để được tự do nhiều hơn. Như vậy, cố gắng trở nên khiết tịnh là cố gắng sử dụng tính dục thế nào để trở nên đàn ông hơn hay đàn bà hơn; tắt một lời, là để gia tăng khả năng quan hệ của chúng ta.


* KHIẾT TỊNH LÀ NGƯỢC LẠI VỚI QUAN HỆ KHÔNG BIẾT PHÂN BIỆT

Nghe những định nghĩa trên đây, một số người hẳn sẽ phản đối: “Rõ ràng là quí vị muốn tránh những sự mơ hồ lẫn lộn, quí vị đã đưa ra một hình ảnh tích cực về sự khiết tịnh, nhưng đó vẫn chỉ là những điều trừu tượng. Vì rốt cuộc, một cách cụ thể, thế nào là tính dục đã được điều hoà với sức khai phóng? Đâu là tiêu chuẩn cho biết tính dục nay đang được nhân bản hoá, tính dục kia chưa được nhân bản hoá?”.

Hơn nữa, để cho lời ta nói khỏi rỗng tuếch, cần phải xác định thêm khiết tịnh hệ tại điều gì. Tôi sẽ quay về với nguồn gốc của từ ngữ, vì thật lạ lùng, từ nguyên của chữ “khiết tịnh” chứa đựng rất nhiều sự thật của con người. Chữ “chaste” (khiết tịnh) bắt nguồn từ chữ la-tinh “castus”. Thế mà phản nghĩa của “castus” là “incastus”, được dịch sang tiếng Pháp là “incestueux”. Nói cách khác, nếu dựa vào từ nguyên, một người khiết tịnh là người không loạn luân.

Nhận xét dựa vào từ nguyên trên đây sẽ không lý thú gì nếu ta chỉ hiểu chữ “inceste” theo nghĩa hạn hẹp trong ngôn ngữ thường dùng, tức có quan hệ với người bà con gần của mình (“loạn luân”). Đang khi đó, từ nguyên của chữ “khiết tịnh” sẽ rất có ý nghĩa nếu hiểu chữ “incestueux” một cách rộng rãi hơn. Trong bài này, tôi sẽ gọi “incestueux” là bất cứ hành vi nào tìm cách kéo dài hay diễn lại tình trạng bất phân định đã xảy ra ở đầu đời chúng ta, giữa lúc ta còn trong bụng mẹ và khi đã trở thành trẻ nhỏ. Nếu vậy, khiết tịnh là cố gắng đưa mình ra khỏi tình trạng bất phân định (“incestueux”) là tình trạng của mọi người khi mới bắt đầu hiện hữu.


* TỪ PHA TRỘN TIẾN TỚI CHỖ THÀNH NGƯỜI

Để hiểu rõ hơn, ta hãy nhờ tới một lược đồ tuy đơn giản hoá nhưng rất sáng sủa. Đối với đứa trẻ, sống cho ra người, có được sự tự lập là dần dần phân biệt mình với cái thế giới pha trộn giữa mình và nguồn gốc sinh ra mình. Đó là chấp nhận mất vĩnh viễn “đối tượng” của mình, tức là nguồn gốc của mình.

Vì thế, cần phải có một sức mạnh nào đó đến cắt đứt, đến “cắt cụt” cái thế giới pha trộn ấy để đứa trẻ không còn ước ao tự đồng hoá mình với nguồn gốc và hướng tới các “đối tượng” khác. Khi nói “đối tượng”, tôi không muốn ám chỉ một đồ dùng vật chất như cái bàn hay một vật nào đó, mà là tất cả những gì nằm bên ngoài con người của đứa trẻ. Sức mạnh sẽ cắt đứt đứa trẻ với thế giới bất định, giúp nó có điều kiện khám phá rakhông gian bao la, nghĩa là các “đối tượng” khác ở chung quanh nó. Nó sẽ ý thức rằng mọi sự đều không phải là nó, giữa nó với thế giới còn lại có rất nhiều khác biệt. Sức mạnh đoạn giao ấy giúp đứa trẻ khám phá ra thời gian, nghĩa là cho nó thấy cần phải trở thành người và xây dựng nhân cách qua những quan hệ nhân bản vừa chậm chạp vừa rất nhiều.

Sức mạnh sẽ cắt đứt đứa trẻ khỏi thế giới pha trộn ấy là gì? Ta gọi đó là “luật lệ”, nghĩa là toàn bộ những cơ sở xã hội phải tham chiếu, đã có sẵn khi đứa trẻ ra đời: đó là ngôn ngữ, những lệnh cấm, người cha, tất cả những quan hệ họ hàng, v.v…, nghĩa là tất cả những cơ sở tham chiếu nằm ngoài đứa trẻ và nó buộc phải đi qua đó để từ từ được tự lập, được nói hai chữ “Tôi”. Như vậy, muốn thành người, muốn sống cho ra người, phải luôn luôn biết từ khước: từ khước tình trạng bất phân định, từ khước đồng hoá mình với nguồn gốc sinh ra mình.

Ta có thể quảng diễn câu Tin mừng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai dám mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được nó” như sau: “Ai muốn cứu cuộc sống pha trộn ấy thì sẽ mất cuộc sống làm người. Ai dám mất cuộc sống pha trộn ấy vì lề luật thì sẽ cứu được cuộc sống làm người”.


* TỪ KHƯỚC MỘT THẾ GIỚI PHA TRỘN

Để những điều vừa nói trên đây không phải chỉ là lý thuyết, tôi sẽ đưa ra vài thí dụ cho thấy thế nào là sống khiết tịnh: khiết tịnh là từ khước thế giới pha trộn với bốn đặc điểm chính sau đây:

– một thế giới không hề có khiếm khuyết, vì thế không hề có thất bại và chết chóc;
– một thế giới không có chi khác biệt, nên cũng không phân định không gian và thời gian;
– một thế giới toàn năng: mọi sự dường như đều có thể thực hiện; đứa trẻ tưởng tượng rằng mình có thể làm mọi sự vì mình là tất cả đối tượng ham muốn của mẹ mình;
– một thế giới có sự đồng nhất với nguồn gốc sinh ra mình.


* Từ khước một thế giới không hề có khuyết khuyết…

Nghĩa là chấp nhận thất bại và chết chóc trong cuộc sống. Đây không phải là điều dễ! Phải biết nhìn nhận mình rất bị giới hạn về khả năng biến cải bản thân mình, khả năng xây dựng hay phá hoại thế giới. Chẳng hạn, nếu đang thi hành công tác giáo dục thì đó là nhìn nhận mình không thể toàn năng đối với những người thụ huấn của mình. Đối với các Kitô hữu, đó cũng là nhìn nhận tội mình, nhìn nhận trong khiêm tốn chứ không phải trong nhục nhã. Quả thế, có nhiều cách nhìn nhận mình là tội nhân nhưng không thanh khiết, khiến ta cảm thấy nhục nhã, như “bị đè bẹp” trước mặt Chúa, làm ta phải bực bội với chính mình. Thế mà, bực bội như vậy là một cách chứng tỏ mình không chịu đựng được những khiếm khuyết của mình và muốn huỷ mình đi để được quyền năng như Chúa. Giữa khiết tịnh và khiêm nhượng quả là có một sự liên hệ rất sâu xa. Sau cùng, khiết tịnh sẽ giúp ta gạt bỏ chủ trương tinh ròng cực đoan trong đời sống tu đức. Những chủ trương tinh ròng cực đoan, chủ trương cầu toàn thái quá đều xuất phát từ thế giới nguyên thuỷ mà ta cần phải giã từ.


* Từ khước một thế giới không có sự phân biệt…

Sau đây là hai trong nhiều thí dụ minh hoạ điều này:

– Sống khiết tịnh trong cộng đoàn nghĩa là gì? Có nghĩa là chống lại cái “huyền thoại” đòi mọi người trở nên trong suốt hoàn toàn đối với nhau,  như ta thường thấy các nhà tu đức giả hiệu đề cao…Phải nói  với nhau tất cả, phải trở nên trong suốt hoàn toàn đối với nhau. Thế mà đây cũng là nguyên nhân đưa tới lo âu và bạo loạn; đây là một thái độ có dính dáng với cái thế giới pha trộn mà ta phải giã từ…

– Sống khiết tịnh là từ khước chinh phục tất cả mọi sự và chinh phục ngay tức thời. Đòi có ngay mọi sự là đã khước từ những khác biệt trong thời gian. Muốn xây dựng cuộc sống và cuộc sống tâm linh thì phải mất nhiều thời gian. Vì thế, nóng nảy thiếu nhẫn nại là đi ngược với khiết tịnh. Thánh Phanxicô Salêsiô đã từng nói như thế: “Anh em đừng nổi nóng, cũng đừng nổi nóng khi thấy mình không thể sống kiên nhẫn”.

Như thế, khiết tịnh là “làm cho khác đi” (một từ được tạo ra từ chữ La-tinh “alter”, nghĩa là “khác” ) : làm cho người khác càng khác hơn và làm cho tôi càng tôi hơn. Thay vì thay đổi người khác, vùi dập người khác, đức khiết tịnh sẽ “làm cho họ thêm khác”, sẽ thăng tiến người khác.


* Từ khước một thế giới toàn năng…

Vì từ khước mọi cám dỗ trở thành toàn năng, người khiết tịnh sẽ hoài nghi mọi thứ tu đức đòi làm chủ bản thân mình cách tuyệt đối. Một số nhà khổ hạnh tên tuổi cuối cùng đã bị đánh giá là “đòi bất phân định” : họ không chịu cho một sự gì thoát khỏi tay họ.

Cũng thế, khiết tịnh sẽ đưa ta tới chỗ vẫn có liên quan với những rối loạn và khoái cảmđúng mức của chúng. Một cuộc sống đòi loại trừ hết mọi rối loạn hay mọi khoái cảm cuối cùng sẽ chỉ là một cuộc sống không khiết tịnh về mặt tâm lý, vì sống như thế là đòi chối bỏ mọi sự lệ thuộc nhau. Tôi xin giải thích thêm: Khi bị bối rối bởi ai hay bởi việc gì, khi cảm thấy khoái lạc, dù thuộc trật tự nào, là tôi không còn có thể tự cho là độc lập với mọi sự: sự bối rối hay khoái lạc này là do một hình ảnh, một âm thanh, một phân tử hương thơm, hoặc do đường cong của một thân thể, hoặc do một đồ uống nào đó, v.v… Sự bối rối và khoái lạc có thể dạy cho tôi biết tôi không phải là kẻ toàn năng vì còn quá lệ thuộc vào các thực tại của thế giới này, kể cả những thực tại vô hồn.

Như thế, thật là kỳ cục, sự tiết dục – nghĩa là việc kiêng tránh các khoái lạc sinh dục –đôi khi có thể là triệu chứng của tình trạng không chịu sống khiết tịnh thật sự, cũng như việc không tiết dục cũng có thể là triệu chứng của tình trạng ấy… Nếu vậy, người ta chưa hẳn đã khiết tịnh khi sống tiết dục.


* Từ khước đồng hoá mình với nguồn gốc sinh ra mình…

Sau đây là ba thí dụ:

– Không phải là khiết tịnh khi người ta muốn dùng mọi cách và khi người ta có ước muốnđồng hoá mình với Thiên Chúa bằng mọi giá, muốn hoà lẫn với Đấng mà người ta gọi là Tạo hoá của mình. Nói cách khác, mọi nền tu đức ít nhiều dựa vào ma thuật hay đặt quyền năng của Thiên Chúa cho mình trực tiếp sử dụng (như có một số nhóm đoàn sủng bị cám dỗ làm thế) đều không phải là khiết tịnh; hay mọi kiểu tu đức gây cảm tưởng rằng ta có thể gặp Thiên Chúa trực tiếp không cần phải qua những trung gian nhân loại vừa cay chua vừa dài dằng dặc như thông qua các tìm hiểu về chính trị, xã hội, tình cảm… cũng vậy. Tất cả những hình thức tu đức này đều là những loại tu đức “đòi bất phân định”, không sống khiết tịnh vì đã đồng hoá mình với Thiên Chúa.

– Cũng thế, mọi linh đạo cho người ta cảm tưởng rằng mình có thể đồng hoá trọn vẹn với thân xác có giới tính của mình, tới mức làm chủ nó hoàn toàn và có thể nói “tôi là thân xác của tôi”, đều là không có tính khiết tịnh. Cho dù ta không có thân xác như có một y phục, nhưng phải luôn luôn ý thức rằng thân xác chúng ta đang phần nào thoát khỏi sự làm chủ của “tôi”, thoát khỏi ý muốn của chủ thể.

– Sau cùng, cũng chẳng khiết tịnh gì khi người ta đòi thi hành tính dục trong bối cảnh “chỉ có…” vì lúc đó ta đang đi tìm một đối tượng sẽ thoả mãn khát vọng của ta một cách no nê. Mỗi khi trong cộng đoàn được dịp nghe ai đó đòi “chỉ thế này thế kia” trong các ý kiến tu đức của mình, thì hãy nhớ đó hầu chắc là những ý kiến theo kiểu “bất phân định”: “Tôi chỉ muốn biết Thiên Chúa”.  “Có Thiên Chúa là đủ cho tôi rồi”. “Chỉ có cầu nguyện là quan trọng”. Tất cả những kiểu nói ấy đều là một cách từ khước không nhìn nhận sự khiếm khuyết, sự thiếu hụt nơi mình.


* Một công trường bao la, một công việc không bao giờ hoàn thành…

Bây giờ ta hãy nói một cách tích cực, hãy nhìn từ quan điểm luân lý, khiết tịnh là yêu thương, là sống sự thiếu hụt nơi mình, là biết phân định. Hay để mô tả chi tiết hơn, khiết tịnh là tập sống tính dục của mình sao cho có thể xây dựng được các quan hệ với vũ trụ và với người khác, trong khi vẫn nhìn nhận sự thiếu hụt nơi mình hay những sự dị biệt làm nên mình.

Quả thật, một người khiết tịnh sẽ tìm cách xây dựng những quan hệ không những với các ngôi vị mà cả với vũ trụ, với bất cứ thực tại nào ở chung quanh mình như mặt trời, bông hoa, cát bụi, biển cả, rượu chè, âm nhạc…

Nếu thế, đức khiết tịnh có một lãnh vực rất rộng. Nó có liên hệ tới những tương quan của tôi với người thân, với các hoạt động của tôi, với việc cầu nguyện của tôi (có nhiều cách cầu nguyện không thanh sạch), với tất cả những gì ở chung quanh tôi, làm nên tôi như lương thực, giấc ngủ, hương thơm, âm nhạc, quần áo, mặt trời… chứ không phải là sự khiết tịnh có thể chỉ mặt đặt tên hay chỉ là sự tiết dục!

Sau cùng, nên nhớ khiết tịnh là một công việc phải làm, chứ không phải là một tình trạng. Đó lại là một công việc không bao giờ kết thúc, mà mỗi người sẽ tìm cách thực hiện, bắt đầu từ cơ cấu tổ chức tâm lý – tính dục mỗi người đang đụng chạm tới lúc này, bắt đầu từ chính tình trạng tính dục của người ấy. Vả lại, làm sao có thể khác được? Một số người điều hành công việc ấy bằng cách bắt đầu từ cơ cấu tâm lý – tính dục của chính mình vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Chẳng hạn, có người sẽ thực hiện công việc sống “khiết tịnh” từ “cơ cấu” đồng tính luyến ái hay từ những ức chế đang chế ngự họ – những ức chế khác nhau như sợ phụ nữ, sợ đàn ông, v.v…- hoặc từ những chuyển biến như đang tiến tới hành vi thủ dâm một cách mãnh liệt, không dừng được, v.v… Tuy nhiên, dù tình trạng tâm lý – dục tính của mỗi người có thể nào đi chăng nữa, họ cũng phải liệu sao để làm chủ các nét đặc biệt ấy. Làm chủ đôi khi đòi phải vượt qua những nét đặc biệt ấy, nhất là khi thấy có thể làm được và hữu ích. Cũng có khi đương sự phải xây dựng đời sống tính dục của mình, vốn có hai giá trị – vừa tốt vừa xấu – khi thấy không thể nào vượt qua được những nét đặc biệt ấy. Như trường hợp của những người đồng tính luyến ái chẳng hạn.

Muốn thực hiện công việc điều hoà tính dục như thế, ta phải rất sáng suốt và đôi khi phải rất can đảm nữa. Phải luôn luôn yêu thương và biết khôi hài nhiều hơn.


* Ý NGHĨA KITÔ GIÁO CỦA SỰ KHIẾT TỊNH

Một điểm xác tính quan trọng rút ra được từ chính sứ điệp Thánh kinh, đó là không thể gặp Chúa nếu không biết chấp nhận một nhân tính đã bị chi phối bởi giới tính. Hãy tìm những chỉ dẫn cho biết niềm xác tín đó trong 2 trang Thánh kinh cơ bản: Sáng thế 2,25 – 3,13; Philipphê 2,5-11.


* Ađam và Eva bị cám dỗ

Thuật trình này cho thấy dưới hình thức huyền thoại thân phận của Ađam và Eva trong vườn địa đàng. Chúng ta thấy họ đang sống sung mãn vì đang khát khao và ước vọng – ước vọng ấy còn mãi nhờ biết tôn trọng những dị biệt và những thiếu hụt của mình:

– Khác biệt giữa Thiên Chúa và tạo vật;
– Khác biệt về tính dục, được hai người đảm nhận lấy không chút xấu hổ;
– Khác biệt giữa các cây “được phép” và cây “bị cấm”.

Cây mà người đàn ông và người đàn bà không làm chủ được chính là đối tượng họ hằng mơ ước (c.6). Như thế, bản văn đã cho biết đâu là thân phận của những con người thật sống trước mặt Chúa (c.3), đó là vừa ước ao vừa nhìn nhận những khác biệt.

Cơn cám dỗ đã đến với Eva và Ađam. Con rắn mời hai người thôi khát vọng bằng cách chấm dứt những sự khác biệt. Tên Cám dỗ đã làm cho hai ông bà hoa mắt vì những lời hứa hẹn tưởng tượng: “Nếu ông bà thoả mãn khát vọng của mình bằng cách ăn trái cây bị cấm ấy, ông bà sẽ trở nên giống thần minh”. Nội dung cám dỗ thật rõ ràng: đó là hãy giã từ thân phận con người để tiến tới một thân phận không phải của mình – trở thành “thần minh”. Câu chuyện cho biết: muốn vậy, phải từ chối lệnh cấm, từ chối nuôi ước vọng, từ chối sự khác biệt của Thiên Chúa. Và hậu quả của những sự từ chối ấy là mọi quan hệ đối với các thực tại nhân loại quan trọng đều bị lệch lạc: quan hệ đối với lao động, đối với sự sinh sản, và cả đối với tính dục. Từ nay, Ađam và Eva sẽ cảm thấy không thoải mái đối với tính dục của mình (cc.7-10), vì tính dục nhắc họ nhớ tới sự khác biệt, nhớ tới những gì họ không phải là, mà chỉ giản dị là tạo vật.

Như thế, muốn đối diện một cách lành mạnh với Thiên Chúa thì phải chấp nhận trọn vẹn làm những thụ tạo thiếu hụt, những thụ tạo đã có giới tính. Đó cũng là dấn thân sâu xa vào thực tại nhân loại, thay vì chạy trốn nó. Điều này còn được nhắc nhở rõ hơn nữa trong thư thánh Phaolô gởi Hội thánh Philipphê (2,5-11).


* Đức Giêsu, Ađam mới, là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn.

Trong bài thánh thi này, Phaolô đối chọi thái độ của Đức Kitô – Ađam mới – với thái độ của Ađam đầu tiên. Nếu Ađam đầu tiên muốn giành lấy địa vị của Thiên Chúa bằng cách chối bỏ thân phận con người của mình là luôn ao ước, luôn thiếu hụt và sẽ phải chết, thì ngược lại Đức Giêsu đã lặn sâu vào thực tại nhân loại. Thay vì “coi việc ngang hàng với Thiên Chúa là một miếng mồi phải nắm lấy”, Đức Giêsu đã mặc thân phận con người trong mọi sự. Ađam muốn phi nhân bản chính mình; còn Đức Giêsu muốn nhân bản hoá chính mình cách trọn vẹn và nhân bản hoá chính mình bằng tình yêu thương. Bởi chưng, chính vì yêu thương và muốn liên đới với những người đang sống trong tình cảnh thiếu hụt trầm trọng – những người bị khai trừ – mà Đức Giêsu chấp nhận bước lên thập giá. Khi tôn vinh Đức Giêsu, Chúa Cha đã gán tiếp tuyên dương việc Đức Giêsu chia sẻ thân phận loài người cách trọn vẹn. Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua – trọng tâm của bản văn này – chính là lời tuyên bố rằng chấp nhận trở thành con người trong sự khiêm tốn (cũng không còn con đường nào khác) là ngả đường phải đi qua để gặp gỡ Thiên Chúa.


* NHỮNG HỆ LUẬN RÚT RA CHO ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN

Hai bản văn sau đây cũng cho ta một tiêu chuẩn Thánh kinh để đánh giá đời sống có giới tính của chúng ta và để phê phán ý nghĩa Kitô giáo trong đời sống ấy.

Trong đời sống của chúng ta, bất cứ điều gì nói lên tham vọng muốn giã từ thân phận con người hiện nay là đã đồng thời khẳng định mình không chấp nhận được sáng tạo, và nếu thế cũng đi ngược với tinh thần Kitô giáo. Và bất cứ điều gì làm cho chúng ta sống trong một thứ cánh chung đã được thực hiện xong xuôi trọn vẹn – đang khi mình còn ở dưới thế này – đều là những dấu hiệu chứng tỏ ta đang có ước muốn được toàn năng như Ađam và Eva ngày xưa. Nếu là người độc thân, ta phải đặt đời sống độc thân của mình bên dưới mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là biết đón nhận lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa hứa sẽ nhân bản hoá chúng ta tới cùng, cho giống Đức Kitô, bằng cách phải nhìn nhận cái chết vừa vượt lên trên cái chết. Như thế, độc thân phải là một trong nhiều cách giúp ta khiêm tốn đảm nhận lấy thân phận thụ tạo có giới tính của mình.

Đảm nhận lấy thân phận ấy là từ bỏ tham vọng đòi quyền năng mạnh mẽ hơn sự thật của mình.

Nếu tin thật sự vào Đức Giêsu Kitô – là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ – ta sẽ được nâng đỡ rất nhiều trong cuộc tìm kiếm cam go này, được thực hiện dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần tự do.


(Trích trong tác phẩm Để xây dựng một nền luân lý trong thế giới mới, ch. 1.4)

Tác giả: Xavier Thévenot 

Nguồn: UBMVGĐ/HĐGMVN