Chúa nhật lễ Hiện Xuống – A
Khi Thánh Thần Chân lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn tất cả đến sự thật
Cv 2,1-11, 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với các Tông đồ rằng sẽ không bỏ các ông mồ côi và Người cũng hứa ban cho các ông Đấng An Ủi. Lời hứa đó được thực hiện vào dịp Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Giáo hội sơ khai, tức là xuống trên các Tông Đồ và Đức Maria đang cùng nhau cầu nguyện trong nhà Tiệc ly. Vì thế, lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh ra Giáo hội của Chúa.
Nếu Chúa Thánh Thần đổ xuống trên Đức Trinh Nữ Maria thành Nazareth, để Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người; thì ngày Ngũ Tuần, đã tuôn đổ Đấng Bầu Chữa để khai sinh Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Giáo hội. Nếu biến cố hiện xuống lần thứ nhất đã xảy ra trong thinh lặng và trong sự kín đáo; thì việc tuôn đổ Thánh Thần lần thứ hai đã được trình bày cách ấn tượng “như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2) và “như hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (c.3). Cả hai hình ảnh đều diễn tả cùng một Chúa Thánh Thần, Đấng đã hiện diện với Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô và là Mẹ Giáo hội.
Quang cảnh hiện xuống của Chúa Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần đã được diễn tả trong sách Tông Đồ Công Vụ. Biến cố ấy đem lại cho chúng ta một tâm tình thật xúc động: vì trước đó các Tông đồ sợ sệt và không dám mở cửa, ra đi để đến với dân chúng; nhưng từ khi đón nhận ơn của Chúa Thánh Thánh, họ đã ra đi một cách ngang nhiên và can đảm rao giảng Tin mừng Phục sinh cho tất cả mọi người họ gặp gỡ.
Giêrusalem lúc bấy giờ tấp nập những người Do thái hành hương, họ đến từ khắp nơi trên thế giới, và trong ngày lễ Ngũ Tuần ấy họ đã nhận biết nhau. Nhiều người trong số họ đã nghe các Tông đồ rao giảng bằng thứ ngôn ngữ của mình. Thiên Chúa muốn tuôn đổ Thần Khí của Ngài cho con người bằng ơn ngôn ngữ, để làm cho mọi người hiểu rằng sứ điệp Tin mừng phải hướng ra mọi biên cương của thế giới.
Trước hết, Đấng An Ủi làm cho chúng ta phong phú thêm bằng bảy ơn của Ngài. Trước hết là ơnKhôn ngoan, cho phép chúng ta suy xét để không sống theo kiểu thế gian, nhưng sống cho Thiên Chúa, cho chúng ta cảm nếm được hương vị khôn tả của Thiên Chúa và của thực tại thần thiêng;Ơn Thông minh, cho phép chúng ta đào sâu chân lý đức tin của mình và khắn khít với các chân lý siêu nhiên; Ơn hiểu biết, làm cho chúng ta có khả năng hướng lòng lên Tạo Hóa khi chiêm ngưỡng công trình tạo dựng trong vũ trụ nhiệm mầu và khả năng nhìn thấy nơi mỗi người, mỗi sự vật phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa; Ơn biết lo liệu, trong những giây phút quan trọng nhất, gợi lên cho chúng ta quyết định đúng đắn, theo thánh ý Chúa, và nhất là giúp chúng ta ngoan ngoãn lắng nghe lời chỉ dạy dưới sự hướng dẫn của tâm hồn; Ơn sức mạnh đem đến cho chúng ta năng lực để chống lại sự dữ đang hiện diện xung quanh chúng ta, và cũng không ít lần hiện diện bên trong chúng ta nữa; Ơn hiếu thảo, hoàn thiện tình yêu của chúng ta và làm cho tình yêu giãn nở, hầu vượt qua cái hẹp hòi của cuộc sống nhân loại, để có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách anh hùng; Ơn Kính sợ Thiên Chúa, giúp chúng ta tránh xa tội lỗi, không phải vì sợ bị trừng phạt nhưng vì tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa.
Chúng ta nhận lãnh các ơn của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức. Các ơn ấy tựa như những hạt giống nhỏ bé được tưới mát bằng những lời cầu nguyện của chúng ta, nhờ đó nó lớn lên và trưởng thành hơn. Đọc lại lịch sử cuộc đời của các thánh chúng ta cũng dễ dàng nhận ra được sự thăng tiến của họ. Bảy ơn Chúa Thánh Thần sẽ ở lại trong chúng ta mãi mãi nếu chúng ta biết sống trong ơn sủng của Thiên Chúa. Với tội lỗi chúng ta làm mất đi các ơn đó, nhưng sau khi lãnh nhận bí tích hòa giải chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa Thánh Thần cách mới mẻ.
Ngoài bảy ơn đó ra, Chúa Thánh Thần còn tặng ban các đặc sủng, là những ơn riêng nhằm diễn tả tính chuyên biệt của nó, tính duy nhất và độc nhất vô nhị. Các đặc sủng này hoàn toàn khác nhau nơi mỗi kitô hữu và được ban cho vì lợi ích chung. Chẳng hạn như khả năng được ban cho để phục vụ tất cả mọi người. Từ đây ta hiểu được rằng tất cả anh chị em xung quanh mình thật là quý giá trước mặt Thiên Chúa, vì từ Ngài họ đã lãnh nhận sứ mạng đặc biệt mở ra cho toàn thể Giáo hội. Dưới ánh sáng của việc cầu nguyện, và sau lời dạy bảo hay dưới sự chỉ dẫn tâm hồn, chúng ta sẽ có khả năng phân định đâu là đặc sủng đặc biệt này nhằm sinh hoa kết trái, làm phát sinh những lợi ích chung.
Cuối cùng Chúa Thánh Thần sản sinh ra trong chúng ta những hoa trái mà thánh Phaolô đã liệt kê trong thư gửi Galata, nhằm so sánh với những việc của xác thịt. Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gal 5,19-21); Hoa trái của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. (Gal 5,22-23).
Hãy để cho Thần Khí Chúa hướng dẫn chúng ta và làm nảy sinh trong chúng ta những hoa trái tuyệt vời này. Thánh Phaolô cũng đã nói : “Anh em hãy bước đi trong Thần Khí và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. (Gal 5,16). Xin cho mỗi người chúng ta cũng được như vậy. Amen.
Giuse Võ Tá Hoàng