Kết hiệp đau khổ với cuộc khổ nạn của Chúa

259

 

Động thái “yêu đến cùng” nói về sự hy sinh của Đức Kitô có giá trị cứu độ và cứu chuộc, có giá trị đền bù tội lỗi cho chúng ta. Ngài biết rõ và yêu thương tất cả chúng ta khi Ngài hiến dâng mạng sống. Mọi đau khổ, lời cầu nguyện và việc đền tội của chúng ta chỉ là không nếu không nhờ cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô.

Chúng ta làm gì khi chúng ta cầu nguyện cho người khác? Chúng ta trở nên những người đồng công cứu chuộc (co-redeemers) với Đức Kitô. Lời cầu nguyện của chúng ta không có quyền lực, mà chính quyền năng của Đức Kitô làm cho lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu lực.

Qua Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy sự đồng công cứu chuộc. Ông Môsê, ông Nôê và ông Ápraham là ba trường hợp điển hình trong Cựu Ước, còn trong Tân Ước có rất nhiều trường hợp – chẳng hạn như Đức Maria sẵn sàng xin vâng khi được truyền tin, các tông đồ chữa lành bệnh và làm đủ loại phép lạ. Các tiên tri, các tông đồ và Đức Mẹ không tự mình làm, mà chính Thiên Chúa dùng họ với tư cách người cộng tác với công việc cứu độ của Ngài.

Có 5 điều cần biết về việc hiến dâng đau khổ. Sự đau khổ là thử thách cho thấy tính nhạy bén của chúng ta, nếu chúng ta cho phép đau khổ thì chúng ta cũng mở cửa cho quyền năng của Đức Kitô.

  1. ĐAU KHỔ LÀ THỬ THÁCH NHÂN LOẠI PHẢI CHỊU

Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Nghịch lý trong Phúc Âm về sự yếu đuối và sức mạnh thường nói với chúng ta từ các trang thư của Thánh Phaolô, một nghịch lý được chính các tông đồ đã trải nghiệm và cùng với Thánh Phaolô trải nghiệm qua những người thông phần đau khổ của Đức Kitô”. Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho biết: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12:9). Trong thư gởi cho Timôthê, Thánh Phaolô xác định: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó” (2 Tm 1:12) . Và trong thư gởi giáo đoàn Philípphê, Thánh Phaolô nói:  “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết’ ” (Pl 4:13).

  1. KẾT HIỆP ĐAU KHỔ VỚI THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ CÓ GIÁ TRỊ SIÊU NHIÊN

Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Những người thông phần đau khổ của Đức Kitô đều đặt trước mặt mình các Mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà Đức Kitô thực hiện tới giới hạn cuối cùng của sự yếu đuối về nhân tính: thật vậy, Ngài đã chịu chết vì bị đóng đinh vào Thập Giá. Nhưng ở ngay trong sự yếu đuối này lại có sự nâng cao, được xác định bởi sự phục sinh, nghĩa là sự yếu đuối của sự đau khổ nhân loại lại có thể được truyền thụ bằng sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện nơi Thập Giá Đức Kitô”.

  1. KẾT HIỆP ĐAU KHỔ VỚI CHÚA GIÊSU ĐEM LẠI SỰ AN ỦI TÂM LINH, TÌNH YÊU VÀ NIỀM VUI

Thiên Chúa trao ban sức mạnh tâm linh qua sự đau khổ đồng công cứu chuộc của chúng ta. Cũng như các thánh, chúng ta góp phần hoán cải các linh hồn, và đem nhiều người về với Đức Kitô qua việc chịu đau khổ hằng ngày – nhất là đối với các linh mục được Thiên Chúa trao quyền rao giảng để thông truyền đức tin.

