Khi người ta trẻ

59

4“Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình, vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời!”. Ai còn thanh xuân, ai đang chạm ranh giới chênh vênh giữa tuổi trẻ và tuổi hết trẻ, thường gieo mình vào lưng chừng hoang mang khi bắt gặp câu nói “động chạm” này. Nó động đến trái tim nhiểu thổn thức của những kẻ từng chạm ngõ yêu đương. Người ta thường ngoái đầu nhìn một phần tuổi trẻ đã qua, nửa tiếc nuối, nửa bâng khuâng tự hỏi có lẽ nào ta đã phụ bạc những gì thiêng liêng nhất trong đời.

Có hàng tỉ lí do để giết chết một chuyện tình. Quen thuộc nhất là không hợp, không môn đăng hộ đối, không gần, không hiểu… Lạ hơn thì yêu quá nhiều, thương quá nhiều, suy nghĩ quá nhiều, đau quá nhiều. Nhiều hẹn hò mở ra rồi khép lại, nhiều người đến rồi đi, lặng lẽ hoặc ồn ào, sâu nặng hoặc vu vơ. Lúc nhận ra đời người chỉ cần một cánh cửa đón mình trở về sau ngày làm việc mệt nhoài, một vòng tay ôm giữa mùa mưa sa gió bấc, một nụ hôn thật sâu để xoa dịu hết những vết thương mà cuộc đời cứa lên da thịt, thì người thương đã bỏ ta (hoặc ta đã bỏ người thương) xa thật xa rồi. Cuối cùng mỗi người chỉ còn là một ốc đảo ngơ ngác giữa sa mạc cô đơn, ngàn năm, ngàn năm tự đắp cát lên thân phận mình.

Khi người ta trẻ, người ta ôm rất nhiều hoài bão. Giấc mơ có khi tự chết yểu, có khi mãnh liệt sống. Hành trình hiện thực hóa mơ ước chông gai không kể xiết. Nhưng chẳng ai dạy tuổi trẻ biết đong đếm khoảng cách giữa lý tưởng và ảo tưởng. Những người trẻ, họ nhiều mơ ước và thừa liều lĩnh, họ dám khao khát và dám chịu đau. Thất bại dạy họ biết đặt hão huyền xuống và cõng nghị lực lên.

Tuổi trẻ, đôi khi vì quá rảnh hoặc quá bận rộn, người ta thích nán lại, ngồi chưng hửng nếm vị cuộc sống, như đứa trẻ ngồi thè lưỡi nếm vị que kem đá, thấy vừa lạnh vừa nhạt, thấy mình rơi tự do xuống một vực thẳm mang tên trống rỗng. Đến người thân, bạn bè, công việc cũng vô phương cứu vớt họ ra khỏi vực sâu không đáy. Những lúc đó, họ không thiết làm gì ngoài những việc điên cuồng. Như khóa trái cửa để nhảy tưng tưng và gào rú một đoạn rock tưng tửng. Như rủ nhau chén tạc chén thù để nhìn nhau cười rũ rượi. Như ngồi bóc hành tây chỉ để nước mắt nước mũi tèm lem. Khóc kiểu này mới thật hả hê, thỏa thích. Người ta thường khuyên bạn không nên khóc vì chán đời nhưng chẳng ai dám cấm bạn khóc khi bóc hành tây.

Khi người ta trẻ, người ta chán đời không quá lâu. Phần vì thanh xuân hạn hẹp, chẳng ai nỡ giết chết quá nhiều thời gian. phần vì bản tính cả thèm chống chán. Nỗi trống rỗng, chút u hoài đôi khi là món trang sức là lạ điểm tô nhan sắc tuổi trẻ, nhưng chán đời lâu quá thì cũng ngán. Người trẻ còn muốn chạm đỉnh vinh quang, hạnh phúc và đi đến tận cùng của sâu thẳm nỗi buồn đau, giận dữ.

Khi người ta trẻ, người ta chóng vui, chóng buồn. Một tách café đậm hương, một tin nhắn chúc ngày mới tốt lành cũng có thể khiến người ta cười khúc khích đến cuối ngày. Tất nhiên trong ngày tốt lành đấy, thi thoảng người ta giận điên người vì đôi giày cao gót dở hơi gãy gót hoặc buồn thê thảm vì bị sếp dọa cắt lương. Nhưng dù thế nào, lúc ngày dài khép lại, người ta vẫn đi ngủ và tủm tỉm mỉm cười .Bởi người trẻ thường hay mơ. Lúc đếm cừu, cô gái trẻ sẽ mơ về ngày mặc váy cưới lộng lẫy, chàng trai trẻ sẽ mơ về ngày cưới được nhiều cô vợ lộng lẫy.

Thanh xuân ban cho người ta đặc quyền được nông nổi. Nông nổi yêu đương, nông nổi hành động, nông nổi chứng tỏ cái tôi nửa yếu đuối nửa ngông cuồng. Có cô gái nhỏ mang trái tim rạn vỡ sau những thất bại, thất vọng và thất tình đến mếu máo hỏi tôi “bao giờ em mới hết nông nổi?”. Tôi đáp “đến lúc nào em già”. Em như sực tỉnh, lại cười nói ngốc dại “thế thôi em mãi nông nổi, em thích trẻ!”. Khi người ta trẻ, người ta sợ chóng già. Khi người ta già, người ta nhận ra không gì rực rỡ bằng đuôi mắt mỉm cười của một cô gái trẻ, cũng không gì lóng lánh bằng giọt nước mắt vỡ òa trên khuôn mặt ra sữa của một chàng trai chưa bị búng ra quá xa ngoài biển đời.

 Bình Tâm