Khát vọng bình an

157

Hân Hoan Kính Mẹ Đầu Năm Mới

Tha Thiết Tình Con Trót Cuộc Đời

Năm 2022 có con số có thể tách đôi là 20 và 22. Con số chẵn rất đẹp – theo cách nhìn của phàm nhân. Do đó, nói theo “nếp nghĩ” phàm tục với xu hướng “hên-xui, may-rủi” thì năm 2021 là năm lẻ nên xui tận mạng: cả thế giới lao đao vì ôn dịch, mọi thứ đều ảnh hưởng lẫn nhau theo kiểu mạng nhện. Cái khó ló cái khôn hay cái khốn?

Ngày xưa coi trọng lễ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Giáo dục công dân là điều quan trọng, học sinh được học những điều hay, lẽ phải rất kỹ lưỡng, cụ thể là được học về gương hiếu thảo qua tập truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu.” Trong đó, tác giả Quách Cư Nghiệp kể lại gương sáng của 24 hiếu tử. Họ là ai?

Các hiền nhân đó là: [1] Ngu Thuấn (vua Thuấn) – hiếu cảm động trời; [2] Lưu Hằng (Hán Văn Đế) – người con nếm thuốc; [3] Tăng Sâm – mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót; [4] Mẫn Tổn – nghe lời mẹ sống giản dị; [5] Trọng Do – vác gạo nuôi cha mẹ; [6] Đổng Vĩnh – cam chịu cực vì cha; [7] Đàm Tử – cho cha mẹ bú sữa hươu; [8] Giang Cách – làm thuê nuôi mẹ; [9] Lục Tích – giấu quýt cho mẹ; [10] Đường phu nhân – cho mẹ chồng bú; [11] Ngô Mãnh – cho muỗi hút máu; [12] Vương Tường – nằm trên băng chờ cá chép; [13] Quách Cự – hy sinh tất cả vì mẹ; 14. Dương Hương – giết hổ cứu cha; [15] Châu Thọ Xương – bỏ chức quan tìm mẹ; [16] Dữu Kiềm Lâu – bồn chồn lo lắng vì cha; [17] Lão Lai Tử – đùa giỡn làm vui cha mẹ; [18] Thái Thuận – nhặt dâu cho mẹ; [19] Hoàng Hương – quạt gối ấm chăn; [20] Khương Thi – gánh nước, bắt cá cho mẹ; [21] Vương Bầu – nghe sấm, khóc mộ; [22] Đinh Lan – khắc gỗ thờ cha mẹ; [23] Mạnh Tông – khóc đến khi măng mọc; [24] Hoàng Đình Kiên – rửa bô vệ sinh của mẹ.

Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, ai cũng khao khát hòa bình – trong tâm hồn, trong gia đình, trong hội đoàn, trong đất nước. Hòa bình là khi con người sống an toàn, gia đình an lành, xã hội an ninh, dân chúng an cư lạc nghiệp. Hòa bình đối lập với chiến tranh – chiến tranh bom đạn, chiến tranh lạnh, chiến tranh tâm lý,… Chiến tranh kiểu gì cũng bất an, nghĩa là không có hòa bình đích thực. Hòa bình là người ta KHÔNG dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong các mối quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc, các phe nhóm chính trị xã hội.

Cái gì cũng có nguyên nhân và hệ quả, và có điều kiện nhất định. Trong xã hội có nhiều chính đảng, hòa bình cũng được mô tả bởi mối quan hệ giữa các đảng phái luôn biết tôn trọng lẫn nhau, thi hành công lý, bảo vệ chính nghĩa. Tuy nhiên, hòa bình vẫn thường bị gián đoạn bởi các dạng chiến tranh. Đôi khi gọi là hòa bình, vì không giao chiến bằng súng đạn, nhưng thật ra người ta vẫn bất an, chưa thực sự có hòa bình đích thực.

Thế giới vẫn thiếu hòa bình vì người ta còn tranh giành quyền lợi, địa vị, vật chất,… Và còn biết bao dạng Tham-Sân-Si khác nữa, từ điều nhỏ tới chuyện lớn. Người Kitô giáo thiếu bình an tâm hồn vì còn hướng chiều tội lỗi, vẫn tranh giành quyền lực, coi trọng cái danh lợi. Hầu như hằng ngày, thế giới vẫn có nhiều biến cố. Do đó, thế giới luôn khao khát nền hòa bình đích thực để mọi người được an sinh. Còn chiến tranh vì người ta muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ theo tinh thần Đức Kitô, muốn vinh danh mình chứ chưa thực sự muốn vinh danh Thiên Chúa. Ai cũng biết “cái tôi” rất đáng ghét (như Pascal mô tả) nhưng người ta vẫn để nó trỗi dậy bất kỳ lúc nào, khiến cho tính vị kỷ lớn hơn lòng vị tha.

Công lý và hòa bình không thể tách rời. Có công lý thì mới có hòa bình, nghĩa là muốn tận hưởng hòa bình thì phải thực thi công lý nghiêm minh. Đức Kitô xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Thánh Vịnh gia cho biết: “Thiên Chúa cai trị toàn cầu theo LẼ CÔNG MINH, Ngài cai trị muôn nước theo ĐƯỜNG CHÍNH TRỰC và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.” (Tv 67:5) Con người bất túc nên cần phải ký thác đường đời cho Thiên Chúa, đó cũng là tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót và thể hiện đức tin sống động.

Hình ảnh cây chuối cho thấy điều đó. Sau khi cung cấp chất dinh dưỡng toàn bộ thân cây để nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ sẽ gục xuống chết đi. Như vậy trong quá trình hình thành một quả chuối ngon ngọt, cây chuối đã để lại cho chúng ta một bài học quý báu về tình yêu hy sinh của cha mẹ dành cho con cái.

Ngày đầu năm rất quan trọng đối với thế giới – cả đạo và đời. Người ta có quan niệm “vạn sự khởi đầu nan” hoặc “đầu xuôi, đuôi lọt.” Dĩ nhiên không dị đoan, mà lẽ thường là thế. Với người Âu Tây, đó là Ngày Tết; với quốc tế, đó là Ngày Hòa Bình Thế Giới, với người Công giáo, đó là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho thế giới được hưởng nền hòa bình đích thực. Vừa mới mừng lễ Giáng Sinh để tôn vinh Con Thiên Chúa, tín nhân lại tiếp tục mừng lễ Mẹ Thiên Chúa để tôn vinh Đức Maria. Một liên kết tuyệt vời về Thánh Tình Mẫu Tử. Con và Mẹ không thể tách rời.

Nơi hang đá là một gia đình hạnh phúc, mặc dù gia cảnh khó khăn. Trong đó có cả Tình Mẹ và Tình Cha. Những người đến thăm “đệ nhất hàn gia” này cũng là những người “nghèo rớt mùng tơi,” gian nan vất vả chăn bầy chiên, lừa,… Họ nghèo vật chất nhưng giàu đức tin và tình mến. Họ diễm phúc là các chứng nhân đầu tiên của Hài Nhi Giêsu.

Thánh sử Luca kể rằng sau khi các mục đồng được thiên sứ báo tin, “họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Các mục đồng thật diễm phúc vì được viếng thăm Thánh Gia.

Có điều kỳ lạ này: Khi gọi Cha, người ta không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Nhưng khi gọi Mẹ, các ngôn ngữ đều bắt đầu bằng mẫu tự M – một phụ âm có âm bật, giúp con trẻ tập nói rất dễ. Chẳng hạn Việt ngữ là Mẹ (Má, Me, Mệ, Mế), Anh ngữ là Mother (Mom, Mum), Pháp ngữ là Mère (Maman), Đức Ngữ là Mutter (Mumie), tiếng Tây Ban Nha là Madre (Mamá), tiếng Ý là Madre (Mamma), tiếng Hà Lan là Moeder (Mummie),… Phải chăng Thiên Chúa đã dành “đặc cách” cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả các phụ nữ làm Mẹ, cho nên Ngài đã “tiền định” như vậy?

Lạy Thiên Chúa tối cao toàn năng và hằng hữu, xin thương xót những kiếp người lận đận, tha phương cầu thực, trẻ mồ côi, người già nua, người bệnh hoạn,… Xin giúp chúng con ngay thẳng và chính trực qua mọi động thái hằng ngày, chu toàn nghĩa vụ với nhau, và can đảm bảo vệ công lý. Xin Ngài chúc lành và cứu chúng con khỏi mọi sự dữ.

Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ, sống hòa thuận với nhau, nên chứng nhân ngay từ trong gia đình, để duy trì hòa bình đích thực theo Thánh Ý Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa hóa thành nhục thể, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU