Kẽ nứt của chiếc bình

52

Ronald Rolheiser, 2012-05-27

Có một câu của Leonard Cohen được rất nhiều người trích dẫn, ngụ ý rằng chỗ nào ta bị đổ vỡ chính là nơi bắt đầu sự cứu chuộc cho ta: Mọi thứ đều có kẽ nứt, nhờ vậy mà ánh sáng lọt vào.

Đúng như vậy, một vết thương nghiêm trọng thường chính là nơi minh triết tuôn vào đời sống chúng ta, và tình trạng yếu ớt thường xuyên chế ngự chúng ta giữ cho chúng ta nhận thức được chúng ta cần tới ân sủng. Nhưng đó mới là một nửa của phương trình. Một khiếm khuyết, trong khi giữ cho chúng ta khiêm nhường thì nó cũng có thể làm cho chúng ta cảm thấy tầm thường và buồn chán. Thánh Gioan Thánh Giá giải thích qua hình ảnh sau:

Nếu một kẽ nứt nhỏ trong một cái bình bị để như vậy mà không được sửa chữa, thì rồi sẽ hư hại đến mức có thể khiến chất lỏng trong bình rỉ ra hết… Cũng vậy, khiếm khuyết này sẽ dẫn đến khiếm khuyết khác, và cứ thế tiếp tục. Hiếm khi thấy có người nào lơ là trong chuyện chế ngự một ham muốn mà lại không có nhiều ham muốn khác phát sinh cũng từ chính điểm yếu và khiếm khuyết gây ra do nỗi thèm khát ban đầu. Bởi thế, những người đó cứ mãi ngả nghiêng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều người, mà Chúa đã ưu ái ban cho nhiều tiến bộ trong chuyện cắt bỏ vướng víu và có tự do, lại rơi rụng không còn hạnh phúc và an ổn trong các bài thực hành thiêng liêng, và kết cục là mất hết mọi thứ, đơn giản chỉ vì họ bắt đầu tự cho phép mình đắm chìm trong những chuyện trò và mối quan hệ bè bạn dưới cái vỏ tốt đẹp, những dính mắc hời hợt. Bởi vì chính qua những mối trói buộc này mà dần dần họ mất hết sự cô tịch thiêng liêng cũng như tinh thần và niềm vui của Chúa. Tất cả chuyện này xảy ra bởi vì họ không chịu chấm dứt sự thỏa mãn và thú vui cho các giác quan ban đầu để duy trì bản thân họ trong sự cô tịch cho Chúa. (Đi lên Đỉnh Carmel, Quyển I, Chương 11).

Mặc dù đoạn trên được đặc biệt viết cho các vị nam nữ tu hành suy tư với một lời cảnh báo đừng “dính mắc với chuyện trò và mối quan hệ bè bạn” nghe kỳ cục và không lành mạnh đối với chúng ta, có một phần trong chúng ta hiểu chính xác ông muốn nói điều gì: những nghiện ngập, những bất trung, và những rơi rụng của chúng ta khỏi ân sủng luôn luôn bắt đầu ở chính cái điểm mà ông đã chỉ tới, đó là, trong những thú vui và thỏa mãn ban đầu, một mức độ chòng ghẹo và chơi đùa với lửa mà, mặc dù bản thân việc đó không phải là tội lỗi, rốt cuộc lại đưa đường dẫn lối để chúng ta bị sa lầy về tình cảm và luân lý, tước đi hạnh phúc và bình an, và tai hại hơn hết thảy là buộc chúng ta phải giấu diếm, dối trá và không còn minh bạch.

Và thậm chí cả khi lỗi lầm này không lớn, nó vẫn chặn không cho chúng ta trưởng thành sâu sắc hơn và có niềm hạnh phúc sâu sắc hơn. Thánh Gioan có một câu phương ngôn rằng, rốt cuộc, chuyện một con chim bị cột bằng một cái xích nặng hay một sợi dây nhẹ chẳng có gì quan trọng – trong cả hai trường hợp, con chim đều không thể bay được. Vì thế, ông mạnh mẽ cảnh báo chúng ta đừng dễ dãi với bất kỳ khiếm khuyết hay tật nghiện ngập nào của mình bằng cách lý luận rằng khiếm khuyết hay tật nghiện đó không nghiêm trọng gì cho lắm và về căn bản chúng ta vẫn là những con người tốt, cho dù có điểm yếu. Cho dù bị cột bằng dây xích nặng hay một sợi chỉ mảnh, chúng ta đều không thể bay được.

Nếu chúng ta trở nên thấy thoải mái với một tật nghiện ngập hay khiếm khuyết của bản thân, chúng ta sẽ thấy mình cũng bị nghèo đi theo một cách khác: nó sẽ tước đi của ta niềm hạnh phúc thật sự. Triết gia người Pháp Leon Bloy nói rằng xét cho cùng, chỉ có duy nhất một nỗi buồn mang tính người, đích thực, đó là không làm thánh! Điều đó có thể nghe như một luân lý quá mức sùng đạo, nhưng, cũng như với câu trích dẫn ở trên của thánh Gioan Thánh giá, có một phần trong chúng ta hiểu chính xác Bloy đang nói điều gì. Những tật nghiện ngập, những sự bất trung của chúng ta, và những thói chìm đắm nuông chiều bản thân thiếu lành mạnh của chúng ta rất có thể sẽ đem lại cho ta khoái lạc nào đó (mặc dù, chẳng mấy chốc lạc thú đó đã hóa thành thôi thúc khó chịu) nhưng chúng chẳng bao giờ đem lại niềm vui cho chúng ta. Chúng đem lại nỗi buồn. Niềm vui không phải là một với khoái lạc, và, thực sự, chúng ta đang nói về những khoái lạc buồn bã. Có thể có rất nhiều khoái lạc trong đời sống chúng ta ngay cả khi trái tim chúng ta buồn bã và lương tâm trĩu nặng.

Niềm vui đích thực là một cái gì đó vượt lên trên lạc thú và có thể cùng tồn tại với sự từ bỏ và niềm đau. Đúng hơn, nó phụ thuộc vào lòng trung thực, minh bạch, và lòng biết ơn, những dấu ấn thật sự của sự thánh thiện. Khi chúng ta trung thực xem xét trải nghiệm của mình, chúng ta biết chân lý đó. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta tự hỏi mình: Tôi từng hạnh phúc thật sự nhất trong đời khi nào? Câu trả lời trung thực chắc chắn sẽ là: Tôi đã hạnh phúc nhất và bình an nhất vào những lúc tôi trung tính, trung thực, hoàn toàn minh bạch, khi tất cả mọi điều mọi việc đều bày ra, và tôi không có gì để giấu diếm, kể cả khi tôi chưa hề hoàn hảo.

Không ai hoàn hảo cả, nhưng chúng ta không bao giờ được trở nên thấy thoải mái với khiếm khuyết của mình và biện bạch cho chúng bởi vì chúng không có gì trầm trọng hay bởi vì chúng ta có thể che giấu chúng. Nếu một kẽ nứt nhỏ trong chiếc bình cứ bị để như vậy mà không được sửa chữa, thì rồi sẽ hư hại đến mức có thể khiến chất lỏng trong bình rỉ ra hết. Kết quả cuối cùng sẽ không phải là chúng ta trở thành những con người xấu xa. Không. Chúng ta vẫn như vậy, tốt và vững vàng trong sự tầm thường của mình. Nhưng sự lớn lao sẽ rời bỏ chúng ta và chúng ta sẽ luôn luôn mang nặng nỗi buồn của người lớn, đó là, không phải là thánh.

J.B. Thái Hòa dịch