Kết nối với nguồn

65

KẾT NỐI VỚI NGUỒN

Thiên San, MTG. Thủ  Đức

Đi một vòng quang nhà, tôi thấy đâu đâu cũng có công tắc điện. Tôi chỉ cần ấn một cái là cả căn phòng sáng trưng. Khi muốn dùng Ipad hay Laptop, tôi cũng chỉ cần bật nút nguồn, các thiết bị này liền được khởi động. Những hôm mất điện hay các thiết bị kia hết pin, tất cả đều im lìm. Thế đấy, các thiết bị điện hoạt động được là nhờ có nguồn điện dự trữ, các công tắc được nối với nguồn điện. Khi các thiết bị nối với nguồn gặp trục trặc thì coi như xong. Để chúng hoạt động trở lại, bạn phải kiểm tra lại xem các đường dẫn có kết nối với nguồn không? Đời sống thiêng liêng cũng tựa như vậy, Chúa Giêsu chính là nguồn ta cần kết nối để trổ sinh hoa trái và có thể hoạt động hết hiệu năng tình yêu. Đó cũng là bài học mà chị của tôi đã nhận được sau thánh lễ ngày hôm ấy.

Hôm ấy, chị đi lễ, một người lên đọc sách. Không hiểu vì lý do gì mà micro ở giảng đài công bố Lời Chúa không thu âm, người đó vẫn an nhiên công bố lời Chúa. Dĩ nhiên là mọi người ở dưới, đặc biệt là những người ngồi ở xa, chẳng thể nghe thấy gì. Bạn thử tưởng tượng xem chuyện gì xảy ra? Từ phía dưới, có một người can đảm bước lên, tiến lại gần tòa đọc sách, cúi xuống kiểm tra, rồi rút dây điện từ ổ này để cắm qua một ổ khác, vậy là mọi người có thể nghe thấy. Hóa ra, nó đã bị cắm sai vị trí, không đúng nguồn. Có ba bài học mà chị của tôi đã nhận được từ sự cố này.

Bài học thứ nhất, công bố lời Chúa là một việc rất quan trọng. Nếu đã công bố lời Chúa thì phải công bố làm sao để người nghe có thể nghe được trọn vẹn nội dung của bản văn. Quả thực, nếu ta vẫn kiên nhẫn công bố lời Chúa nhưng mọi người lại chẳng nghe được gì thì việc công bố ấy không hiệu quả. Liên hệ thực tế cho thấy, từ khi chịu phép Thánh Tẩy, Người Kitô hữu được tham dự vào chức vụ Ngôn sứ của Chúa. Chúng ta được mời gọi giới thiệu Chúa cho mọi người. Khi chúng ta không kết nối với Chúa hoặc việc kết nối ấy quá lỏng lẻo thì đời sống của ta sẽ chẳng thể trở nên một lời chứng hùng hồn, thuyết phục người nghe. Bạn giới thiệu một Thiên Chúa giàu nhân nghĩa, chạnh lòng thương tha nhân, nhưng đời sống bạn chỉ toàn oán ghét, hận thù, chia rẽ thì làm sao người ta có thể tin lời bạn được! Để việc công bố Lời và rao giảng Lời hiệu quả, nên chăng bạn cần kết nối với nguồn là chính Chúa. Nếu không, nguy cơ là bạn đang thể hiện và rao giảng về mình và người khác chỉ cần nhìn cách bạn sống họ có thể biết được rằng bạn có đang kết nối với Chúa hay không.

Bài học thứ hai: Khi nhận ra việc công bố lời Chúa gặp trục trặc, không hiệu quả, ta có đủ khiêm tốn và can đảm để dừng lại, xem xét nguyên nhân, xử lý và khắc phục sự cố để việc công bố được hiệu quả hơn không? Trong cuộc sống, đặc biệt là trong đời sống tu trì, việc công bố và rao giảng Đức Kitô cho mọi người là một đòi buộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà việc rao giảng Đức Kitô của ta cho mọi người không hiệu quả. Một trong những lý do đó chính là đời sống của các tu sĩ, của các Kitô hữu chưa đủ chứng tá. Kết nối của họ với Đức Kitô bị lỏng lẻo, hoặc kết nối đó đang bị lệch lạc. Thay vì cậy dựa vào Chúa là nguồn tình yêu đích thực thì họ lại mải chạy theo những danh vọng, tiền tài, các đam mê trần thế để rồi đời sống cứ ngày một xa Chúa. Thay vì bám vào Chúa thì họ lại bám váo những thứ chóng qua ở đời. Chúa Giêsu đã không ít lần nhắc nhở, cảnh tỉnh ta về thói giả hình, thiếu lòng nhân. Nếu đời sống của ta không ăn nhập gì với lời ta rao giảng thì việc rao giảng của ta ra vô ích, người khác sẽ chẳng nghe được gì trong lời rao giảng của ta mặc dù ta vẫn đang rao giảng nhiệt tình, hết mình. Điều này thật nguy hiểm.

Dừng lại để kiểm tra sự kết nối với nguồn rất quan trọng. Để thực hiện điều này, trước tiên ta phải nhận ra sự thật, can đảm đối diện với nó và chấp nhận sửa sai. Khi nhận ra lời rao giảng, việc công bố Lời Chúa của mình không hiệu quả, bản thân ta phải can đảm dừng lại. Dừng lại để xử lý vấn đề. Nếu như hôm ấy người đọc Lời Chúa là ta, ta có dám dừng lại, cúi xuống kiểm tra nguồn điện, chấp nhận để mọi người chờ, chịu quê một chút? Lắm khi trong đời sống, ta đã chẳng đủ can đảm dừng lại để thực hiện điều đó. Dường như ta giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, ta vẫn tiếp tục làm theo cách của ta và từ chối sự sửa lỗi. Khiêm tốn là điều cần thiết ta phải có để có thể đi đến việc sửa đổi. Khiêm tốn giúp ta can đảm dừng lại, cúi xuống để sửa sai rồi từ đó đứng lên tiếp tục việc công bố Lời Chúa. Các kỳ tĩnh tâm, bí tích Hòa giải, gặp linh hướng… là những dịp giúp ta có cơ hội nhìn lại để biết mình đang ở đâu và đời sống ta như thế nào, kết nối của ta với Chúa ra sao… Đừng ngại ngần khi dành thời gian cầu nguyện, tham dự một khóa tĩnh tâm hay đến với các bí tích, bởi đó là những phương thế rất cần thiết, giúp ta kết nối chặt chẽ với Chúa hơn cả.

Bài học thứ ba: Từ phía những người nghe, khi thấy người khác công bố Lời Chúa mà không nghe được, họ có đủ can đảm, đứng lên, tiến đến để giúp đỡ tha nhân? Trong cuộc sống, việc sửa lỗi cho nhau rất quan trọng. Từ phía người sửa lỗi, họ phải thật sự can đảm, bác ái để có thể đứng lên, tiến đến với anh chị em của mình để giúp đỡ họ. Có khi họ phải cầu nguyện tới lui mới ra quyết định nói cho người kia biết sự thật. Từ phía người được sửa lỗi, họ cũng cần khiêm tốn để có thể đón nhận lời góp ý của người khác. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách sửa lỗi cho nhau trong đời sống chung. Trước hết là chỉ ta với người ấy, sau đó mới thêm hai hoặc ba người, hay cả cộng đoàn. Chúng ta chẳng thể nên thánh một mình, sống với nhau, chúng ta có cơ hội hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn, chúng ta cũng biết được điểm mạnh cũng như điểm yếu của nhau. Bởi đó, chúng ta hãy giúp nhau đến gần với Chúa, giữ kết nối với Chúa. Trong đời sống cộng đoàn, khi thấy một người chị em, một người anh em đang có dấu hiệu xa Chúa, chúng ta phải can đảm bước đến, cúi xuống để giúp đỡ người đó. Dẫu biết rằng điều này thật khó trong đời sống chung nhưng nó rất cần thiết.

Hãy luôn giữ kết nối với Chúa và thường xuyên kiểm tra lại kết nối ấy. Khi nhận ra mất kết nối hay kết nối lỏng lẻo, hãy can đảm dừng lại để khắc phục và đừng ngại giúp nhau làm điều đó. Chúa sẽ rất vui khi ta quan tâm đến việc giữ kết nối với Ngài và hiệp hành với nhau. Kết nối với Nguồn ổn định, đời sống của ta sẽ sinh hoa quả như lòng Chúa mong ước.