Hận chồng chạy theo người đàn bà khác, hàng đêm Thảo ôm con vào lòng tỉ tê về những thói xấu của chồng cũ. Trong nỗi uất nghẹn vì bị phụ tình, cô rành rẽ từng tiếng: “Con phải nhớ, với mẹ con ta, bố là kẻ thù lớn nhất!”.
“Anh đáng bị đối xử như vậy!”
Ngay đêm hôm đó, Thảo viết đơn xin ly hôn mặc cho Duy quỳ xuống xin cô tha thứ. Trong thâm tâm, Thảo biết mình vẫn còn nặng tình với chồng, nhưng những hình ảnh tình tứ giữa Duy và cô gái lạ không thôi hành hạ cô. Hoà giải không thành, Toà đành giải quyết cho Thảo được ly hôn và có quyền nuôi con.
Trở về sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Thảo trở thành con người khác lạ. Từ một người phụ nữ nhuần nhị và dịu dàng, cô trở nên cáu bẳn. Cứ mỗi khi ai đó nhắc đến tên Duy là Thảo như điên dại. Chính con người ấy đã đánh cắp lòng tin tuyệt đối trong cô, nhẫn tâm chà đạp lên tình cảm của cô. Tất cả những uất hận ấy, Thảo không biết trút vào đâu cho nguôi ngoai nỗi lòng.
Và như sợ con gái không biết được nỗi đau khổ cùng cực mà bố nó đã gây ra cho hai mẹ con, Thảo ra sức nói xấu Duy cho con nghe. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, cô thường đưa con vào một thế giới chỉ có lòng hận thù và sự chia rẽ: “Con có biết ai đã làm cho gia đình ta tan nát như thế này không? Chính bố đã phản bội mẹ để chạy theo người đàn bà khác. Bố đã bỏ rơi mẹ con ta, bố không muốn đưa đón con đi học nữa, bố cũng không thích ngồi cùng bàn để ăn cơm cùng mẹ con mình nữa… Nếu trên đời này có kẻ thù thì người đó chính là bố Duy của con. Bố là kẻ thù lớn nhất của mẹ con ta”.
Dần dần, tâm hồn non nớt của con gái đã bị Thảo “đầu độc” bằng những lời lẽ ác ý về người chồng cũ. Chẳng thế mà cô bé luôn tỏ ra xa lánh và “không thèm chơi với bố” mỗi khi Duy đến thăm con. Quà bố cho, nó cũng ném đi không thèm nhận.
Chứng kiến cảnh con gái đẩy bàn tay bố ra khi Duy cố ôm con vào lòng, Thảo chưa bao giờ thấy hả lòng, hả dạ đến thế. Khi Duy quay lại phân trần với vợ cũ, mong tìm sự đồng cảm và giúp đỡ thì Thảo lạnh lùng: “Anh đáng bị đối xử như vậy”!
“Mẹ là bà phù thuỷ”
Trong thời gian chờ Toà làm thủ tục, Minh sống ly thân và ôm con gái theo cùng. Lấy lý do Minh sắp sinh con, chồng và mẹ chồng cô đến đưa bé Mỳ về nuôi, nói là dăm ba hôm sẽ trả lại. Nhưng mười ngày, rồi nửa tháng trôi qua, khi Minh đến đòi con, mẹ chồng cô viện đủ mọi lý do để giữ cháu, có lúc còn khoá cửa, cấm cô bước vào nhà. Cực chẳng đã, Minh mong ngóng chờ ngày ra toà để được quyền nuôi con. Nhưng rồi cô sinh nở sớm hơn dự kiến, phiên toà ly hôn vì thế phải hoãn lại.
Đến khi con trai thứ hai cứng cáp và Minh có thể ra toà để giải quyết chuyện hôn nhân thì lúc này bé Mỳ nhìn mẹ như người xa lạ. Những cái ôm hôn thật chặt của con, những vòng tay âu yếm quanh cổ mẹ như trước đây, Minh không được hưởng nữa. Mỗi khi cô lại gần định ôm con thì bé Mỳ lại tỏ ra sợ hãi và chạy vội về bên bà nội.
Minh hỏi con có nhớ mẹ không thì bé trả lời: “Mẹ là người xấu nhất, là mụ phù thuỷ hay mổ bụng trẻ con”. Nghe con nói, Minh đứng chết lặng, hai hàng nước mắt tuôn đẫm vạt áo.
Thì ra, trong thời gian Minh sinh con thứ hai, không có điều kiện gần gũi con gái, mẹ chồng cô đã cố gắng “nhồi nhét” những hình ảnh xấu xa về cô cho bé Mỳ “hấp thụ”. Ngày này qua ngày khác, tất cả những kỷ niệm đẹp về mẹ hầu như bé không còn nhớ nữa. Hình ảnh một người mẹ tảo tần, yêu thương và gắn bó ngày nào giờ trở thành một người đàn bà xa lạ và độc ác.
Minh không sợ con gái ghét bỏ mẹ. Cô vẫn tin rằng, sau này khi bé Mỳ lớn lên, con sẽ hiểu và cảm nhận được tình cảm thiêng liêng mà cô dành cho con. Lúc ấy con gái sẽ tự tìm về bên mẹ. Nhưng cô lo cho con, khi hãy còn quá nhỏ mà luôn phải nghe những lời dối lừa từ người lớn, rồi ai sẽ dạy con tính vị tha và sự bao dung trong cuộc sống?
Theo Vân Anh
Pháp Luật Việt Nam