Thánh nữ Teresa Hài Đồng cho biết: “Đau khổ sinh ra để người ta hoán cải nhiều hơn là các bài giảng”. Khi chúng ta hiểu sự đau khổ đồng công cứu chuộc có thể giúp đỡ các linh hồn và xây dựng Nước Chúa như thế nào thì chúng ta có thể cảm nghiệm niềm an ủi, tình yêu thương và niềm vui mừng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” (2 Cr 1:3-7)

  1. ĐỨC MẸ LÀ MẸ ĐAU KHỔ VÀ LÀ NGUỒN AN ỦI KHI CHÚNG TA CHỊU ĐAU KHỔ TRONG CUỘC SỐNG

Không ai thấu hiểu Chúa Giêsu và nỗi đau khổ của Ngài bằng chính Mẹ Ngài. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta với tư cách là Mẹ thiêng liêng trong suốt cuộc đời chúng ta, vì chúng ta phải đối mặt với nhiều loại đau khổ và thử thách.

Đây là trường hợp của nhiều thế hệ Kitô hữu, trong đó có Thánh nữ Philomena, một công chúa Hy Lạp bị Hoàng đế La Mã Diocletian (245?–312?) giết chết khi mới 13 tuổi. Thánh nữ cho biết:

“Tôi bị gaim cầm 37 ngày. Giữa ánh sáng từ trời, tôi thấy Đức Mẹ bế Chúa Con. Đức Mẹ nói với tôi: ‘Con gái, còn 3 ngày ở trong tù nữa, và sau 40 ngày tù, con sẽ rời khỏi tình trạng đau khổ này’. Tin vui như vậy đã làm tôi thêm can đảm để chuẩn bị cuộc chiến sợ hãi đang chờ đợi. Nữ Vương Thiên Đàng nhắc tôi nhớ đến tên thánh tôi đã nhận khi chịu phép Rửa Tội: ‘Con là Lumina, như Vị Hôn Thê được gọi là Ánh Sáng hoặc Ánh Dương. Đừng sợ, Mẹ sẽ giúp con. Bây giờ, theo bản tính yếu đuối, nó sẽ sỉ nhục con. Trong lúc chiến đấu, ân sủng sẽ trợ giúp con thêm sức mạnh. Thiên thần Gabriel thể hiện sức mạnh và đến cứu giúp con. Mẹ khuyên con giao phó cho ngài chăm sóc’. Thị kiến này đưa tôi ra khỏi nhà tù với mùi thơm như trầm hương. Tôi cảm nghiệm niềm vui ở thế giới này. Có điều gì đó không thể giải thích được”.

  1. TRONG “TRƯỜNG HỌC ĐAU KHỔ KITÔ GIÁO”, SÁCH GIÁO KHOA LÀ KINH THÁNH

Sự sống, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ, là trường học dạy môn đau khổ và yêu thương. Chúng ta cũng vào học trường này khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, Khi chúng ta được rửa bằng nước, biểu tượng sự chết của Đức Kitô, trước khi được tái sinh và được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, trên hành trình tiến tới sự phục sinh và sự sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Ở trong trường học về sự đau khổ và tình yêu thương Kitô giáo, chúng ta cậy nhờ vào những lời ban sự sống trong Kinh Thánh, một bộ sách quan trọng về sự đau khổ”.

Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5:9-10). Thánh Phaolô cho biết: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

KINH XIN ƠN KẾT HIỆP ĐAU KHỔ VỚI CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của con, tình yêu bao la được biểu lộ trong cuộc khổ nạn và sự chết của Ngài. Từ trên Thập Giá, chính Ngài đã nói với con. Khi con nhìn thấy Ngài trong cơn hấp hối, con đọc được thư tình viết bằng Máu Thánh Ngài. Ngài nói với con bằng ngôn ngữ của tình yêu dễ hiểu hơn bằng lời nói. Ngài đại lượng hiến mạng sống vì con. Tâm hồn con đau khổ và mong ước được hao mòn vì Ngài, chính nơi vết thương mở rộng vì lưỡi giáo của người lính Rôma đâm Ngài. Khi con kính thờ Thập Giá và Năm Dấu Thánh của Ngài, con đặt đau khổ của con vào đó. Với lòng tín thác, con kết hiệp đau khổ của con với đau khổ của Ngài, vì con biết rằng mọi đau khổ trần gian này đều được thu hút vào các Dấu Thánh của Ngài, nhờ đó mà con được chữa lành. Amen.

KATHLEEN BECKMAN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)