Nhưng xem ra các gia đình ngày nay đang mất dần hai chữ hy sinh. Ngày xưa nhờ hy sinh mà các cụ sống với nhau trọn đời, nhưng ngày nay thì không hợp người ta bỏ nhau, không hạnh phúc người ta bỏ nhau, không có lợi người ta cũng bỏ nhau. Không mấy ai vì hai chữ hy sinh mà ở lại với nhau.
Vợ chồng trẻ ngày nay rất sòng phẳng với nhau. Việc ông ông làm, việc tôi tôi làm. Họ không có giờ để quan tâm chăm sóc nhau. Nhiều mái nhà dường như chỉ là quán trọ cho mỗi tối vợ chồng về ngủ qua đêm rồi ngày mai lại việc ai người ấy làm.
Quan niệm sống ngày nay cũng thay đổi. Ngày xưa thì “chồng xướng vợ tùy” nghĩa là chồng nói gì thì vợ cũng tùy ý chồng, nhưng hôm nay, phụ nữ đòi bình đẳng ở xã hội và ở gia đình. Họ cũng đi sớm về khuya, đôi khi việc nhà lại đổ dồn cho chồng con.
Nét đẹp của phụ nữ qua mọi thời đại là hy sinh, vì thế có ai đó đã nói rằng: “nếu có hai chữ hy sinh ở trên đời, tôi nạm bạc chữ vàng cho cô gái Việt Nam yêu”. Đây là những người phụ nữ coi hy sinh chính là hạnh phúc. Họ chỉ cần về nhà thấy nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, chồng con vui vẻ sung sướng, thì khổ mấy họ cũng thấy là hạnh phúc. Hạnh phúc của người phụ nữ nếu không mang lại niềm vui cho gia đình chồng con, thì mang lại niềm vui cho ai?
Đối với các ông chồng chữ hy sinh hôm nay có còn không? Ngày xưa các đấng nam nhi thì phải gánh vác việc nặng cho gia đình. Họ là rường cột cho gia đình về kinh tế, về gia phong . . . nhưng hôm nay ngày càng có nhiều đàn ông ăn bám vợ, thiếu trách nhiệm với vợ con. Họ đã không lao động phụ giúp vợ con mà còn tự do ăn nhậu, ngoại tình và hành hạ vợ con.
Người chồng là núi thái sơn che chở gia đình mà không đưa vai ra gánh vác gia đình, thì thật bất công với vợ con và có lỗi với Chúa.
Hạnh phúc đích thực trong tình yêu là được phục vụ người mình yêu. Như khi yêu người con trai được đạp xe chở cô nàng và cô nàng hạnh phúc vì được chở thì người con trai cũng mãn nguyện rồi. Thế nên, mới có chuyện khi đang là tình nhân, anh chàng chở cô nàng trên chiếc xe đạp, cô nàng hỏi anh chở em lên dốc có mệt không anh? Chàng hổn hển trả lời: Bình phường! được chở em là anh hạnh phúc, quên đi cái mệt. Nhưng khi cưới rồi thì anh chồng lại bảo: “có phải là trâu đâu mà không mệt!”
Xem ra các gia đình hôm nay mất hạnh phúc vì thiếu hai chữ hy sinh. Hai chữ hy sinh làm nên một tình yêu, một chuyện tình đẹp. Hai chữ hy sinh như hai trụ để giữ mái ấm gia đình đứng vững trước những bão tố cuộc đời. Thế nên, nếu mất nó, gia đình, tình yêu cũng tan vỡ.
Đây là lúc mà người tín hữu cần phải sống để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa. Có thể hai chữ hy sinh được xem là thua thiệt, là mất mát mà con người ngày nay đang nghĩ, thì người ky-tô hữu phải vượt trên điều ấy bằng tình yêu với Đức Ky-tô. Chúng ta có thể vì Chúa để sống hy sinh cho nhau, vì Chúa để có thể đón nhận nhau trong bao dung tha thứ. Người ky-tô hữu cũng cần phải sẵn lòng vác thập giá theo chân Chúa. Thập giá trong gia đình khi biết gánh lấy cuộc đời nhau để chăm sóc và hy sinh cho nhau.
Hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tửdành cho đàn chiên. Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.
Xin cho chúng ta hãy yêu như Chúa Giê-su đã yêu. Một tình yêu hy sinh đến quên cả tính mạng mình. Hy sinh để yêu là yêu cho đến cùng. Hy sinh trong tình nghĩa vợ chồng luôn quan tâm chăm sóc và thủy chung. Hy sinh trong cương vị cha mẹ luôn phục vụ con cái. Hy sinh cho gia đình được hạnh phúc và ấm no.
Ước gì chúng ta hãy sống tin mừng theo gương Đức Ky-tô, một tin mừng của yêu thương dám hy sinh từ bỏ chính mình mà yêu tha nhân hết lòng. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền