Khi Thiên Chúa ở bên ta, Người sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng
(Thứ Ba, Tuần II, Mùa vọng)
“Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng bằng việc trích một đoạn trong sách tiên tri Isaia, sách an ủi dân Israel. Thiên Chúa gần gũi dân Người để an ủi họ “để đem lại cho họ bình an”. Và “công việc an ủi” này rất mạnh mẽ, nó “tái tạo lại tất cả mọi sự”. Thiên Chúa đã hoàn thành một cuộc tái tạo thực sự : “Tái tạo lại mọi sự”. Và Giáo hội không mỏi mệt để nói rằng việc tái tạo này là sự sáng tạo kỳ diệu nhất. Thiên Chúa tái tạo một cách kỳ diệu nhất. Và như thế, Thiên Chúa viếng thăm dân Người : bằng cách tái tạo bằng quyền năng của Người. Dân Thiên Chúa luôn nghĩ rằng ngày kia Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm Dân Người. Chúng ta nhớ lại lời của ông Giuse khi nói với các anh em mình : “Thiên Chúa sẽ viếng thăm anh em, anh em hãy mang xương cốt của tôi theo anh em”. Thiên Chúa sẽ viếng thăm dân Người. Đó là niềm hy vọng của dân tộc Israel. Thiên Chúa sẽ viếng thăm dân Người bằng sự an ủi này.
Đức Thánh Cha nói thêm : sự an ủi này tái tạo lại tất cả, nhưng không phải một lần, mà nhiều lần, cho toàn thể vũ trụ và cả chúng ta. Cuộc tái tạo này của Thiên Chúa có hai chiều kích quan trọng. “Một là khi Thiên Chúa ở bên ta, Người sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng; tiếp theo, Thiên Chúa sẽ tái tạo lại với niềm hy vọng; và luôn mở ra một cánh cửa”. Khi Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta “Người không đóng cửa nhưng mở cửa”. Thiên Chúa trong sự gần gũi sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng, niềm hy vọng này là sức mạnh thực sự của đời sống người tín hữu. Đó là một ơn, một ân huệ.
Khi người Kitô hữu quên đi niềm hy vọng, hay tệ hơn đánh mất niềm hy vọng, thì cuộc sống của họ không còn ý nghĩa nữa. Như thế cuộc sống của họ như thể đang đứng trước một bức tường : không thấy gì. Nhưng Thiên Chúa yên ủi chúng ta và tái tạo chúng ta với niềm hy vọng, Người luôn đi bước trước. Người làm điều đó với sự gần gũi đặc biệt đối với mỗi người chúng ta, vì Thiên Chúa an ủi dân người, an ủi mỗi một người chúng ta. Sách Isaia hôm nay kết thúc bằng một đoạn rất hay : “Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”. Hình ảnh Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ : chính là sự dịu dàng. Thiên Chúa yên ủi chúng ta bằng sự dịu dàng.
Đức Thánh Cha tiếp tục : Thiên Chúa là Đấng quyền năng, “đừng sợ tình yêu hiền dịu”. “Thiên Chúa làm cho mình nên hiền dịu, trở thành một em bé, trở nên nhỏ bé”. Trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu đã nói “Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi”. Trong đôi mắt của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta rất quan trọng. Người đã trao ban với tình hiền dịu. Người luôn đi bước trước, bằng cách trao ban niềm hy vọng. Đây là công việc chính yếu của Chúa Giêsu trong suốt 40 ngày trước khi về trời : Người an ủi các môn đệ; Người ở bên họ để ủi an họ.
Gần gũi và ban niềm hy vọng, gần gũi với sự dịu dàng. Chúng ta hãy nghĩ đến sự dịu dàng mà Chúa Giêsu có với các tông đồ, với Maria Madalena, với hai môn đệ trên đường Emau. Người gần gũi họ với lòng hiền dịu : “Các con có gì cho ta ăn không”. Với Tôma Người nói : “hãy xỏ ngón tay của con vào đây”. Thiên Chúa luôn làm như vậy. Đó là sự an ủi của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn không sợ Thiên Chúa an ủi, nhưng biết mở rộng tâm hồn để cầu xin, để tìm kiếm, vì an ủi đó sẽ đem đến cho chúng ta niềm hy vọng và làm cho chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Võ Tá Hoàng