Khí cụ bình an

109

Trong sứ điệp truyền thống nhân ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình (ngày 1-1 dương lịch), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những đề nghị thiết thực đối với các chính trị gia trên toàn thế giới, nhằm cổ võ một hệ thống chính trị tốt, phục vụ hòa bình. Ngài cũng mời gọi mỗi tín hữu hãy là những người đem bình an đến cho môi trường cuộc sống và những người xung quanh.

Bình an là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh cho các tông đồ, khi Người từ cõi chết sống lại. Thánh Gioan đã kể lại: vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con!”(Ga 20,19). Quà tặng bình an của Đấng Phục sinh đã giúp cho các môn đệ có thêm nghị lực, không còn nhút nhát sợ hãi nữa. Trong những lời được coi là “di ngôn”, Chúa Giêsu cũng hứa với các ông: “Thày ban cho anh em bình an của Thày. Thày ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Bình an mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ cũng chính là Chúa Thánh Thần. Vì Ngài là Thần Chân lý và là suối nguồn bình an. Nhờ đức tin, người tín hữu được Chúa Thánh Thần hiện diện và ban bình an, nhờ đó họ có sức mạnh để sống và làm chứng cho Chúa.

Loan báo Tin Mừng khởi đi từ việc trao tặng sự bình an. Khởi đi từ lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này” (Lc 10,15), Đức Thánh Cha kêu mời mỗi tín hữu hãy là những sứ giả đem bình an đến cho cuộc sống. Ngài cũng giải thích khái niệm “nhà” trong câu nói của Chúa Giêsu. Đó không chỉ là một công trình xây dựng để che nắng che mưa theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một làng xóm, một quốc gia, một cộng đoàn và cả vũ trụ này, vì thế giới này là căn nhà chung chúng ta đang sống (x. số 1). Như thế, qua đời sống hằng ngày, mỗi Kitô hữu là những người đem bình an đến với cho mọi người mình đang chung sống. Trong Tông huấn “Dung mạo lòng thương xót”, Đức Thánh Cha đã ao ước ở đâu có cộng đoàn Kitô hữu, thì ở đó có những “thành trì của lòng thương xót”. “Thành trì của lòng thương xót” cũng là thành trì của bình an, nhân ái, thấm đượm giáo huấn của Chúa Giêsu. Từ những “thành trì” này, bình an của Chúa sẽ lan tỏa đến mọi nẻo đường của cuộc sống.

“Tâm bình thế giới bình”, “cá nhân thay đổi, thế giới sẽ đổi thay”. Bình an phải được kiến tạo và phát triển từ đời sống cá nhân của mỗi người. Bởi lẽ nếu tâm hồn con người còn chứa đầy những tham vọng và hận thù, thì cuộc sống dù phong lưu đầy đủ đến mấy vẫn không an bình. Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta kiến tạo hòa bình ở ba khía cạnh:

– hòa bình với chính mình, loại trừ sự cứng nhắc không chấp nhận thay đổi, giận dữ và thiếu kiên nhẫn; thánh Phanxicô đệ Salê đã nói về “một chút ít dịu dàng cho bản thân” để tặng “một chút ít ngọt ngào cho người khác”;

– hòa bình với người khác: gia đình, bạn bè, người lạ, người nghèo và kẻ đau khổ, không ngại gặp gỡ họ và lắng nghe những gì họ muốn nói;

– hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá món quà vĩ đại của Thiên Chúa và trách nhiệm cá nhân và được chung phần của chúng ta là cư dân của thế giới này, là công dân và là những kẻ kiến tạo tương lai.

Chỉ có thể xây dựng hòa bình, nếu tâm hồn con người thực sự sống trong bình an nội tâm. Sự bình an này đến từ mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, chân thành lắng nghe và thực hiện giáo huấn của Người.

Với mục đích ngỏ lời với các chính trị gia trên thế giới, Đức Thánh Cha cũng mong ước mọi hệ thống chính trị phải dựa trên những quyền căn bản của con người. Mọi thể chế chính trị phải nhằm phục vụ con người, nếu không đó sẽ là một chế độ độc tài, bất công và vô nhân đạo. Ngài cũng lên án việc sản xuất và buôn bán vũ khí, những hành động khủng bố và miệt thị người di dân. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và kỷ niệm 70 năm tuyên bố quốc tế về nhân quyền, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng: “Ý thức của con người về các quyền cá nhân nhất thiết phải đưa đến việc nhìn nhận những nghĩa vụ cá nhân. Sự sở hữu các quyền đưa đến trách nhiệm hành xử các quyền đó, vì đó là biểu hiện nhân vị của bản thân. Và việc sở hữu các quyền cũng bao hàm sự nhìn nhận và tôn trọng từ những kẻ khác” (số 7). Đức Thánh Cha trích dẫn “Tám mối phúc” cho các chính trị gia mà vị Tôi tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đề nghị:

Phúc cho chính trị gia nào có ý thức cao và hiểu biết sâu về vai trò của mình.
Phúc cho chính trị gia nào có được sự tín nhiệm.
Phúc cho chính trị gia nào hoạt động cho công ích và không vì tư lợi.
Phúc cho chính trị gia nào luôn có lời nói đi đôi với việc làm.
Phúc cho chính trị gia nào hoạt động cho sự hiệp nhất.
Phúc cho chính trị gia nào hoạt động để đạt được sự thay đổi quyết liệt.
Phúc cho chính trị gia nào có khả năng lắng nghe.
Phúc cho chính trị gia nào không sợ hãi.

“Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”. Đó là lời cầu nguyện rất quen thuộc của Thánh Phanxicô thành Assisi. Ước mong sao, “bình an” sẽ là một tên gọi mới của những người tin Chúa. Như thế, chúng ta sẽ thực hiện lời dặn của Chúa: Đến nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: bình an cho nhà này. Đây không chỉ là lời chào xã giao, nhưng còn là tâm tình thân thiện, sức ấm của Tin Mừng và niềm vui lan tỏa. Khi thiện chí thực hiện lời mời gọi xây dựng hòa bình, chúng ta đang cộng tác xây dựng “căn nhà chung” là chính vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo dựng và trao tặng cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên