Cuộc sống xung quanh ta có nhiều mùi hương. Mùi hương tô điểm cuộc sống. Có những mùi hương đậm đặc, dễ biết; cũng có những mùi hương nhẹ nhàng, kín đáo.
Thế giới tự nhiên có nhiều mùi hương thú vị. Khi cơn mưa rào đột ngột đổ xuống, bạn sẽ ngửi thấy một mùi nồng nồng, ngai ngái. Đứng giữa cánh đồng, mùi thơm lúa mới và cỏ xanh hòa quyện vào khoang mũi. Khi đặt chân vào thư viện, hương thơm hạnh nhân của đống sách cũ sẽ làm bạn mê mẩn.
Thế giới tinh thần cũng có những mùi hương đặc trưng và tinh tế. Tình yêu cũng có mùi hương, người ta gọi là hương tình. Nhưng có lẽ, người ta ít chú ý đến hương tình. Tình yêu thường đi tìm nhau bằng đôi mắt. Đôi mắt rạo rực, tình yêu hồ hởi. Đôi mắt đưa đẩy chới với, tình yêu bấp bênh vô định. Tình yêu cũng được đón đưa bằng đôi tai. Đôi tai thâu nhận sóng âm rung động của tình yêu. Và có những đôi khuyên tai đong đưa, gọi mời cho tình yêu thêm yêu kiều, mê đắm. Người ta dồn dập với con mắt và đôi tai, nhưng ít người tĩnh lặng để say sưa trong hương tình.
Nguồn gốc của hương tình
Các nhà khoa học đã công nhận, mỗi người chúng ta, cũng giống như khuôn mặt, đều có nét riêng của những mùi hương. Tuy nhiên, mùi hương thì có thể dễ chịu với người này nhưng khó chịu với người kia. Sự khác biệt DNA – một loại axit amin trên gene người khiến không phải ai cũng có cảm nhận mùi hương giống nhau. Có người thông cảm, đón nhận mùi hương này, nhưng có người lại khó chịu, gắt bẳn với chính mùi hương đó.
Thế nhưng, khi yêu nhau, sự khác biệt đó bị xóa nhòa. Người ta dễ dàng đón nhận và yêu luôn mùi hương của nhau. Những người yêu nhau thường tạo dấu hiệu riêng để nhận biết nhau. Và từ đó, hương tình ra đời như là dấu hiệu nổi bật.
Người mẹ và đứa bé mới sinh ra gắn chặt với nhau trong tình mẫu tử thiêng liêng bằng mùi cơ thể và cả mùi yêu. Cũng nhờ khả năng tạo mùi hương của các tiết tố trong cơ thể mà những bạn tình có thể sẽ tìm ra nhau. Chủ chiên yêu con chiên, nên chủ chiên chấp nhận mọi con chiên với sự phong phú của nó: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó…” (Ed 34,16). Khuyết điểm của mùi hương trở thành con đường dẫn tới tình yêu.
Những người chăn chiên cũng biết rõ mùi hương của từng con chiên và ngược lại: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). “Biết” không chỉ là nhớ mặt đặt tên, nhưng là lòng quyện lòng, tâm hồn đồng điệu cùng tâm hồn. “Biết” là nhớ đến, là sống, là yêu và cuối cùng là chết cho mùi hương của nhau. Mùi của chiên và của chủ chiên hòa quyện, gắn bó. Mùi chiên trở thành mùi mục tử và mùi mục tử trở thành mùi chiên. Đó là sự thông hiệp trọn vẹn trong tâm hồn, là sự hiện diện mật thiết của người này trong người kia. Và đó cũng chính là hương tình.
Đặc tính của hương tình
Hương tình vẽ ra khuôn mặt của những người đang yêu nhau. Không một cơn gió mạnh, không một khí độc nào của thế lực thù địch có thể làm lu mờ, biến dạng khuôn mặt của hương tình.
Sự gắn chặt của hương tình vào những người yêu nhau mạnh đến nỗi, dù họ có gột rửa, có xa nhau, thì hương tình cũng khó lòng tan biến mau qua “khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (Hs 6,4). Ngược lại, bởi “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con” (Ga 17,24), nên hương tình mãi chung thủy son sắt.
Hương tình là khuôn mặt của tâm hồn. Thế nên, hương tình di truyền sự phong phú, nhiều góc cạnh của tâm hồn. Hương tình có những khi tưởng như đối lập nhưng lại đồng điệu.
Có hương tình của hạnh phúc và có cả hương tình của đau khổ. Khi hạnh phúc, con chiên tận hưởng mùi êm ái của đồng cỏ xanh, mùi quyến rũ trong lành của suối trong: “Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành” (Tv 23,2). Trong khung cảnh thi vị, hương tình chủ chiên và con chiên được dịp thăng hoa. Khi đau khổ “qua thung lũng âm u”, chủ chiên rạo rực nhưng đàn chiên chối từ; chủ chiên muốn tỏa hương nhưng gió mạnh khí độc làm hương bay đi, đàn chiên chưa kịp níu giữ.
Có hương tình của chiếm hữu “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay” (Is 40,11) và có cả hương tình của hy sinh: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Sức mạnh của hương tình
Hương tình có sức biến đổi lạ kỳ. Hương tình biến người mục tử tốt lành thành chuồng chiên; biến con chiên lạc lối vì ham ăn, thích bông đùa có thể “nhận biết tiếng của anh” mà quay về; biến “con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh”; biến con chiên “không thuộc ràn này” vào một đoàn chiên duy nhất…
Hương tình khiến chủ chiên quên đi bản thân. Hương tình làm lý trí mất khả năng toan tính, làm lu mờ sự khôn ngoan thế gian. Bởi hương tình là nhịp đập của trái tim: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18,12). Hương tình khiến con chiên mạnh dạn tín thác, mạnh dạn yêu: “Có Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1).
Trên đồng cỏ, khi nào cũng có sói, nhưng sói không thể biết được giữa đoàn chiên và chủ chiên có hương tình như lá chắn bảo vệ. Sói không thể nuốt hương tình, không làm họ lạc mất nhau.
Trên đường đi đến đồng cỏ, gai chông, núi đá có thể làm con chiên bị thương, nhưng hương tình luôn đủ sức chữa lành và an ủi. Chỉ cần con chiên hà hơi lên tiếng, hương tình sẽ đến và lay động con tim mục tử.
Bên dòng nước, bầy chiên khát vồ vập chạy tới. Bầy chiên không biết rằng, ở đó có những bóng mờ. Rắn độc, nước chảy xiết, bờ đá trơn sẽ làm con chiên sa ngã. Đàn chiên sẽ bước qua bóng mờ cách an toàn, nếu biết liên kết với chủ chiên bằng sợi dây hương tình.
Con chiên sẽ không bao giờ no thỏa nếu không đi với chủ chiên. Bởi nếu đi một mình, con chiên không có hương tình. Và có lẽ, muôn đời con chiên vẫn luôn thao thức đi tìm HƯƠNG TÌNH vĩnh cửu của đời mình.
Đức Tình