Hương thơm tình yêu (Thứ Năm Tuần 4 Mùa Chay)

157

Lời Chúa: Ga 5,31-47

31 Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

41 Tôi không cần người đời tôn vinh.42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?

45 Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói? “

.

 Suy niệm:

Vào thời nhà Hán, Hàn Bá Du, ăn ở rất có hiếu với mẹ. Nhưng mỗi khi Hàn Bá Du có lỗi phạm, mẹ thường đánh đòn để dạy con. Một hôm, Bá Du phải đòn, khóc mãi, khóc hoài không nín. Thấy vậy mẹ hỏi : mọi khi mẹ đánh con, con biết lỗi, con cam chịu ngay, lần này sao con khóc hoài như thế ? Bá Du thưa : mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe, lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ, con thương mẹ mà con khóc !

Ở trong tình yêu, hai mẹ con Hàn Bá Du đã thể hiện được thế nào là nghĩa hiếu. Ở trường đời, không ai ưa thích đi mãi con đường “một chiều”, tình yêu cho đi thì phải có người mở lòng đón nhận. Chỉ những ai đã từng làm con hay làm cha mẹ mới có kinh nghiệm : cổ thụ là bóng mẹ cha, cây non là cả vườn hoa tuổi hồng. Khởi đi từ hai tiếng yêu thương, Con Thiên Chúa đã đến trần gian; có đọc được hai từ vâng phục, nhân loại mới thấu hiểu vì sao đau khổ, sự chết của Chúa Giêsu lại ngát tỏa hương thơm ? Có cầu nguyện, người tín hữu mới hiểu sứ mạng của Chúa Giêsu tại trần gian này là ban phát ơn cứu độ bằng cuộc khổ nạn phục sinh. Có khiêm tốn lắng nghe, người tín hữu mới nghiệm ra tại sao Thiên Chúa không đánh phạt kẻ tội lỗi và kiên nhẫn đợi chờ họ quay về đường ngay nẻo chính.

Sách Xuất Hành hôm nay cho thấy nỗi đau khổ của Môisê, khi ông hay tin dân chúng bỏ đường lối Thiên Chúa mà thờ lạy bò vàng, ông xin Thiên Chúa dừng cơn thịnh nộ và Chúa đã thứ tha cho dân. Chúa Giêsu trong Tin Mừng cũng thật đau lòng vì sự tự mãn của giới lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Chúa Giêsu nhắc đến nhân chứng Gioan loan báo “Đấng đến sau tôi”. Chúa Giêsu thực hiện phép lạ cho người mù được thấy kẻ què đi được. Tại sông Giođan, người Do Thái còn nghe được tiếng phán từ Chúa Cha về Con Yêu Dấu…. Tất cả như muốn đến một thực tại : “trăm cái lý không bằng tí cái tình”. “Khi yêu đừng hỏi tại sao, đã yêu phải yêu đến cùng”. Cuộc đối thoại và các dẫn chứng của Chúa Giêsu chưa được nhiều người Do Thái đón nhận, nhưng sự kiên nhẫn của Chúa và tinh thần yêu thương của chúng ta hiện tại vẫn mang lại thành quả mà Chúa rất vui.

Dân gian có câu : “Hoa kia thơm lạ thơm lùng, thơm cành thơm lá thơm cùng bốn phương”. Mùi thơm của hoa cỏ đồng nội, hay hương thơm của hoa yêu thương, làm sao lại thiếu công khó nhọc nhằn trong đó. Đã gọi là hoa thì phải thể hiện được bản chất là có hương hoặc có sắc, trừ hoa nhựa hoa giấy. Đã là người thì phải thể hiện được bản chất yêu thương của mình, dù hoàn cảnh có thuận lợi hay không ! Hầu hết mọi người thật dễ khẳng định : tôi rất thích được yêu vì tôi đang yêu, đã yêu, cho dù tôi chưa thấy, và không thể cầm nắm được tình yêu ! Nơi người Kitô hữu, chúng ta vẫn nói tới hoa thiêng liêng, nghĩa là hoa làm bằng những hy sinh hãm mình, hoa không hình dáng, không mầu không mùi nhưng lại ngát hương, đó là hoa thơm nhân đức. Chúa Giêsu không ngừng mưa hoa hồng đến tâm hồn chúng ta, Ngài còn khao khát khát mỗi chúng ta sẽ là bông hồng góp phần tạo nên vườn hồng rực rỡ cho xã hội hôm nay. Amen.

Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc