Trong cuốn “Making Sense When Life Doesn’t” (Tạo Ý Nghĩa Khi Cuộc Sống Vô Nghĩa), tác giả Cecil Murphey viết: “Một lần nọ, ba người chúng tôi nói chuyện về những người tiêu cực trong cuộc sống và những thứ họ làm đối với chúng tôi. Hai anh bạn tôi kể chuyện về những người hay gây hấn với người khác. Một người lạ nghe chúng tôi nói chuyện thì nói xen vào: Các anh nhớ là các anh cần kẻ thù đấy”.
Tác giả Murphey đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta cần kẻ thù? Tại sao chúng ta cần những người làm cho cuộc sống của chúng ta rắc rối? Chúng ta phải tự tìm ra câu trả lời”. Một anh bạn của tôi nói rằng cách nói của người lạ kia khiến câu chuyện của chúng tôi chuyển hướng. Trên đường về nhà, tôi cứ miên man suy nghĩ về lời nói của người lạ kia.
Mặc dù điều đó đã xảy ra vài tuần rồi, nhưng tôi vẫn cứ phải suy nghĩ về câu nói của người lạ kia. Tôi nghĩ anh ta nói đúng. Trong cuộc sống, tôi cần những người tiêu cực, ghen ghét, khó chịu, tầm thường. Tôi không thích những gì họ nói, đôi khi tôi bực mình. Có những lần tôi đã tức giận về những gì họ làm. Tôi giận dữ với họ và muốn trả thù họ như họ đã làm cho tôi. Tôi đã từng làm vậy mà tôi không nghĩ mình chẳng hơn gì họ. Tồi tệ thật!
Nhưng tôi cần kẻ thù. Tôi cần họ vì các bạn tôi xác định những điểm tốt nơi tôi. Họ đánh giá cao về tôi và động viên tôi. Đôi khi họ nói những điều tiêu cực về tôi, nhưng tôi có thể chấp nhận cách phê bình của họ, vì họ quý mến tôi, họ phê bình tôi bằng những lời nói “lọt tai” chứ không thô lỗ.
Kẻ thù thì không như vậy. Họ thường dùng những lời “chói tai”. Tôi không biết họ có ý làm tôi bị tổn thương hay không, hoặc họ có là những người tiêu cực hay không.
Thật không dễ để tôi biết được điều này: Kẻ thù thường nâng đỡ chúng ta. Hãy nghĩ về các đồng nghiệp luôn cố gắng cho chúng ta biết cách làm việc tốt hơn. Còn những người hàng xóm hay than phiền vì bạn không giữ vệ sinh chung thì sao? Còn những người khó tính khó nết vẫn nói rằng bạn nói nhiều, hay bép xép, hoặc bạn nói ít, lầm lì khó ưa, hoặc bạn nói to, ồn ào quá, vậy thì sao?
Họ thường đả kích và chê bôi đủ thứ. Dĩ nhiên, bản năng của chúng ta cho rằng họ sai, còn chúng ta lúc nào cũng đúng, luôn là “số dzách, là number ONE. Chúng ta vẫn thường như vậy. Tuy nhiên, nếu khôn ngoan, chúng ta chịu lắng nghe thì có lợi lắm. Đôi khi họ thấy những cái mà chúng ta không thấy hoặc không muốn thấy. Họ bắt chúng ta chấp nhận nhược điểm và sự bất toàn của chúng ta. Vậy họ không là ân nhân sao?
Một hôm, khi nghe lời dạy của Chúa Giêsu trong “Bài Giảng Trên Núi”, tôi giật thót khi nghe: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em!” (Mt 5:43-44).
Nếu bạn không thích dùng chữ “kẻ thù” thì dùng chữ “đối thủ”, hai từ đồng nghĩa nhưng nghe “đối thủ” cảm thấy “nhẹ” hơn. Tóm lại, tất cả chúng ta cùng là con người, cùng một Cha trên trời, là huynh đệ với nhau, không ai có thể ghét bất kỳ ai.
Cũng trong cuốn “Making Sense When Life Doesn’t”, tác giả Cecil Murphey nói: “Nhờ đó, tôi biết dành thời gian để tạ ơn Chúa vế những kẻ thù của tôi, những người mà tôi cảm thấy họ không thích tôi, phê bình tôi hoặc ghét tôi. Họ thường đúng khi phê bình nhưng không biết cách bày tỏ”.
Những người làm giảm giá trị của tôi hoặc chỉ ra những điều như vậy thì họ làm cho tôi có thể thấy mặt trái của tôi mà tôi không muốn chấp nhận. Họ làm cho tôi sống tốt hơn vì tôi phải suy nghĩ về điều họ nói. Ngay cả khi họ hoàn toàn sai, họ vẫn bắt tôi tự xét mình về mọi thứ: Lời nói, hành động, thái độ, cử chỉ, vẻ mặt, ánh mắt,…
Lạy Chúa, xin cho con biết “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” như Thầy Giêsu đã sống. Xin Thánh Phanxicô Assisi nguyện giúp cầu thay. Amen.
VIỄN ĐÔNG (Chuyển ngữ từ Daily Inspiration)