Khi đau khổ đến…

47

Đồng-Nai-25-300x225Sống trong kiếp con người này, liệu có ai dám khẳng định là mình không bao giờ gặp đau khổ? Ngay tại bản chất hữu hạn của kiếp con người đã là một sự đau khổ rồi. Đau khổ và những bất trắc trên đường đời cứ thay phiên nhau kéo đến bên ta, làm phá vỡ đi những nổ lực vun đắp cuộc sống hạnh phúc của ta. Những tai ương có thể xảy đến với bất cứ ai, cả người giàu lẫn người nghèo. Một đời sống thánh thiện cũng không phải là một đảm bảo cho việc không gặp những vướng mắc. Siêng năng đi lễ đọc kinh cũng không miễn nhiễm cho ta khỏi nhưng điều đau thương. Hẳn là cũng đã có nhiều khi chúng ta tỏ vẻ nghi ngờ, là không biết có một Thiên Chúa toàn tri toàn năng giàu tình thương hiện hữu không. Hoặc khi rơi vào những hoàn cảnh éo le không lối thoát, chúng ta đã kêu trách Chúa vì sao lại để cho những chuyện không hay này xảy đến với ta. Đau khổ là đau khổ. Tự bản thân đau khổ chẳng có gì hay, đáng để chúng ta hăm hở với nó cả. Nhưng đôi khi, nó cũng mang đến cho chúng ta những lợi ích mà chúng ta ít bao giờ để ý đến.

Đau khổ sẽ đóng vai trò như một sự cảnh tỉnh ta trên con đường mà ta đang bước. Có những đau khổ xảy đến là do ta không có được điều mà ta khao khát. Những thất bại, hụt hẫng khi ấy sẽ đặt ra trước mắt chúng ta câu hỏi: bấy lâu nay, tôi đang kiếm tìm cái gì, tôi đang mong chờ điều chi, đích điểm mà tôi đang cố gắng tìm đến nằm ở đâu? Những mê mẩn và lôi cuốn của thế gian chưa bao giờ buông tha cho ta. Những hạnh phúc ảo cứ lập lòe với biết bao sắc màu chung quanh ta, khiến ta không thể nhận ra được là mình đang bước về đâu, đang là như thế nào. Những cuộc chạy đua tiền tài và danh vọng, cứ ngỡ là tốt và hấp dẫn đấy, nhưng liệu có là một đảm bảo chắc chắn cho cuộc đời ta không? Không có Chúa làm nền tảng cho mình, không bước đi trên đường ngay nẻo chính, sẽ có ngày ta rơi vào ngõ cụt của cuộc đời, thấy bế tắc và chẳng biết phải bước tiếp ra sao. Những phút giây chơi vơi lạc lõng như thế nhắc nhớ ta về cùng đích của đời mình, về bổn phận của ta với Nguồn Cội Chân Cửu, về giá trị đích thực mà ta cần dộc lực theo đuổi giữa chốn dương gian này.

Đau khổ sẽ cho ta thấy động cơ ta theo Chúa là gì. Hằng ngày, ta siêng năng đọc kinh, lần chuỗi, đi lễ đều đặn và đóng góp nhiều tiền của giúp đỡ giáo xứ. Thế rồi, ta tự hào rằng mình là người từ tâm và đạo đức. Nhưng ta sẽ không bao giờ biết được là mình có thực sự yêu Chúa hay không và đời sống Kitô hữu của mình có chân chính hay không khi chưa trải qua những tai ương khốn khó. Có nhiều người trong chúng ta đã quay sang trách cứ Chúa và từ bỏ niềm tin của mình khi thấy Chúa không trả công cho những gì mình đã làm cho Chúa. Ta làm như thể Chúa cần ta dâng cho Ngài dăm ba câu kinh hay đi lễ hát xướng những bài thánh ca vậy! Ta mua chuộc Chúa bằng những đồng tiền ta làm ra, để xin Ngài ban cho ta và gia đình được bình an và làm ăn khấm khá. Khi Chúa không thỏa đáp ý nguyện của ta, ta chạy đi tìm thần khác, cúng vái này nọ và sẵn sàng gạt Chúa sang một bên, không hề đếm xỉa tới.

Trong dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ (Mt 25,1-13), nếu không có chuyện chàng rễ đến muộn, cũng sẽ chẳng có gì khác biệt giữa Năm Cô Khờ và Năm Cô Khôn, sẽ chẳng có gì kiểm chứng cho sự khôn ngoan nơi những cô biết tính toán, biết chuẩn bị, biết luôn sẵn sàng. Đau khổ sẽ đến như một nhát gươm thình lình bổ xuống và nó sẽ giúp phân tách ra, ai là người có một lòng tin nơi Chúa thật sự, yêu mến Chúa hết lòng, và ai là người chỉ giữ đạo vì bắt buộc, vì phong trào, vì mưu cầu tư lợi cá nhân. Ngay giữa những khoảnh khắc đau đớn nhất, tăm tối nhất, những lúc dường như chỉ có một màn đen u ám nhất, những khi không còn gì để tin, mà ta vẫn nhất mực tin vào Chúa, tin vào lời hứa và tình yêu thương của Ngài, ấy mới thực là lòng tin yêu đúng nghĩa. Người ta sẽ dễ dàng hát bài ca thờ phượng Chúa với niềm hân hoan khi được Ngài ban cho nhà cao cửa rộng, sức khỏe dồi dào, ăn sung mặc sướng. Nhưng ai có thể dâng lên Ngài lời cảm tạ tri ân với một niềm tín thác khi chút nữa đây không biết mình sẽ ăn gì, không biết những ngày tháng tới sẽ ra sao, khi tương lai như chặn đứng mọi lối thoát, ấy mới thực là người tin yêu Chúa mãnh liệt nhất.

Đau khổ cũng là một yếu tố giúp ta trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng của mình rất nhiều. Kinh nghiệm cuộc sống cũng dạy ta điều này là chẳng có gì thực sự quý giá nếu không được tôi luyện qua đau khổ. Qua những đau khổ, ta thấy mình như từ từ được lớn lên, được tiếp thêm sức. Người khôn ngoan trong xã hội, không phải là người ngồi trong phòng đọc nhiều sách, nhưng là người đã có nhiều đụng chạm thực tế, bị những phong sương của cuộc đời dày xéo, đọa đày. Từng vết sẹo trên cơ thể và trong lòng họ là từng bài học quý giá ghi khắc tận cõi tâm can mà những ai không trải qua sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu nỗi. Công trình cứu độ của Thiên Chúa có đi đến đỉnh cao là thông qua đau khổ của đòn roi, của đinh sắt và khinh chê, ghét bỏ… chứ không phải trong lời khen, lời tung hô với những ngọt ngào của người thế.

Điều chúng ta thường tìm kiếm trong cuộc sống là hạnh phúc chứ không phải đau khổ. Nhưng sẽ chẳng có một hạnh phúc nào tròn đầy, đúng nghĩa và đích thực khi nó không đi qua cánh cửa của đau khổ. Sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện ở chỗ: Ngài không cất đau khổ khỏi cuộc sống của ta, nhưng đã biến nó thành duyên cớ để nhờ nó, ta được lớn lên hơn, được bồi bổ hơn, được trưởng thành hơn. Thay vì là một mối đe dọa cho ta, đau khổ bỗng trở thành một tiếng nói cảnh tỉnh Chúa dành cho ta, một nơi ta tôi luyện lòng tin của mình, một bài học bổ ích cho ta, và là một cơ hội để ta được trở nên giống Đức Kitô chịu đau khổ.

Ước gì với sự trợ lực của Chúa, mỗi ngày chúng ta ý thức hơn về điều này, biết tận dùng khoảnh khắc đen tối nơi cuộc đời như một phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa của chúng ta cách sâu sắc hơn.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